Chứng khoán Tuần 20-24/06/2022: Sự thận trọng tăng cao
Thị trường chứng khoán tiếp tục có tuần giao dịch ảm đạm khi sụt giảm gần 32 điểm. Khối lượng giao dịch cũng suy yếu cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư dù chỉ số đang test lại vùng hỗ trợ 1,150-1,200 điểm.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 20-24/06/2022
Giao dịch: Trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm 3.4 điểm, kết phiên ở mức 1,185.48 điểm; HNX-Index giảm 1.25 điểm, dừng chân ở mức 275.93 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm 31.82 điểm (-2.61%); HNX-Index giảm 4.13 điểm (-1.47%).
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 510 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 16.78% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 65 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 12.96% so với tuần giao dịch trước.
Chiều 21/6, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Đây là đợt tăng thứ 7 liên tiếp và là đợt tăng thứ 13 của mặt hàng này trong hơn nửa đầu năm 2022. Hiện, giá bán lẻ các loại xăng tiếp tục lập đỉnh mới so với kỳ điều hành ngày 13/6. Điều này ảnh hưởng khá xấu đến tâm lý nhà đầu tư do lo ngại lạm phát tăng lên.
Thị trường chứng khoán có tuần giao dịch tương đối ảm đạm. VN-Index lao dốc ngay phiên thứ Hai đầu tuần với mức giảm gần 37 điểm. Thị trường giao dịch giằng co mạnh hai phiên sau đó trước khi có sự hồi phục trở lại. Tuy nhiên dòng tiền vẫn khá dè chừng khi khối lượng giao dịch có sự sụt giảm dần. Ở phiên cuối tuần, mặc dù dành phần lớn thời gian giao dịch trên tham chiếu, nhưng VN-Index lại dừng chân trong sắc đỏ với mức giảm nhẹ hơn 3 điểm. Tính cho cả tuần, VN-Index giảm gần 32 điểm, xuống mức 1,185.48 điểm.
Xét về mức độ ảnh hưởng, GAS là cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất khi lấy đi tổng cộng hơn 9 điểm của VN-Index trong tuần qua. Theo sau GAS là các cổ phiếu VHM, MSN, VIC và HPG. Ở chiều ngược lại, VNM, CTG, TCB, BVH và ACB là những cổ phiếu có tác động tích cực nhất.
Với việc giá dầu giảm mạnh trong trong tuần khi nhà đầu tư lo ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế Mỹ giữa lúc Fed nâng lãi suất, nhóm cổ phiếu họ dầu khí trong nước cũng ghi nhận tuần giao dịch ảm đạm. Trong đó, các mã như PVS, PVD, PVC hay BSR đều giảm mạnh trong khoảng 14%-21%.
Cùng với đó, nhóm cổ phiếu tiện ích cũng có tuần giảm mạnh. Ông lớn GAS lao dốc mạnh 14.93%, POW giảm 15.84%, GEG lùi 10.78%...
Ngược lại, ngân hàng lại có sự phục hồi khá tốt và là một trong các nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến thị trường chung. Nhiều mã trong nhóm tăng tốt như CTG (+5.1%), TCB (+2.9%), ACB (+3.03%), SSB (+4%)…
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 57 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng gần 72 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 15 tỷ đồng trên sàn HNX.
Cổ phiếu tăng tiêu biểu trong tuần qua là FLC
FLC tăng 18.11%: Sau giai đoạn giảm mạnh trước đó, cổ phiếu FLC đã có sự hồi phục trở lại trong tuần với mức tăng hơn 18%, lên mức 4,630 đồng/cp. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức thấp cho thấy dòng tiền chưa thật sự trở lại với cổ phiếu này.
Cổ phiếu giảm giá mạnh trong tuần qua là PVS và NT2
PVS giảm 21.05%: Giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm sau những phát biểu mới từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, làm dấy lên lo ngại việc nâng lãi suất Mỹ sẽ làm tăng trưởng kinh tế giảm tốc, qua đó sẽ làm giảm nhu cầu. Trong tuần qua, cổ phiếu PVS cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh hơn 21%.
NT2 giảm 16.21%: Sau khi tạo đỉnh ở tuần giao dịch trước đó, CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) đã quay đầu giảm trở lại. Trong tuần qua, giá cổ phiếu sụt giảm hơn 16%, xuống mức 24,300 đồng/cp.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|