Mì, bún, phở...được 'cởi trói' nhưng vẫn khó xuất ngoại
Mì ăn liền xuất sang châu Âu vẫn cần chứng thư từ Cục Thú y, điều này gây khó cho doanh nghiệp ở thời gian kiểm định và làm các thủ tục liên quan.
Thông tin từ Bộ Công thương, Liên minh châu Âu đã đăng công báo Quy định (EU) 2022/913 ngày 30-5 sửa đổi Quy định mới về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU (Quy định số 2021/2246), có hiệu lực từ 3-7.
Theo đó, EU đã chính thức đưa các loại bún, miến, phở dạng khô ra khỏi danh mục quy định yêu cầu chứng thư từng lô hàng.
Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam, cho biết đây là bước tiến giúp tháo gỡ những thủ tục cho doanh nghiệp (DN) tăng cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên, quy định mới của EU được thông báo chỉ áp dụng cho nhóm sản phẩm khô không có gói gia vị.
Do đó, mì ăn liền vẫn cần chứng thư từ Cục Thú y, điều này gây khó cho DN ở thời gian kiểm định và làm các thủ tục liên quan.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm mì, bún, phở tại siêu thị. ẢNH: TÚ UYÊN
|
Chẳng hạn, để được cấp chứng thư thì từ khi sản xuất xong lô hàng, đến khi để đóng được một container sẽ mất từ hai, ba tuần bao gồm cả công đoạn chờ lấy mẫu kiểm tra, niêm phong lô hàng đến khi có kết quả, sau đó DN mới đi xin lịch tàu để đóng hàng.
Với tình hình logistics như hiện nay, DN không phải muốn đóng hàng lúc nào là có ngay container đạt chuẩn để đóng. Chưa kể, khi có lịch đóng hàng DN phải mời bên giám định đến mở niêm phong lô hàng và giám sát đóng.
“Với qui trình này, thời gian qua kho bãi của chúng tôi luôn trong tình trạng quá tải, khiến hoạt động xuất khẩu không ít khó khăn” - ông Kajiwara Junichi chia sẻ.
Chi phí sản xuất của doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm tăng 20%-30%. ẢNH: TÚ UYÊN
|
Ghi nhận thị trường cho thấy hiện nay giá các sản phẩm mì ăn liền, bún, phở tiếp tục tăng giá. Theo các tiểu thương, nếu tháng 3 lấy giá vốn mì Hảo Hảo là 98.000 đồng/thùng, nay tăng lên 105.000 đồng/thùng và bán đến người tiêu dùng 110.000 đồng/thùng.
Tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mì Hảo Hảo có giá 117.000-120.000 đồng/thùng. Tương tự Phở Vifon trước giá vốn 153.000 đồng nay nhập 173.000 đồng/thùng…
Bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vifon, cho biết từ đầu năm đến nay giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao, DN muốn tồn tại bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá. Trong tháng 6, công ty đã điều chỉnh tăng giá nhẹ để bù lại chi phí nguyên vật liệu, xăng dầu tăng quá cao.
Về nguồn cung, Vifon đã kí kết với nhà cung cấp nguyên liệu chính như bột, gạo, gia vị…từ sáu tháng đến một năm nên các nhà cung cấp vẫn chủ động tìm nguồn hàng dự trữ.
Ông Kajiwara Junichi, Tổng Giám Đốc Acecook Việt Nam, cho biết để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất, công ty luôn theo dõi diễn biến thị trường thế giới. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp để đưa ra những dự báo và sớm có kế hoạch chuẩn bị nhằm tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng.
Tuy nhiên, trước tình hình biến động liên tục của giá xăng dầu cùng tình trạng lạm phát gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, công ty đang phải tính toán nhiều phương án đối ứng phù hợp trong các trường hợp tác động đến chi phí sản xuất và vận hành công ty.
Về giá cả, ông Kajiwara Junichi cho biết, do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao đến mức dù cố gắng hết sức DN cũng không thể bù lại được, nên tháng 3 vừa qua công ty đã tăng giá bán toàn bộ các sản phẩm. Riêng mì Hảo Hảo đã tăng thêm 500 đồng/gói.
"Sự biến động Chỉ số giá tiêu dùng ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu đầu vào của DN. Việc tăng lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ 1-7 là một trong những vấn đề DN phải đối ứng vì ảnh hưởng đến chi phí quản lý. Sau khi đánh giá toàn diện các yếu tố tác động chúng tôi mới quyết định thời gian tới có điều chỉnh giá hay không” - ông Kajiwara Junichi nói.
TÚ UYÊN
Pháp luật TPHCM
|