Giá nhà tại Trung Quốc liên tục lao dốc
Trung Quốc đã tìm cách thúc đẩy ngành địa ốc sau một năm siết tín dụng bất động sản. Nhưng giá nhà tại nước này vẫn ghi nhận tháng thứ 9 giảm liên tiếp.
Bloomberg đưa tin trong tháng 5, giá nhà tại Trung Quốc đã chứng kiến tháng giảm thứ 9 liên tiếp. Điều đó cho thấy nhu cầu vẫn yếu bất chấp sự hỗ trợ từ chính quyền Bắc Kinh.
Cụ thể, theo số liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 16/6, giá nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc trong tháng 5 đã giảm 0,17% so với tháng 4. Mức giảm là 0,3% trong tháng 4.
Các số liệu cho thấy lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn suy yếu trong bối cảnh triển vọng kinh tế xấu đi. Cùng với đó là cuộc khủng hoảng việc làm ngày càng nghiêm trọng.
Tiếp tục suy yếu
Năm nay, các hộ gia đình Trung Quốc đã chuyển sang giữ tiền mặt thay vì đổ tiền vào bất động sản hay chứng khoán. Đó là dấu hiệu cho thấy người Trung Quốc đang chuẩn bị cho một giai đoạn khó khăn hơn ngay cả khi một số thành phố đã mở cửa trở lại.
Kể từ tháng 3, Trung Quốc áp đặt các lệnh phong tỏa ở nhiều thành phố lớn, bao gồm Thượng Hải, để kiểm soát làn sóng Covid-19 mới. Đến nay, nước này đã nới lỏng những biện pháp chống dịch tại một số khu vực. Nhưng việc Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi chiến lược Zero-Covid (đưa ca nhiễm virus mới về 0) vẫn đè nặng lên triển vọng kinh tế.
Cùng với đó là tác động từ làn sóng quy định nhắm vào các ngành công nghiệp từ bất động sản, công nghệ đến giáo dục của đất nước. Triển vọng kinh tế và việc làm suy yếu khiến người Trung Quốc giảm đầu tư, chi tiêu.
Bất động sản từng chiếm tới phần lớn tài sản của người dân Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
|
Bất động sản từng chiếm tới 60% tài sản của người dân Trung Quốc. Suốt nhiều thập kỷ qua, với các hộ gia đình Trung Quốc, cách làm giàu và đảm bảo tài chính chắc chắn nhất là bỏ phần lớn tiền vào bất động sản. Giá nhà đã tăng liên tục kể từ đầu những năm 2000, thúc đẩy đầu cơ.
Bắc Kinh đã bắt đầu để mắt tới ngành công nghiệp này vào năm 2016. Khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố: "Nhà để ở, không phải đầu cơ". Nhưng phải đến năm 2020, cơn bão quy định mới càn quét lĩnh vực này.
Những quy định mới giáng đòn vào ngành công nghiệp địa ốc và đẩy China Evergrande - nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - vào cảnh vỡ nợ. Cuộc khủng hoảng tiền mặt còn khiến doanh nghiệp bất động sản không thể hoàn thành các dự án nhà ở và giao nhà đúng hạn cho khách hàng.
Điều đó làm xói mòn niềm tin của người mua nhà. Năm ngoái, khách mua nhà của China Evergrande đã tập trung trước trụ sở của tập đoàn để đòi lại khoản tiền trả trước.
Khó giải cứu ngành công nghiệp
Năm nay, giới chức Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản đang đè nặng lên nền kinh tế thứ 2 thế giới. Những biện pháp hỗ trợ được đưa ra bao gồm kêu gọi các nhà băng cho vay nhiều hơn, giảm lãi suất vay thế chấp và nới lỏng một số quy định về việc sở hữu nhà đất.
"Chưa biết liệu các biện pháp nới lỏng có phát huy tác dụng hay không. Đến nay, doanh số của phần lớn tập đoàn địa ốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn", các nhà nghiên cứu của China Real Estate Information Corp. - đứng đầu là ông Yang Kewei - nhận xét.
Chưa biết liệu các biện pháp nới lỏng có phát huy tác dụng hay không. Đến nay, doanh số của phần lớn tập đoàn địa ốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Các nhà nghiên cứu của China Real Estate Information Corp.
|
Còn theo các nhà kinh tế tại Nomura Holdings, tình trạng bất ổn, triển vọng kinh tế xấu đi, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tăng trưởng thu nhập sụt giảm đã tạo sức ép lên thị trường nhà ở.
Do đó, các biện pháp của chính quyền Bắc Kinh không có nhiều tác dụng trong việc ngăn chặn tình trạng sụt giảm của thị trường nhà ở, vốn đã trở nên nghiêm trọng do những biện pháp chống dịch gắt gao tại nước này.
Ôn Châu - thành phố phía đông Trung Quốc với dân số gần 10 triệu người - đã ghi nhận giá nhà lao dốc trong 4 tháng liên tiếp. Trên tài khoản WeChat chính thức, thành phố tuyên bố đã bắt đầu cho phép những người mua nhà lần đầu chỉ phải trả lãi vay thế chấp trong 3 năm đầu tiên.
Một số dấu hiệu chỉ ra thị trường nhà ở Trung Quốc chuẩn bị phục hồi. Theo dữ liệu chính thức, doanh số bán nhà mới đã tăng 26% trong tháng 4, đánh dấu mức tăng hàng tháng lần đầu kể từ tháng 12/2021.
Tuy nhiên, việc nới lỏng các biện pháp chống dịch tại Trung Quốc có thể là quá muộn để giải cứu một số tập đoàn địa ốc nợ nần. Giá nhà cũ đã giảm 0,39% so với một tháng trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2015.
Thảo Phương
ZING
|