Phương Tây trừng phạt nhưng nhà sản xuất dầu Nga 'đi trước một bước'
Bất chấp các lệnh trừng phạt, xuất khẩu dầu Nga vẫn hồi phục, nhờ nhiều thương nhân tìm cách che giấu nguồn gốc dầu để bán ra thị trường.
Châu Âu vừa nhắm mục tiêu dầu thô của Nga với loạt lệnh trừng phạt cứng rắn nhất, nhưng các nhà xuất nhập khẩu và nhà máy lọc dầu đang mua bán dầu bằng cách che giấu nguồn gốc xuất xứ. Một số loại nhiên liệu được cho là được sản xuất một phần từ dầu thô của Nga đã cập bến New York và New Jersey vào tháng trước, theo Wall Street Journal.
Theo hồ sơ vận chuyển, dữ liệu Refinitiv và phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch có trụ sở tại Helsinki, dầu hoặc các sản phẩm tinh chế được đưa qua kênh đào Suez và xuyên Đại Tây Dương từ các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ, vốn là những khách hàng lớn của Nga.
Không cần đợi đến khi châu Âu ban hành lệnh cấm vận dầu Nga, hoạt động này thậm chí được cho là đã bắt đầu ít lâu sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) công bố những vòng trừng phạt đầu tiên lên Moscow. Dầu Nga được che giấu dưới dạng các sản phẩm đã qua tinh chế và pha trộn như xăng, dầu diesel và hóa chất.
Dầu cũng được mua bán trên các tàu chở hàng giữa biển - một cách thức từng được sử dụng để tiêu thụ dầu bị trừng phạt của Iran và Venezuela. Theo các công ty vận tải, việc lén giao dịch dầu Nga đang diễn ra ở Địa Trung Hải, ngoài khơi Tây Phi và biển Đen. Số hàng này sau đó hướng tới Trung Quốc, Ấn Độ và Tây Âu.
Ngoài việc EU cấm vận dầu Nga theo từng giai đoạn, khối này ngày 31/5 cũng dự kiến cấm công ty bảo hiểm bán các gói bảo hiểm cho tàu chở dầu Nga. Tuy nhiên, nhiều biện pháp né lệnh trừng phạt đã và đang được tiến hành, gây nguy cơ làm giảm hiệu quả của những hạn chế này.
Sự thiếu rõ ràng trong lệnh trừng phạt
Lệnh cấm vận của Mỹ từ tháng 3 cấm nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá từ Nga, nhưng nhiên liệu - như dầu diesel - thường được làm từ hỗn hợp các sản phẩm khác nhau.
Các thương nhân cho biết người mua Trung Quốc đang tìm cách che giấu xuất xứ dầu của Nga để tránh chi phí vận chuyển cao. Ảnh: Reuters.
|
Theo các luật sư thương mại, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của (OFAC) Mỹ thường xác định một mặt hàng xuất xứ từ một nước nào đó khi sản phẩm có chứa từ 25% trở lên nguyên liệu của nước đó.
Nó không bao gồm hàng hóa đã được biến đổi cơ bản thành một sản phẩm khác do nước ngoài sản xuất. Theo các luật sư tại ba công ty khác nhau, việc tinh chế dầu thô thành các sản phẩm như xăng hay dầu diesel liệu có được tính vào lệnh trừng phạt hay không vẫn chưa được OFAC công bố rõ ràng.
Xuất khẩu dầu Nga phục hồi bất chấp lệnh trừng phạt
Nhìn chung, xuất khẩu dầu của Nga đã phục hồi trong tháng 4, sau khi giảm vào tháng 3 do các lệnh trừng phạt đầu tiên của phương Tây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết.
Xuất khẩu dầu của Nga thời gian gần đây tăng 620.000 thùng/ngày lên 8,1 triệu thùng/ngày (mỗi thùng chứa gần 159 lít), gần với mức trước cuộc chiến. Số dầu này phần lớn cung cấp cho Ấn Độ.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch.
|
Ấn Độ đã nổi lên như một trung tâm chính tiêu thụ dầu Nga. Theo công ty dữ liệu thị trường hàng hóa Kpler, nhập khẩu của nước này hiện đã tăng vọt lên 800.000 thùng/ngày, cao gấp gần 27 lần so với mức 30.000 thùng/ngày trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Động lực của mức tăng này được cho là do sự giảm giá sâu của một loại dầu thô phổ biến của Nga được gọi là Urals, có giá thấp hơn dầu Brent khoảng 35 USD.
Theo Kpler, một nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng khổng lồ Ấn Độ Reliance Industries đã mua lượng dầu thô của Nga gấp 7 lần trong tháng 5, so với mức trước xung đột, chiếm 1/5 tổng lượng tiêu thụ của nhà máy này.
Pha trộn dầu để tinh chế sản phẩm
Reliance đã thuê một tàu chở dầu để chở hàng hóa chứa alkylate, một thành phần được lọc từ dầu thô để làm xăng, khởi hành từ cảng Sikka gần đó vào ngày 21/4 mà không có điểm đến dự kiến. Ba ngày sau, chiếc tàu cập nhật hồ sơ của mình tới một cảng của Mỹ và lên đường, dỡ hàng vào ngày 22/5 tại New York.
“Có khả năng Reliance nhận một lô hàng giảm giá dầu thô của Nga, tinh chế nó và sau đó bán sản phẩm trên thị trường ngắn hạn, nơi họ tìm được người mua ở Mỹ”, theo Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí trong lành, đang theo dõi hoạt động xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga.
"Có vẻ như có những giao dịch trong đó dầu thô của Nga được tinh chế ở Ấn Độ và sau đó một số được bán sang Mỹ", bà Myllyvirta nói thêm.
Reliance đã không trả lời yêu cầu bình luận. Giám đốc tài chính của công ty, Srikanth Venkatachari, cho biết trong một cuộc họp báo ngày 6/5 rằng công ty đã giảm thiểu chi phí nguyên liệu bằng cách tìm nguồn cung ứng “chênh lệch giá”.
Xuất khẩu sản phẩm dầu tinh luyện của Ấn Độ, được thúc đẩy nhờ nguồn cung cấp giá rẻ của Nga, đã tăng mạnh kể từ đầu cuộc xung đột ở châu Âu. Các lô hàng hàng ngày đến châu Âu đã tăng hơn 33%, và tới Mỹ tăng 43% theo quý.
Các toa chở dầu chở hàng trên đường sắt ở Omsk, Nga ngày 24/5. Ảnh: Reuters.
|
"Nếu các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ ở bờ biển phía Tây nhập khẩu nhiều dầu thô của Nga thì có lẽ chúng được dùng để sản xuất ra những sản phẩm dầu tinh luyện này”, Koen Wessels, một nhà phân tích các sản phẩm dầu tại công ty tư vấn Energy Aspects cho biết.
Điều này xảy ra vào thời điểm giá xăng và dầu diesel đã đạt kỷ lục ở Mỹ do giá dầu thô cao, đè nặng lên người tiêu dùng, ngay vào thời điểm lạm phát gần đây ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Các nhà phân tích cho biết điều này có thể khiến nguồn cung từ nước ngoài ít được kiểm tra kỹ lưỡng hơn.
Tháng trước, tàu Zhen 1 chở dầu thô của Nga đã gặp Lauren II, một tàu chở dầu thô khổng lồ có thể chứa khoảng 2 triệu thùng dầu, ở ngoài khơi Tây Phi. Dữ liệu tàu cho thấy nó có khả năng đã xả tải. Lauren II đang hướng đến Gibraltar và sau đó dự kiến đến Trung Quốc, các nhà phân tích cho biết.
Tìm cách giảm chi phí bảo hiểm và vận chuyển
Các nhà máy lọc dầu châu Âu hoặc châu Á mua dầu của Iran, Venezuela và Nga không phải là bất hợp pháp, nhưng những hoạt động giao dịch này bị phá vỡ bởi những hạn chế liên quan, chẳng hạn như các ngân hàng và công ty vận tải bị xử phạt, và rủi ro chính trị khi giao dịch với các quốc gia này. Vì vậy, cũng giống như đối với dầu của Iran, lựa chọn tốt nhất cho Nga và các khách hàng của nước này là che giấu các lô hàng của mình.
Theo công ty dữ liệu tàu thuyền Windward của Israel, có sự gia tăng mạnh trong việc các tàu chở dầu thô của Nga tắt thiết bị GPS của họ, hành động được gọi là tối kỵ trong ngành. Điều đó làm cho hoạt động vận chuyển dầu thậm chí còn khó theo dõi hơn.
Một nhà máy lọc dầu của Reliance Industries ở Jamnagar, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg.
|
Các thương nhân cho biết người mua Trung Quốc đang tìm cách che giấu dầu của Nga để tránh chi phí vận chuyển cao. Ngày càng ít các công ty vận chuyển và bảo hiểm sẵn sàng làm việc với dầu Nga, có nghĩa là các công ty vẫn chấp nhận vận chuyển hoặc bảo hiểm dầu của nước này sẽ tăng giá lên gấp từ 3 đến 5 lần so với mức trước chiến sự.
Một số thương nhân cho biết thay vì thanh toán toàn bộ số tiền vận chuyển đắt đỏ này để đưa dầu thẳng tới Trung Quốc, các công ty bao gồm Unipec, chi nhánh thương mại của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Sinopec của Trung Quốc, đang vận chuyển dầu có nhãn mác của Nga tới một tàu lớn trên biển có lộ trình ngắn hơn, và sau đó chuyển giao. Unipec đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Hồng Ngọc
ZING
|