Thứ Tư, 22/06/2022 15:10

Nhịp đập Thị trường 22/06: Điềm báo xấu trong một ngày phân cực

VN-Index kết thúc ngày giao dịch với mức giảm 3.2 điểm. Thị trường phân cực mạnh nhưng ẩn sau đó là dấu hiệu về những ngày sắp tới sẽ không yên ả.

Sự phân cực trên thị trường thể hiện qua cả số lượng cổ phiếu có mức biến động cực đại, bao gồm 125 mã tăng trần và 55 mã giảm sàn.

Các ngành có thành tích tốt trong thời gian qua như bán lẻ, công nghệ thông tin, thủy sản, tiện ích suy giảm rất mạnh. Trong khi đó, cổ phiếu chứng khoán và thép lại tăng vọt.

Một số cổ phiếu có biến động đáng chú ý là MWG (-5%), FRT (-7%), PNJ (-3.2%), FPT (-5.2%), nhóm bộ ba cá tra VHC-ANV-IDI giảm sàn, nhóm cổ phiếu ngành tiện ích GAS, POW, VSH, NT2, GEG giảm sàn,… Trong khi đó, HPG (+3.4%), HSG kịch trần, nhóm chứng khoán như SSI, VND, HCM, VCI kịch trần.

Những cổ phiếu mệnh danh “hầm trú ẩn” trong thời gian qua thì những phiên gần đây lại là những mã kéo lùi mạnh nhất đối với VN-Index, lần lượt bao gồm GAS, FPT, MWG, POW, REE, DGC.

Câu hỏi đặt ra là nếu giới giao dịch bắt đầu thấy rằng ngay cả những ngành mang tính phòng thủ cũng không thể là chỗ dựa an toàn cho danh mục, đồng thời, những ngành đã thất sủng thời gian qua như chứng khoán và thép chứng tỏ rằng hôm nay chỉ là một phiên hồi kỹ thuật thì điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Những diễn biến đáng suy nghĩ trong phiên 22/06 còn đặt giữa bối cảnh thị trường có một phiên thanh khoản thấp. Tại HOSE, giá trị giao dịch chỉ đạt 13.3 ngàn tỷ đồng, riêng nhóm VN30 là 4.3 ngàn tỷ đồng; trong khi tại HNX con số là gần 1.3 ngàn tỷ đồng.

14h: Phân hóa mạnh

Thị trường chưa có biến chuyển đáng kể so với cuối phiên sáng. Điểm đáng lưu ý nhất là mức độ phân hóa giữa các nhóm ngành ngày càng được nới rộng khi cổ phiếu thủy sản và tiện tích tiếp tục giảm sâu hơn, trong khi ngành chứng khoán tăng gần như kịch biên độ.

Đến 13h58, VN-Index đã tăng 3.8 điểm nhưng màu xanh này không diễn tả một ngày tích cực.

Những ngày qua khi nhiều cổ phiếu giảm ngày càng sâu, giới quan sát bắt đầu thấy những câu chuyện về margin-call và các lệnh giải chấp được bàn tán nhiều hơn. Hiện tượng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục làm phân hóa thị trường trong thời gian tới vì nó có thể ép nhiều nhà đầu tư từ bỏ các cổ phiếu giảm mạnh trong danh mục.

Diễn biến phiên hôm nay cũng cho thấy thị trường chứng khoán tiềm ẩn nhiều biến động tiêu cực bất ngờ. Nhóm ngành tiện ích – vốn tăng mạnh trong thời gian qua – đối diện một phiên giảm giá mạnh. Những nhà đầu tư mới rót tiền vào các cổ phiếu này tiếp tục trải nghiệm sự khốc liệt của một thị trường giá xuống là như thế nào.

Ở một số ngóc ngách thị trường khác, VNM sau khi tăng trần vào ngày 21/06 thì hôm nay đã giảm 3.4%. GAS sau chuỗi tăng thì chứng kiến 3 phiên thổi bay 17% thị giá. Nếu bạn là một nhà giao dịch ngắn hạn thì lúc này chắc chắn không phải là môi trường dễ thở như năm 2021.

Thua lỗ bào mòn sự tự tin của giới giao dịch, thể hiện qua thanh khoản thị trường giảm sụt – đồng nghĩa là sự sẵn lòng mua bán của nhà giao dịch giảm đáng kể. Giá trị giao dịch tại HOSE đến 14h chỉ đạt 10.7 ngàn tỷ đồng.

11h30: Chứng khoán và thép bay cao, thị trường vẫn đổ nhào

Điểm đáng chú ý là mức độ phân hóa lớn của thị trường trong sáng nay. Những ngành có thành tích tốt (tiện ích, thủy sản) trong thời gian gần đây thì sụt giá mạnh, trong khi các ngành tệ (chứng khoán, thép) thì lại có một phiên sáng ấn tượng. Bên cạnh đó, ngay trong nội bộ ngành ngân hàng sự phân hóa cũng diễn ra giữa VCB và phần còn lại.

Về cuối phiên sáng, VN-Index tiếp tục đánh rơi thêm điểm số và đi vào vùng giá đỏ. Chỉ số này kết phiên sáng giảm 4.74 điểm. Điểm tích cực là tại HOSE, số lượng cổ phiếu tăng giá (211 mã) vẫn chiếm ưu thế so với lượng cổ phiếu giảm giá (145 mã).

Cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành tiện ích như GAS (-6.11%), POW (-5.73%), VSH (-7%) mất giá mạnh. Chiều ngược lại, cổ phiếu thép như NKG, HSG, SMC, HPG tăng giá mạnh và nhóm ngành chứng khoán chứng kiến không ít sắc tím như SSI, HCM, FTS, BSI.

Trong ngành ngân hàng, sự phân hóa diễn ra khi VCB (-2.45%) giảm mạnh nhưng các cổ phiếu có vốn hóa xếp sau như VPB, TCB, CTG, MBB, ACB lại tăng giá đáng kể. VCB cũng là mã có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index trong phiên sáng nay, còn nhóm cổ phiếu ngân hàng nhỏ hơn lại đóng góp tích cực cho chỉ số.

Điểm qua nhóm 10 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất về điểm số cho VN-Index sáng thì đều là các mã ngân hàng, thép và chứng khoán. Trong khi đó, những cổ phiếu giảm giá và tác động tiêu cực lên chỉ số có sự đa dạng ngành nghề hơn.

Điều này dấy lên khả năng rằng thị trường thực tế tiêu cực hơn những gì được thấy qua mức giảm của VN-Index. Bởi vì sự tiêu cực đang được che lấp đi bởi một phiên hồi mang ý nghĩa kỹ thuật của các nhóm cổ phiếu giảm mạnh trong thời gian qua như chứng khoán và thép.

10h40: VN-Index đánh mất đà tăng, cổ phiếu chứng khoán vẫn xanh chín

VN-Index đánh mất toàn bộ điểm số tăng khi kim đồng hồ trôi qua 10h26. Trong khi cổ phiếu chứng khoán vẫn giữ được mức tăng ấn tượng thì nhiều ngành khác chứng kiến sự tuột dốc mạnh so với phiên sáng.

Cổ phiếu thủy sản hụt hơi. Đến 10h28, VHC giảm đến 4.5%, ANV rớt giá cận sàn, trong khi các mã khác như ACL, IDI, CMX đều giảm giá từ 3-5%.

Các ngành bán lẻ, bảo hiểm, bất động sản chuyển từ tăng điểm sang giảm điểm. Cổ phiếu ngân hàng cũng hạ nhiệt mức tăng.

Nhiều cổ phiếu dầu khí rớt chổng vó. Các mã mang tính đại diện như PVD, PVS, PVC, BSR đều giảm giá từ cận sàn cho đến kịch biên độ. Tuy nhiên, cổ phiếu bán lẻ xăng dầu là PLX vẫn giữ được sắc xanh.

Những diễn biến trong phiên sáng nay cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn rất lo âu, không thật sự khởi sắc mặc dù cổ phiếu của ngành mang tính chỉ báo thị trường là chứng khoán có thành tích khả quan. Tuy nhiên, trong quá khứ gần đây, cổ phiếu chứng khoán cũng tỏ ra thất thường bởi sau những phiên tăng điểm thì các mã lại tiếp tục lặn sâu hơn nữa.

Thậm chí, một Bluechip như VNM cũng rất thất thường khi sáng nay đã giảm 2.3% sau khi tăng cận trần vào ngày trước đó. Thực tế, cổ phiếu này cũng đã giảm trên 15% tính từ đầu năm 2022 đến nay giữa bối cảnh tiêu cực chung của thị trường.

Trở lại với phiên sáng nay, khối ngoại mua ròng nhẹ 38 tỷ đồng tính đến 10h34 trên tổng thể tam sàn. Thanh khoản thị trường không có đột biến, với giá trị giao dịch tại HOSE đạt 5.05 ngàn tỷ đồng và tại HNX đạt 591 tỷ đồng.

Mở cửa: Nhập cuộc hào hứng, ngành điện “tắt điện”

Thời gian gần đây, những diễn biến của thị trường Việt Nam có sự tương quan lớn với chứng khoán Mỹ. Điều này đặt giữa bối cảnh rủi ro lớn nhất hiện nay tại thị trường chứng khoán toàn cầu là tình trạng lạm phát phi mã đang thúc ép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất.

Đêm qua chứng khoán Mỹ tăng tốt, và theo đó, thị trường Việt Nam khởi đầu khả quan trong phiên sáng nay. Tính đến 9h26, VN-Index tăng 9.49 điểm, VN30-Index tiến 13.6 điểm, HNX-Index đi lên 4.36 điểm.

Trở lại với diễn biến chứng khoán Việt Nam sáng nay, hầu hết các nhóm ngành tăng điểm tích cực. Trong đó, đáng chú ý là ngành chứng khoán tăng đột biến, thậm chí mã đầu ngành là SSI tăng kịch trần.

Cổ phiếu ngân hàng cũng xanh chín và chỉ có duy nhất một mã giảm giá tính đén 9h30 là SSB. Ngân hàng cũng là ngành đóng góp nhiều điểm số nhất cho mức tăng của VN-Index.

Trong thời điểm hứng khởi của thị trường thì vẫn có các nhóm ngành tương đối ảm đạm, bao gồm thủy sản và tiện ích. Đây lại là hai nhóm ngành có thành tích rất tốt trong khoảng thời gian tiêu cực từ tháng 4 đến nay. Cổ phiếu đầu ngành như GAS, POW, VSHVHC, ANV đều đỏ lửa.

Thừa Vân

FILI

Các tin tức khác

>   Vietstock Daily 22/06/2022: Thận trọng là cần thiết (21/06/2022)

>   Chứng khoán phái sinh Ngày 22/06/2022: Đà giảm có chững lại? (21/06/2022)

>   Thị trường chứng quyền 22/06/2022: Chứng quyền VNM giao dịch ấn tượng (21/06/2022)

>   Nhịp đập Thị trường 21/06: VNM và cổ phiếu ngân hàng không cứu nổi chỉ số (21/06/2022)

>   Vietstock Daily 21/06/2022: Dòng tiền thông minh suy yếu, rủi ro sụt giảm tăng cao (20/06/2022)

>   Thị trường chứng quyền 21/06/2022: Tâm lý bi quan trở lại (20/06/2022)

>   Chứng khoán phái sinh Ngày 21/06/2022: Lợi thế quay về bên Short (20/06/2022)

>   Nhịp đập Thị trường 20/06: VN-Index một lần nữa thủng mốc 1,200 điểm (20/06/2022)

>   Vietstock Weekly 20-24/06/2022: Vùng 1,150-1,200 điểm sẽ là hỗ trợ quan trọng (19/06/2022)

>   Chứng khoán Tuần 13-17/06/2022: VN-Index sẽ tiếp tục test vùng 1,150-1,200 điểm (17/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật