'Bão giá' lan tới bàn ăn nhiều gia đình
Những loại thực phẩm thiết yếu liên tục tăng giá, ảnh hưởng tới chất lượng bữa ăn của nhiều gia đình, người nội trợ phải tìm cách để xoay xở.
Nhiều loại thực phẩm tăng giá, ảnh hưởng đến chất lượng bữa cơm gia đình. Ảnh minh họa
|
Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm khô và tươi sống đã điều chỉnh sang mức giá mới, tăng giá từ 5% đến 20%. Trong đó, có nhiều mặt hàng thiết yếu với hộ gia đình như trứng, dầu ăn, mì tôm…
Hàng bình ổn tăng giá bán
Tại TP.HCM, Sở Tài chính và các sở, ban, ngành liên quan thống nhất áp dụng điều chỉnh giá trứng gia cầm bình ổn từ ngày 15/6 tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá.
Cụ thể, trứng gà loại 1 vỉ 10 quả tăng 2.000 đồng, từ 29.500 đồng tăng lên 31.500 đồng/hộp, trứng gà hộp 6 quả tăng 1.200 đồng, từ 17.700 đồng lên 18.900 đồng. Đối với trứng vịt loại 1 hộp 10 quả, giá cũ là 35.000 đồng, nay tăng lên 37.000 đồng/hộp (tăng 2.000 đồng), trứng vịt hộp 6 trứng giá cũ 21.000 đồng, nay tăng lên 22.200 đồng/hộp (tăng 1.200 đồng).
Lý giải cho việc tăng giá này, Sở Tài chính TP.HCM cho biết dựa trên đề xuất của doanh nghiệp và diễn biến giá trứng thực tế bên ngoài thị trường, chi phí đầu vào...
Những loại thực phẩm thiết yếu liên tục tăng giá, ảnh hưởng tới chất lượng bữa ăn của nhiều gia đình.
|
Hiện giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng giá vẫn đảm bảo thấp hơn 10% so với giá trứng bán ngoài chương trình bình ổn.
Việc áp mặt bằng giá mới sẽ giúp giảm chênh lệch số lượng trứng giữa hàng bình ổn với thị trường bên ngoài. Từ đó, sẽ tránh được việc người mua vào các điểm bán trứng bình ổn để thu gom hàng, tạo hiện tượng khan hiếm trứng.
Không chỉ có trứng gà, trước đó, các sản phẩm dầu ăn, mì tôm tại các siêu thị, cửa hàng cũng điều chỉnh tăng giá bán từ 5% đến 10%.
Người nội trợ vất vả xoay xở
"Mỗi lần ra chợ cảm giác như đang bị "móc túi", bởi giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh, đặc biệt là những loại thực phẩm vốn được coi là bình dân, giá rẻ như rau xanh, đậu phụ, lạc khô…", chị Nguyễn Thị Hồng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự.
Chị Hồng dẫn chứng một mớ rau mồng tơi hay rau ngót loại nhỏ hiện có giá bán 8.000 đồng. Để đủ nấu một nồi canh cho 4 người ăn cũng cần 2 mớ, tương đương 16.000 đồng, tăng khoảng 6.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, đối với các sản phẩm rau xanh khác như rau muống, rau cải xanh, bắp cải... giá cũng tăng từ 2.000 đồng trở lên với mỗi loại bán theo bó hay kg.
Đặc biệt, tăng giá khá cao trong thời điểm này là các loại rau sống như xà lách, các loại rau thơm.
"Rau xanh là món không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, nên dù có tăng giá thì vẫn phải mua, tuy nhiên, tôi đã tính toán mua để vừa đủ ăn. Ví dụ trước đây, mỗi ngày có thể mua thoải mái 3-4 loại rau theo sở thích của các thành viên trong gia đình, thì bây giờ, mỗi bữa ăn chỉ sử dụng một loại", chị Hồng chia sẻ thêm.
"Tương tự, với mặt hàng vốn được xem là bình dân như đậu phụ, từ đầu năm đến nay đã qua 3 lần điều chỉnh giá bán, từ 2.000 đồng lên 3.000 và hiện tại là 3.500 đồng/bìa", chị Trần Thu Hòa, cơ sở sản xuất đậu phụ tại khu chợ Ngọc Khánh (Hà Nội) cho biết.
Với các mặt hàng tươi sống như thịt gia cầm, thủy hải sản cũng đang bước vào đợt điều chỉnh giá bán.
Trong đó, các loại tôm như tôm sú, tôm biển có giá tăng khá cao, đang ở mức 280.000 đồng đến 450.000 đồng/kg.
"Mỗi loại thực phẩm tăng lên vài giá, chi phí cộng dồn vào, bữa cơm gia đình cũng tăng lên vài chục nghìn mỗi bữa. Bão giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn hàng ngày. Tôi không còn cách nào khác là phải tính toán chi li, chọn lựa thực phẩm phù hợp với túi tiền, tiêu pha hợp lý và tiết kiệm hơn", chị Trịnh Minh Huệ (phố Tôn Thất Tùng, Hà Nội) chia sẻ.
Anh Quân
Phunuvietnam
|