ĐHĐCĐ GVR: Ước lãi quý 2 tương đương cùng kỳ
Sáng ngày 17/06, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE: GVR) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 nhằm thông qua những định hướng cũng như kế hoạch kinh doanh cho năm nay.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của GVR tổ chức sáng ngày 17/06
|
Thảo luận
Tại sao kế hoạch lợi nhuận 2022 đi ngang?
Ông Phạm Văn Thành - Thành viên HĐQT: Hoạt động cốt lõi của CÔng ty bao gồm đến 5 mảng. Trong đó, mảng chiếm lợi nhuận cao nhất vẫn là cao su, những mảng khác không phát triển bằng. So với năm 2021, thời tiết thuận lợi hơn, sản lượng cao su có thể sẽ gia tăng. Tuy nhiên, chi phí lại tăng cao và khó giảm được như chi phí tiền lương,chi phí phân bón.
Trong định hướng phát triển đến năm 2025, Công ty sẽ tập trung phát triển KCN, tuy nhiên hiện tại các vấn đề về đất đai vẫn chưa được tháo gỡ nên chưa đưa vào kế hoạch năm nay. Nếu các vấn đề được giải quyết, kết quả của năm 2022 sẽ cao hơn.
Cơ cấu lãi trước thuế 2022?
Ông Phạm Văn Thành: Về cơ cấu, khối cao su bao gồm mủ và gỗ chiếm trên 50%, KCN chiếm 12%, gỗ cao su chiếm 10%, còn lại thoái vốn chiếm 15%.
Ước tính lợi nhuận trước thuế quý 2/2022?
Ông Phạm Văn Thành: Tập đoàn đang tính toán và dự kiến kết quả tương đương cùng kỳ 2021. Trong năm, lợi nhuận của Tập đoàn tập trung trong quý 3 và quý 4 nên giai đoạn đầu năm sẽ ít biến động.
Kế hoạch thoái vốn trong năm 2022?
Ông Phạm Văn Thành: Về thoái vốn, Công ty sẽ tiếp tục thoái vốn ngoài lĩnh vực kinh doanh chính do hiệu quả không còn nhiều. Nếu công ty mẹ và các công ty thành viên thoái thành công thì lợi nhuận khoảng 500-600 tỷ đồng, chiếm 15% lợi nhuận của Tập đoàn
Có hỗ trợ gì cho NTC về vấn đề đất đai?
Ông Phạm Văn Thành: Đến thời điểm hiện nay, các vấn đề của NTC đã được tháo gỡ, có thể là trong quý 3, NTC sẽ được giao đất để triển khai giai đoạn 2.
Diện tích trồng cao su từng khu vực
Ông Phạm Văn Thành: Tại thời điểm nay, Tập đoàn có khoảng trên dưới 400 ngàn ha, ở nước ngoài là 115 ngàn ha, trong đó Campuchia xấp xỉ 90ha, Lào là trên dưới 30 ha. Trong nước, Đông Nam Bộ vẫn là khu vực lớn nhất với 150-160 ngàn ha, Tây Nguyên xếp thứ 2 với 70 ngàn ha, miền Trung là 30 ngàn ha, miền núi phía Bắc khoảng 26-27 ngàn ha.
Năm 2021, năng suất bình quân của Tập đoàn là xấp xỉ 1.51 tấn. Năm 2022, năng suất có thể tăng nhưng sẽ không nhiều.
Tại sao lại hạ tỷ lệ cổ tức 2021?
Ông Phạm Văn Thành: Nếu dồn để chia cổ tức vẫn đủ nhưng cần trích quỹ đầu tư phát triển và quỹ này dùng để triển khai dự án KCN tại Tây Ninh. Đây là dự án Tập đoàn đứng ra làm chủ đầu tư chứ không phải thông qua các công ty thành viên nên cần có khoản tiền tích lũy.
Chuyển đổi đất cao su sang phát triển KCN như thế nào?
Ông Phạm Văn Thành: Theo Luật đầu tư và Luật đất đai, KCN là đối tượng không phải đấu giá đất, Nhà nước sẽ thu lại và giao cho chủ đầu tư. Tuy nhiên,một số địa phương lại rất e dè giao lại các KCN. Hy vọng sau khi Luật đất đai sửa đổi, mọi chuyện sẽ diễn biến tốt hơn.
Lên kế hoạch lợi nhuận đi ngang
Theo đó, GVR đánh giá 2022 tiếp tục là năm đầy khó khăn, thách thức, nhất là với lĩnh vực cao su, ngành nghề kinh doanh chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của Tập đoàn. Giá bán mủ tuy có tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn ở mức thấp. Sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt; việc phát triển khu công nghiệp chưa thuận lợi về cơ chế thuê đất, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Ngoài ra, các yếu tố như dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn rủi ro; cuộc chiến thương mại, tiền tệ giữa các nước lớn, đặc biệt xung đột quân sự Nga-Ukraine khiến giá các loại hàng hóa trên thị trường tăng cao tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm… sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Với những nhận định trên, GVR đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 29,707 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2021. Tuy nhiên, mục tiêu lãi sau thuế chỉ ở mức 5,340 tỷ đồng, đi ngang so với kết quả năm trước.
Kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2022 của GVR
Nguồn: GVR
|
Về phía công ty mẹ, kế hoạch doanh thu là 4,460 tỷ đồng, tăng 12.4%; lãi sau thuế 2,300 tỷ đồng, giảm 1.4% so với kết quả năm trước. Tỷ lệ cổ tức năm 2022 dự kiến là 5% bằng tiền mặt. Còn với năm 2021, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 4.1%.
Trong năm nay, công ty sẽ tập trung phát triển 5 mảng kinh doanh chính gồm nông nghiệp, khu công nghiệp, công nghiệp cao su, chế biến gỗ, thủy điện nhằm đảm bảo nguồn thu ổn định. Đơn vị cũng lên kế hoạch tiết giảm đầu tư, chỉ đầu tư những hạng mục cần thiết để cân đối nguồn vốn, tập trung trả nợ vay ngân hàng nhằm giảm áp lực tài chính trước mắt.
Cùng với đó, Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung tái cơ cấu toàn diện sau cổ phần hóa như thoái vốn đầu tư ngoài ngành; sáp nhập doanh nghiệp; phát triển các khu công nghiệp trên đất cao su bao gồm mở mới và mở rộng các dự án.
Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (dự án Nam Tân Uyên/An Điền mở rộng tại tỉnh Bình Dương, dự án Hiệp Thạnh tại tỉnh Tây Ninh…).
Theo đó, GVR dự kiến chi hơn 2,360 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư trong năm nay, trong khi mức thực hiện năm trước chỉ gần 312 tỷ đồng.
Kế hoạch đầu tư của GVR trong năm 2022
Nguồn: GVR
|
Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Bài cập nhật
Hà Lễ
FILI
|