Thứ Sáu, 17/06/2022 09:51

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ ACV: Những vướng mắc về chính sách đã được tháo gỡ

Ngày 17/06, ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) đã được tổ chức, với nội dung xoay quanh kế hoạch năm 2022 và kế hoạch đầu tư dự án.

ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) được tổ chức vào sáng ngày 17/06

Thảo luận

Nguyên nhân chi phí khấu hao suy giảm từ khi đại dịch xảy ra?

Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt: Chi phí khấu hao giảm do tài sản cũ hết khấu hao, trong khi đầu tư mới gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2021, ACV chỉ giải ngân được 1,600 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty cũng gặp nhiều vướng mắc khác.

Năm 2021, ACV tập trung vào khâu chuẩn bị đầu tư. Giai đoạn 2022-2023 là thời kỳ giải ngân và bắt đầu đưa các công trình vào khai thác có số vốn lớn như Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài. Kế hoạch giải ngân năm nay là trên 10,000 tỷ đồng và sẽ góp phần tăng khấu hao của ACV.

Kết quả sản xuất kinh doanh quý 2?

Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt: Việt Nam có tỷ lệ bao phủ vắc-xin trong top đầu của thế giới và góp phần khôi phục kinh tế. Chúng ta có sự tăng trưởng khách nội địa trong top cao của thế giới, tuy nhiên doanh thu nội địa đóng góp không nhiều cho ACV như doanh thu quốc tế.

Trong quý 1, lợi nhuận 1,088 tỷ là có bao gồm cả khu bay. Trong đó, lợi nhuận tài chính đóng góp 391 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá là 271 tỷ đồng, khu bay mang về lợi nhuận 217 tỷ đồng, còn lại là hoạt động kinh doanh chính (chỉ hơn 200 tỷ).

Cục Hàng không dự báo sản lượng khách quốc tế sẽ không được như dự kiến, nhưng nội địa có thể tăng nhanh hơn. Do đó, chúng tôi đã điều chỉnh kế hoạch sản lượng hành khách nội địa từ 65 triệu lên 75 triệu, trong khi quốc tế từ 14 triệu hành khách giảm xuống còn 5 triệu.

Quý 2 tiếp tục tăng trưởng tốt, trong đó lợi nhuận cao đột biến đến từ chênh lệch tỷ giá trong bối cảnh đồng Yên đang mất giá. Hiện tỷ giá đang là 1 USD đổi 133.8 Yên, chênh lệch 20 Yên so với đầu năm. Một yếu tố khác góp phần tăng trưởng lợi nhuận là việc thắt chặt và kiểm soát chi phí.

Tiến độ xây dựng sân bay Long Thành?

Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt: Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có sự quan tâm từ Quốc hội cho tới Chính phủ. Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo riêng cho công trình này và có sự tham gia của các bộ ngành. ACV được giao dự án thành phần 3 thuộc Sân bay Long Thành.

Chúng tôi đang phấn đấu là đến ngày 02/09/2025 sẽ hoàn thành công trình và đưa vào khai thác. Về tiến độ hiện nay, năm 2021, chúng tôi tập trung vào khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế nhà ga, thiết kế công trình hạ tầng cảng.

Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành san nền cho khu vực nhà ga để triển khai thi công cọc từ 28/05/2022 và dự kiến đến tháng 10/2022 sẽ hoàn thành. Về thiết kế nhà ga, ACV về cơ bản đã đạt 90%. Theo dự kiến, tháng 7 ACV sẽ phải hoàn thành việc thẩm định, tháng 8-11/2022 phải có nhà thầu và quý 4 sẽ khởi công.

Lãi 2021 chủ yếu nhờ hoạt động tài chính 

Nhìn lại năm 2021, ACV cho rằng năm vừa qua là một giai đoạn cực kỳ khó khăn khi dịch Covid-19 liên tục tái bùng phát.

Tổng sản lượng hành khách mà ACV phục vụ chỉ đạt 30 triệu khách, tương đương 37% kế hoạch năm và giảm 54% so với năm 2020. Do đó, ông trùm cảng hàng không Việt Nam ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 giảm hơn 50% so với cùng kỳ, đạt 990 tỷ đồng.

Ở mặt tích cực, sản lượng hàng hóa bưu kiện năm 2021 đạt 1.4 triệu tấn, đạt 96% kế hoạch năm và tăng 13% so với năm 2020. Trong đó, hàng hóa quốc tế 1.15 triệu tấn, tăng 26% so với năm 2020. Trong khi đó, hàng hóa nội địa 314 ngàn tấn, giảm 18% so với năm trước.

“Hàng hóa trong đại dịch cơ bản đảm bảo, hàng hóa quốc tế tăng cũng phản ánh phần nào tác động của đại dịch”, Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt chia sẻ.

“Mặc dù sản lượng hàng khách giảm vì đại dịch, nhưng ACV vẫn giữ vững cân đối tài chính. Công ty đã tổ chức phong trào tiết kiệm trong bối cảnh khó khăn để đảm bảo các mục tiêu lớn, cố gắng giảm thiểu lỗ trong hoạt động kinh doanh cốt lõi”, ông Phiệt cho biết. “Trong báo cáo tài chính, ACV vẫn ghi nhận lãi, nhưng chủ yếu là nhờ hoạt động tài chính”.

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân đầu tư của ACV cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tổng giá trị giải ngân đạt 1,600 tỷ đồng trong năm 2021, tương đương 32% kế hoạch đề ra.

Mục tiêu lãi 2.5 ngàn tỷ đồng

Nhìn về phía trước, ngành hàng không đã bắt đầu khởi sắc trở lại với mạng lưới bay nội địa đã hồi phục ngang với năm 2019, trong khi đường bay quốc tế từng bước mở trở lại.

“Hiện tại, các đường bay nội địa đã được hồi phục, ngang bằng với năm 2019 và cao hơn vào những lúc cao điểm. Trong khi đó, với các đường bay quốc tế, chúng ta chậm mở hơn. Một số nước như Trung Quốc đang thực hiện chính sách Zero Covid nên vẫn còn nhiều hạn chế”, ông Phiệt cho biết. “Nội địa sẽ là điểm sáng để xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2022 của ACV”.

Cho năm 2022, ACV đặt kế hoạch doanh thu hơn 10.2 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 2.5 ngàn tỷ (không bao gồm khu bay), tăng tương ứng 117% và 159% so với năm 2021. Tuy vậy, mức lợi nhuận này vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mức hơn 10 ngàn tỷ đồng hồi trước dịch (năm 2019).

Đồng thời, trong năm nay, ACV sẽ tập trung đầu tư Dự án thành phần 3 - CHKQT Long Thành (giai đoạn 1); xây dựng Nhà ga T3 – CHKQT Tân Sơn Nhất; đầu tư xây dựng mở rộng Cảng HK Điện Biên; mở rộng Nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ - CHKQT Nội Bài; nhà ga T2 và sân đỗ máy bay – CHKQT Phú Bài; xây dựng nhà ga T2 và sân đỗ máy bay Cảng HKQT Cát Bi.

Những vướng mắc về chính sách đã được tháo gỡ

Đáng chú ý, ông Phiệt cho biết những vướng mắc lớn liên quan tới trách nhiệm của doanh nghiệp cảng đã được tháo gỡ trong nghị định 05.

“Nghị định thể hiện quyền của doanh nghiệp cảng. Trong giai đoạn sau cổ phần hóa, doanh nghiệp cảng như ACV chưa xác định được trên các cảng hiện hữu thì sẽ được đầu tư những gì. Đến nay, Nghị định 05 đã xác định rất rõ những hạ tầng thiết yếu sẽ do những doanh nghiệp cảng đầu tư. Trừ khi doanh nghiệp cảng không huy động được nguồn vốn, Bộ Giao thông mới tiến hành huy động các nguồn vốn khác để đầu tư”, vị Tổng Giám đốc ACV chia sẻ.

Ông Vũ Thế Phiệt phát biểu tại Đại hội.

Ông Phiệt cho biết một điểm nhấn hết sức quan trọng trong năm 2021 là việc triển khai Nghị định liên quan tới cơ chế khu bay.

“Cơ chế khu bay là một trong những vướng mắc rất nhiều năm về quản lý hạ tầng do Nhà nước quản lý. Nghị định này vừa có hiệu lực trong năm 2021. Chúng tôi đã triển khai theo hướng quản lý khai thác và sử dụng nguồn thu để bảo trì. Trong các hệ thống kết cấu hạ tầng, chắc chỉ mỗi hàng không là có nghị định này”, ông Phiệt nhận định.

Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình đều được thông qua.

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   TDP: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 (17/06/2022)

>   ĐHĐCĐ GVR: Ước lãi quý 2 tương đương cùng kỳ (17/06/2022)

>   QNC: Công bố thông tin việc ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 (17/06/2022)

>   Triển vọng ngành dệt may trước bối cảnh lạm phát tăng cao (17/06/2022)

>   C69 bị phạt 85 triệu đồng do vi phạm giao dịch với cổ đông (17/06/2022)

>   PHS: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (17/06/2022)

>   PIS: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (17/06/2022)

>   HNX: Số liệu Quản lý Sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài tại ngày 17/06/2022 (17/06/2022)

>   HNX: Số liệu Quản lý Sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài tại ngày 17/06/2022 (17/06/2022)

>   HOSE: Số liệu quản lý sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (17/06/2022) (17/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật