Thứ Hai, 27/06/2022 13:15

Cuộc sống 'không có gì ngoài nợ' của nhiều người Trung Quốc

Nợ tăng trong khi các nguồn thu nhập giảm khiến nhiều người dân Trung Quốc, từ chủ doanh nghiệp đến nhân viên văn phòng, phải thắt chặt chi tiêu.

Sau khi rời quê năm 18 tuổi, Fiona Hu đã nỗ lực làm việc chăm chỉ hàng chục năm trời để mở được một thẩm mỹ viện ở Quảng Châu. Nhưng sau 2 năm kinh doanh bết bát do dịch bệnh, cô hiện chìm trong nợ nần và giấc mơ của cô đã biến thành cơn ác mộng, theo South China Morning Post.

"Bây giờ, tôi chẳng có gì ngoài đống nợ", người phụ nữ 44 tuổi nói.

Hu và chồng phải vật lộn để chi trả các hóa đơn trong năm qua nhưng đến tháng 5, hai người không còn khả năng thanh toán tiền lãi vay thế chấp hàng tháng là 9.000 nhân dân tệ (1.341 USD). Căn hộ của hai vợ chồng sẽ bị thu giữ và bán đấu giá.

"Tôi không nghĩ đời này mình có thể thoát khỏi nợ nần. Mọi người đều đang chật vật, cuộc sống quả thực khó khăn", người phụ nữ gánh khoản nợ hơn 2 triệu nhân dân tệ nói.

người Trung Quốc thắt lưng buộc bụng ảnh 1

Nhiều người Trung Quốc lâm vào nợ nần vì dịch bệnh kéo dài. Ảnh: AP.

Nợ tăng và thu nhập giảm không chỉ là vấn đề với các chủ doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc, những người bị ảnh hưởng nặng nề do tăng trưởng kinh tế đình trệ trong những tháng gần đây, khi quốc gia tỷ dân vẫn duy trì chiến lược Zero Covid-19.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với Tang Ying, thư ký 36 tuổi của một công ty công nghệ nhỏ ở Quảng Châu.

Tang cố gắng bám trụ với công việc nhưng lương hàng tháng của cô đã giảm từ khoảng 5.000 nhân dân tệ xuống còn khoảng 4.000 nhân dân tệ. Gần đây, mẹ Tang, đã nghỉ hưu, phải dùng hết tiền tiết kiệm để giúp con gái trả 110.000 nhân dân tệ cho các khoản vay tiêu dùng và nợ thẻ tín dụng.

Thắt chặt chi tiêu

Câu chuyện của Tang hay Hu phản ánh cảm giác bất an ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Hai năm kinh tế không ổn định đã đập tan suy nghĩ miễn là làm việc chăm chỉ thì thu nhập sẽ tăng của nhiều người.

Đối mặt triển vọng kinh tế không chắc chắn, các hộ gia đình Trung Quốc đang cắt giảm chi tiêu.

Theo Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng tại JD.com, các khoản cho vay hộ gia đình mới trong 5 tháng đầu năm đạt 1,33 nghìn tỷ nhân dân tệ, mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua. Các khoản vay hộ gia đình ngắn hạn là 192,7 tỷ nhân dân tệ, ở mức thấp nhất trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 kể từ năm 2009, phản ánh tiêu dùng trong nước yếu.

Các khoản vay trung và dài hạn cũng ở mức thấp nhất trong 6 năm qua là 1,14 nghìn tỷ nhân dân tệ trong 5 tháng đầu năm, cho thấy nhu cầu mua bất động sản chậm chạp, ông Shen cho biết.

Nhiều người Trung Quốc thắt chặt chi tiêu vì khó khăn kinh tế. Ảnh: Bloomberg.

"Xu hướng thu hẹp chi tiêu ở nhóm hộ gia đình Trung Quốc và kinh nghiệm của các nền kinh tế phát triển cho thấy một khi các gia đình bắt đầu giảm chi, tác động lên tăng trưởng kinh tế là rất dai dẳng và nghiêm trọng".

Ông Shen cho rằng cần có các chính sách kích thích lớn hơn để hỗ trợ thu nhập, việc làm và chi tiêu của người tiêu dùng.

Theo một cuộc khảo sát hàng quý của Viện Khảo sát Khoa học Xã hội tại Đại học Bắc Kinh và Viện Nghiên cứu Ant Group, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ (MSEs) tiếp tục giảm trong 3 tháng đầu năm 2022. So với cùng kỳ năm ngoái, MSEs có sự sụt giảm rõ rệt về thu nhập kinh doanh, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận.

Thu nhập hộ gia đình năm nay cũng sẽ tăng với tốc độ chậm hơn năm ngoái do nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt sóng gió ở cả trong và ngoài nước do làn sóng dịch Covid-19 mới và quy định phong tỏa, gián đoạn phục hồi chuỗi cung ứng và những bất ổn từ cuộc giao tranh Nga - Ukraine.

Theo một báo cáo của Moody’s Investors Service công bố cuối tháng 4, giá bán bất động sản nhà ở trung bình tại Trung Quốc cũng được dự báo giảm vừa phải trong năm 2022 vì các chủ đầu tư sẽ giảm giá để hỗ trợ doanh số và dòng tiền. Báo cáo cho biết nhu cầu mua bất động sản của người mua nhà đã giảm bớt, bất chấp nhiều biện pháp kích cầu trong những tháng gần đây.

Sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc giảm vì tình hình kinh tế ảm đạm. Ảnh: AP.

Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và tầng lớp trung lưu Trung Quốc không đặt nhiều kỳ vọng.

“Điều còn thiếu bây giờ là niềm tin, kỳ vọng rằng tiền lương và nền kinh tế trong nước sẽ tiếp tục đi lên”, một người dân họ Zheng ở Thâm Quyến nói.

Zheng cho biết lương trong bộ phận của anh làm việc đã giảm khoảng 30% trong năm nay, khiến anh gặp khó khăn trong việc trả lãi các khoản vay thế chấp anh dùng để mua 2 bất động sản.

Các chính quyền địa phương trên toàn Trung Quốc cũng đang cắt giảm nhiều khoản thưởng như một phần của nỗ lực giảm chi phí.

Daisy Deng, luật sư ở Quảng Châu, cho biết cô đang trở nên thận trọng trong việc chi tiêu và đã từ bỏ kế hoạch mua một chiếc ôtô mới.

“Niềm tin của người dân vào thu nhập và khả năng trả nợ của họ đang thay đổi nhanh chóng", cô nhận định.

Mai An

ZING

Các tin tức khác

>   Việt Nam tăng 39 bậc về chỉ số chất lượng sống tốt nhất thế giới (27/06/2022)

>   Tạm giam một cán bộ CDC Yên Bái liên quan đến Công ty Việt Á (26/06/2022)

>   Người dân TP.HCM không tiêm vắc xin Covid-19 phải ký cam kết, chịu trách nhiệm (25/06/2022)

>   Phập phồng trước giờ tăng lương (25/06/2022)

>   Thu hồi số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm của Việt Á (25/06/2022)

>   KOL Trung Quốc bị cấm khoe giàu, giảng tài chính bừa bãi (24/06/2022)

>   Lương ở Mỹ tăng nhưng thu nhập thực tế giảm do lạm phát (24/06/2022)

>   Tài xế xe công nghệ đua nhau tắt app, chạy chui (23/06/2022)

>   Lộ diện thành phố đáng sống nhất thế giới (23/06/2022)

>   Tiền không đủ mua nhà thì nên làm gì? (23/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật