Lương ở Mỹ tăng nhưng thu nhập thực tế giảm do lạm phát
Thu nhập của người Mỹ tăng nhanh nhất trong gần 40 năm qua, nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng của giá cả. Lạm phát đang “ăn mòn” thu nhập của người dân.
Lương tăng vẫn không theo kịp giá cả
Theo CNN, người lao động Mỹ đang được tăng lương với tốc độ nhanh nhất kể từ giữa những năm 1980. Nhưng lạm phát quá nóng đã làm xói mòn thu nhập của người lao động, khiến thu nhập thực tế giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Mỹ đã tăng 8,6% so với năm trước. Như vậy, theo tính toán của Moody's Analytics, trung bình người tiêu dùng phải chi thêm khoảng 460 USD/tháng để mua các loại hàng hóa và dịch vụ như ngày trước.
Giá xăng trung bình tại Mỹ đã chạm ngưỡng 5 USD/gallon. Ảnh: Reuters
|
Ngoài ra, nghiên cứu từ Đại học Michigan chỉ ra rằng thu nhập khả dụng thực tế trên đầu người đang trên đà giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1932.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm càng khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, đưa lãi suất tham chiếu tại Mỹ lên khoảng 1,5 - 1,75%.
Nguyên nhân được cho rằng, là do lạm phát tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 41 năm qua, kéo tụt niềm tin của người tiêu dùng, buộc Fed phải hành động mạnh tay hơn. Trước đó, cơ quan này đã có 2 lần nâng lãi suất trong năm nay. Nhưng đến nay, các động thái của FED vẫn chưa có nhiều tác dụng.
Ông Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics - cho rằng tiền lương tăng cao không phải nguyên nhân dẫn tới lạm phát. Vị chuyên gia cho rằng chính lạm phát mới là nguyên nhân dẫn tới tiền lương tăng cao.
“Mối quan hệ nhân quả chạy từ chiều ngược lại”, ông nhận định.
Còn ông William Spriggs - giáo sư kinh tế tại Đại học Howard lại cho rằng, động lực chính đằng sau đà tăng của lạm phát là do một loạt cú sốc nguồn cung, từ tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đến cuộc chiến ở Nga - Ukraine.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết giá năng lượng đã tăng 34,6% trong năm qua, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 9-2005, còn giá lương thực tại “miền đất hứa” này đã tăng 10,1%, lần đầu vượt mức 10% từ giai đoạn tháng 3-1981.
Giá xăng trung bình tại Mỹ đã chạm ngưỡng 5 USD/gallon (1 gallon tương đương 3,79 lít) vào tháng 6, thời điểm bắt đầu mùa cao điểm lái xe.
Theo số liệu của Đại học Michigan, chỉ số đo lường mức độ lạc quan của người tiêu dùng đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1978, tức thấp hơn thời điểm lạm phát đạt đỉnh vào năm 1981.
Bài toán khó cho Fed
Về mặt kỹ thuật, nền kinh tế Mỹ có thể không rơi vào suy thoái. Nhưng nhiều người Mỹ đang cảm thấy như trải qua một cuộc suy thoái kinh tế.
Theo số liệu của cơ quan theo dõi tăng trưởng tiền lương thuộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta, trong tháng 5, mức lương danh nghĩa của người lao động toàn thời gian tăng trung bình khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động đã thúc đẩy thu nhập của người lao động tăng cao.
Giá hàng hóa tăng cao tại Mỹ tạo áp lực đáng kể cho người tiêu dùng. Ảnh: Getty Images
|
Tuy nhiên, theo phân tích của CNN Business, trong thời kỳ lạm phát, tiền lương thực tế đã lao dốc 3,5% so với một năm trước đó và giảm ở phần lớn ngành công nghiệp.
Theo ông Donald Grimes - nhà kinh tế tại Đại học Michigan, thu nhập khả dụng thực tế của người Mỹ chỉ đang ở mức trước đại dịch. Nhưng sẽ không tăng 2-3%/năm như bình thường, mà thu nhập này đang trên đà giảm 5,6%.
Một phần nguyên nhân của đà giảm là lạm phát. Tuy nhiên, việc ngừng các gói hỗ trợ trong thời kỳ đại dịch cũng góp phần khiến thu nhập thực tế lao dốc.
“Đối với những ai có thói quen tiết kiệm, cuộc sống có thể vẫn ổn. Nhưng với một số người thích kiếm đồng nào, tiêu đồng đó, sự sụt giảm trong thu nhập khả dụng thực tế sẽ đáng ngại hơn tưởng tượng”, ông Grimes nhận định.
Tình trạng này, đưa Fed vào thế khó. Ngân hàng trung ương Mỹ muốn nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát, nhưng lại không muốn đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Cơ quan này cũng thừa nhận rằng họ không hy vọng lạm phát sẽ giảm trong năm nay. Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 3,7% vào năm 2022, cao hơn dự đoán hồi tháng 3.
Lạm phát tăng cao và những biến động kinh tế cũng gây ra một mối lo ngại khác. Đó là vòng xoáy lạm phát - tiền lương đẩy lạm phát lên cao hơn như những năm 1970.
Theo ông Erik Lundh - nhà kinh tế tại The Conference Board - hiện tượng đình lạm, tức tăng trưởng kinh tế bị đình trệ nhưng lạm phát tăng cao, có thể xảy ra vào cuối năm 2022 và trong năm 2023.
“Kịch bản này xảy ra khi tăng trưởng giảm xuống dưới ngưỡng tiềm năng và lạm phát ở trên mức mục tiêu. Nhưng tôi không cho rằng tình hình sẽ nghiêm trọng như thập niên 70”, vị chuyên gia dự đoán.
Ông Tim Mahedy - chuyên gia kinh tế cấp cao của KPMG – thì cho rằng nếu lạm phát không bắt đầu hạ nhiệt trong vài tháng tới, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt hại hơn nữa.
MINH TRÚC
Pháp luật TPHCM
|