ĐHĐCĐ NCB: Mục tiêu lợi nhuận trước phương án cơ cấu lại đạt 608 tỷ đồng
Ngày 18/06/2022, ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) đã thông qua các nội dung quan trọng về kế hoạch kinh doanh, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài và bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT.
ĐHĐCĐ thường niên 2022 của NCB được tổ chức sáng ngày 18/06/2022
|
NCB đặt mục tiêu đến cuối năm 2022, tổng tài sản đạt 78,178 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Huy động khách hàng dự kiến tăng 2%, lên 67,551 tỷ đồng và cho vay khách hàng không đổi so với năm 2021, ở 46,015 tỷ đồng. Theo đó, NCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước phương án cơ cấu lại đạt 608 tỷ đồng.
Giải đáp các câu hỏi của các cổ đông tại Đại hội, đại diện NCB cho biết, về vấn đề công bố chiến lược trung và dài hạn, trong thời gian tới, Ngân hàng đã và đang làm việc với các đơn vị tư vấn để rà soát và xây dựng chiến lược cho Ngân hàng, từ đó có thể công bố cho cổ đông trong thời gian sớm nhất.
Nội dung liên quan đến tỷ lệ nợ xấu, tại Đại hội lần này, NCB đưa ra mục tiêu tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 3% là mức áp trần của Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được phép duy trì. Tuy nhiên HĐQT và Ban lãnh đạo NCB cam kết sẽ nỗ lực để đạt tỷ lệ nợ xấu tốt hơn so với cam kết với cổ đông. Thực tế, sau 2 năm COVID vừa qua làm cho nền kinh tế khó khăn hơn và ngành ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó NCB cũng không ngoại lệ. Thời gian phục hồi nền kinh tế sẽ có độ trễ, kể cả khi có các gói kích thích kinh tế cấp cho nền kinh tế cũng vẫn có độ trễ khoảng 1 năm. Vì vậy, NCB dự phóng khả năng phục hồi sớm nhất của ngân hàng phải đến năm 2023.
Đối với vấn đề chia cổ tức, NCB là ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ và NHNN phê duyệt đề án cơ cấu lại 10 năm (2019-2028). Tại đề án này, đến hết thời gian cơ cấu lại nếu Ngân hàng có lợi nhuận mới chia cổ tức.
Liên quan đến nội dung Ngân hàng kết hợp với công ty bảo hiểm nhân thọ, trong năm 2022, ban điều hành NCB cũng đưa ra kế hoạch tham vọng và thách thức về việc thu phí bảo hiểm nhân thọ có tốc độ tăng 200% so với năm 2021.
Về hệ số an toàn vốn (CAR), NHNN cho phép các tổ chức tín dụng duy trì hệ số này tối thiểu 9% và NCB cũng đưa ra kế hoạch duy trì 9% đến từ nhiều yếu tố liên quan, và quan trọng nhất là yếu tố vốn chủ sở hữu. Trong thời gian tới, nếu Ngân hàng được tiếp tục tăng vốn và kiểm soát hoạt động hiệu quả thì hệ số của NCB sẽ duy trì xung quanh khoảng 9-10%.
Nêu lý do HĐQT NCB đề xuất tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng là 9% vốn điều lệ, đại diện Ngân hàng chia sẻ: “Hiện tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại NCB là khoảng 8.36% và HĐQT đề xuất khóa room ngoại với tỷ lệ tối đa 9%, nguyên nhân là do trong hệ thống ngân hàng thì room ngoại cũng có hạn mức theo quy định của pháp luật. Hơn nữa các ngân hàng lớn cũng tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược là các ngân hàng, định chế, tổ chức tài chính nước ngoài. Theo đó, room ngoại được coi như là kho vàng để phục vụ cho chiến lược phát triển của ngân hàng. Bên cạnh nguồn lực tài chính, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có thể hỗ trợ trong việc quản trị điều hành, chuyển giao công nghệ kỹ thuật. Vì vậy, trong thời gian tới, NCB sẽ tìm được nhà đầu tư chiến lược là các định chế tài chính nước ngoài giàu kinh nghiệm, có thể tham gia hợp tác với NCB và chúng tôi sẽ thực hiện chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.”
Tại đại hội, cổ đông đã bầu bổ sung bà Hoàng Thu Trang là Thành viên HĐQT và bà Trịnh Thanh Mai là thành viên HĐQT độc lập.
Bà Hoàng Thu Trang đang đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc NCB từ tháng 8/2021 cho đến nay. Bà có 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và từng là lãnh đạo cấp cao tại nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng như Phó giám đốc Trung tâm kế hoạch và thông tin quản trị Techcombank; Giám đốc quản lý tài chính MSB, Phó giám đốc khối tài chính kiêm giám đốc Trung tâm Kế hoạch và Thông tin quản trị TPBank.
Bà Trịnh Thanh Mai đã từng là lãnh đạo cấp cao tại nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng: Phó Tổng Giám Đốc công ty TNHH PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC Việt Nam); Giám Đốc Tài Chính Ngân hàng TNHH ANZ (Việt Nam); Giám đốc điều hành kinh doanh - Tập đoàn Ngân hàng ANZ (Úc).
Như vậy, HĐQT NCB sẽ có 5 thành viên, gồm bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch; ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó chủ tịch; bà Trương Lệ Hiền, bà Hoàng Thu Trang và bà Trịnh Thanh Mai.
Khang Di
FILI
|