Chứng khoán Tuần 13-17/06/2022: VN-Index sẽ tiếp tục test vùng 1,150-1,200 điểm
VN-Index có tuần giao dịch ảm đạm khi sụt giảm mạnh gần 67 điểm. Chỉ số sẽ tiếp tục test lại vùng hỗ trợ 1,150-1,200 điểm (tương đương đáy cũ tháng 05/2022). Nếu ngưỡng này được giữ vững thì triển vọng phục hồi trong ngắn hạn sẽ tăng lên.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 13-17/06/2022
Giao dịch: Trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm 19.33 điểm, kết phiên ở mức 1,217.3 điểm; HNX-Index giảm 7.71 điểm, dừng chân ở mức 280.06 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm 66.78 điểm (-5.2%); HNX-Index giảm 26.38 điểm (-8.61%).
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 612 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 13.05% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 75 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 5.11% so với tuần giao dịch trước.
Chiều 13/06, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Hiện, giá bán lẻ các loại xăng tiếp tục lập đỉnh mới, riêng xăng RON 95 vượt mốc 32,000 đồng/lít, cao hơn mức thiết lập kỳ điều hành 1/6 vừa qua. Với việc giá xăng liên tục tăng cao khiến lo ngại về lạm phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư và kích thích bán ra để phòng ngừa rủi ro ngắn hạn.
Thị trường chứng khoán có tuần giao dịch ảm đạm. VN-Index mở cửa giao dịch phiên thứ Hai đầu tuần điều chỉnh mạnh hơn 57 điểm và hình thành mẫu hình nến Falling Window. Chỉ số tiếp tục tăng giảm xen kẽ những phiên sau đó ngay trên vùng 1,150-1,200 điểm với tâm lý giao dịch kết sức thận trọng. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm tổng cộng 66.78 điểm, dừng chân ở mức 1,217.3 điểm.
Xét về mức độ ảnh hưởng, nhóm cổ phiếu ngân hàng như CTG, MBB, VPB, CTB và GVR là những mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số khi lấy đi gần 18 điểm của VN-Index. Trong khi đó, GAS trở lại là cổ phiếu có tác động tích cực nhất khi góp hơn 7 điểm tăng cho chỉ số này. Theo sau GAS là các mã SSB, REE và POW. Tuy nhiên, mức độ đóng góp của những mã này là không đủ lớn để kìm hãm đà giảm của VN-Index.
Nhiều nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản có tuần giao dịch hết sức bi quan khi đồng loạt giảm mạnh. Trong đó, chứng khoán là một trong những ngành giảm mạnh nhất thị trường. Cụ thể, các cổ phiếu như SSI giảm 26.03%, VND lao dốc 29.58%, HCM và VCI cùng sụt gần 21%...
Điểm sáng trong tuần đến từ nhóm cổ phiếu tiện ích và bán lẻ. Trong khi các cổ phiếu tiện ích như GAS, POW, NT2, GEG đều bật tăng ấn tượng từ 7%-13%, thì các cổ phiếu bán lẻ như MWG hay FRT cũng hiện sắc xanh tích cực. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 05/2022 tăng 4.2% so với tháng trước và tăng 22.6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9.7% (cùng kỳ các năm 2020 giảm 1.6% và năm 2021 tăng 6.1%). Số liệu trên cho thấy sự phục hồi tích cực của nhóm ngành này.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 993 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng hơn 949 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 44 tỷ đồng trên sàn HNX.
Cổ phiếu tăng tiêu biểu trong tuần qua là VSH
VSH tăng 17.34%: Với kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2021 của VSH đạt 1,611 tỷ và 451 tỷ đồng, tăng 51% và 286% so với cùng kỳ. Trong quý 1/2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế tiếp tục tăng mạnh 324% và 248% khi đạt 808 tỷ và 441 tỷ đồng. Cùng với đó, công suất và sản lượng điện của doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh khi nhà máy Thượng Kon Tum đi vào hoạt động từ 4/2021. Với các yếu tố tích cực trên, giá cổ phiếu VSH đang có giai đoạn tăng trưởng ấn tượng. Trong tuần qua, VSH tăng hơn 17%, tiến lên mức 46,350 đồng/cp.
Cổ phiếu giảm giá mạnh trong tuần qua là HDA và DIG
HDA giảm 37.44%: CTCP Hãng sơn Đông Á (HNX: HDA) có tuần giao dịch rất ảm đạm khi lao dốc giảm mạnh hơn 37%, cho thấy sự bi quan lớn của nhà đầu tư với cổ phiếu này.
DIG giảm 30.1%: Trong tuần qua, giá cổ phiếu DIG sụt giảm mạnh hơn 30% về lại vùng đỉnh cũ tháng 9/2021. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của cổ phiếu vẫn đang duy trì tốt trên mức trung bình 20 ngày gần nhất cho thấy dòng tiền vẫn chưa rút khỏi cổ phiếu này.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|