Biểu đồ Sức mạnh giá RRG trên VietstockFinance: Muốn đầu tư chứng khoán thành công phải theo chân dòng tiền
Một cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, triển vọng phát triển tích cực trong tương lai vẫn có nguy cơ trở thành một khoản đầu tư thất bại nếu bạn chọn sai thời điểm xuống tiền. Bên cạnh việc phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng phải chú ý đến sự dịch chuyển của dòng tiền.
Cổ phiếu tốt không phải lúc nào cũng trở thành khoản đầu tư tốt
Các chuyên gia nghiên cứu đã phát triển nhiều công cụ, hệ thống phân tích đầu tư phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư trong suốt hơn 100 năm qua. Những người bận rộn với công việc kinh doanh và không chuộng giao dịch liên tục có thể dùng SMA 50 ngày, SMA 100 ngày… với tần suất cho tín hiệu khoảng 3 - 6 tháng/lần. Những bạn trẻ đam mê lướt sóng có thể áp dụng nhóm chỉ báo dao động với những tín hiệu ngắn hạn. Biểu đồ Sức mạnh giá RRG chính là công cụ hữu ích đáp ứng nhu cầu đa dạng của tất cả nhà đầu tư.
Biểu đồ Sức mạnh giá RRG (hay còn gọi là biểu đồ Sức mạnh giá và dòng tiền, Realative Rotation Graph, RRG) trên VietstockFinance giúp nhà đầu tư nhận biết sự dịch chuyển dòng tiền trên thị trường. Biểu đồ được hình thành bởi hai trục là Sức mạnh giá (VS-RS) và Động lượng tăng trưởng (VS-Mom). Các chỉ số này được Vietstock tính toán dựa trên dữ liệu giao dịch của cổ phiếu, chỉ số ngành và chỉ số thị trường.
Các chỉ báo kỹ thuật thông thường như Moving Average, Stochastic Oscillator… chỉ cho bạn biết điểm vào và điểm ra. Biểu đồ sức mạnh giá RRG sẽ cho bạn biết nhiều hơn thế. Hiểu một cách đơn giản, công cụ này cho các tổ chức đầu tư biết cổ phiếu họ chọn xuất sắc/kém cỏi như thế nào. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, họ sẽ biết mình có đang chọn đúng đồ thị cổ phiếu để quan sát hay không.
Nhìn chung, mục tiêu của nhà đầu tư là phải tăng cường nắm giữ những cổ phiếu vượt trội và giảm thiểu những cổ phiếu có mức sinh lời kém hơn thị trường. Biểu đồ Sức mạnh giá RRG sẽ giúp nhà đầu tư tìm được các cổ phiếu mạnh hơn thị trường chung (outperform), tăng nhiều hơn khi thị trường tăng (bull market) và giảm ít hơn khi thị trường giảm (bear market).
Ngoài ra, biểu đồ Sức mạnh giá RRG cũng giúp né tránh các cổ phiếu yếu hơn thị trường chung (underperform) vốn có đặc tính là tăng ít hơn khi thị trường tăng và giảm nhiều hơn khi thị trường giảm.
Theo như cách nói của David Keller, CMT, cựu chủ tịch của Hiệp hội Phân tích kỹ thuật Hoa Kỳ (CMT Association) thì quản trị danh mục đầu tư tài chính khá giống với huấn luyện một đội bóng chày hay bóng đá trong lĩnh vực thể thao. Hãy tưởng tượng rằng bạn đang sắp xếp đội hình cho trận đấu tối nay. Bạn có muốn bắt đầu với đội hình toàn những cầu thủ đang xuống sức hay bạn muốn bắt đầu với các cầu thủ tốt nhất với thể lực sung mãn nhằm giúp đội bóng có cơ hội chiến thắng cao nhất?
Cách xem biểu đồ Sức mạnh giá RRG trên VietstockFinance
Truy cập VietstockFinance tại địa chỉ https://finance.vietstock.vn. Trên menu, chọn Công cụ đầu tư \ Sức mạnh giá RRG.
Truy cập nhanh tại địa chỉ: https://finance.vietstock.vn/suc-manh-gia-rrg
Nhà đầu tư cần so sánh trạng thái của cổ phiếu và ngành của nó. Nếu cổ phiếu đang ở trạng thái tăng giá và ngành cũng đang trong trạng thái tương tự thì xác suất thành công sẽ càng lớn hơn. Một cổ phiếu tốt nhưng lại nằm trong một ngành xấu thì khó có thể đem lại hiệu quả sinh lời cao như kỳ vọng của nhà đầu tư.
Các trạng thái cơ bản
- Tăng trưởng (Leading): Giá nằm trong góc phần tư tăng trưởng khi VS-RS và VS-Mom đều nằm trên 100. Chỉ số VS-RS > 100 cho thấy cổ phiếu đang mạnh hơn thị trường chung (outperform) và VS-Mom > 100 có nghĩa là xu hướng này vẫn đang được đẩy cao hơn nữa. Nếu cổ phiếu của nhà đầu tư đang nằm trong nhóm này thì cần tiếp tục nắm giữ.
- Suy yếu (Weakening): Giá nằm trong góc phần tư suy yếu khi VS-RS nằm trên 100 nhưng VS-Mom đã rơi xuống dưới 100. Khi đó, cổ phiếu vẫn còn mạnh nhưng xu hướng tăng đang bị đình trệ hoặc mất dần sức mạnh so với giai đoạn trước. Việc chốt lời các cổ phiếu dạng này là cần thiết.
- Giảm giá (Lagging): Giá nằm trong góc phần tư giảm giá khi VS-RS và VS-Mom đều dưới 100. Điều này cho thấy sức mạnh giá và động lượng tăng trưởng đều rất yếu. Nhà đầu tư nên tránh mua những cổ phiếu thuộc nhóm này vì chúng đang yếu hơn thị trường chung (underperform).
- Tích lũy (Improving): Giá nằm ở góc phần tư tích lũy khi VS-RS dưới 100, nhưng VS-Mom di chuyển trên 100. Chỉ số VS-RS < 100 cho biết sức mạnh giá vẫn còn yếu nhưng VS-Mom > 100 có nghĩa là xu hướng giảm đang yếu đi và có khả năng đảo ngược. Đây là nhóm cần đưa vào danh mục quan sát vì rất dễ chuyển sang trạng thái tăng giá (leading).
|
Nguồn: https://finance.vietstock.vn/suc-manh-gia-rrg
Lưu ý
Các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư ngắn hạn nên xem biểu đồ theo khung thời gian là tuần (weekly). Các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư trung và dài hạn sẽ xem biểu đồ theo khung thời gian là tháng (monthly).
Nhà đầu tư cần so sánh trạng thái của cổ phiếu và ngành của nó. Nếu cổ phiếu đang ở trạng thái tăng giá và ngành cũng đang trong trạng thái tương tự thì xác suất thành công sẽ càng lớn hơn.
Việc thay đổi mã cổ phiếu/chỉ số ngành theo dõi có thể thực hiện ở mục Tùy chỉnh.
Đặc biệt, nhà đầu tư có thể sự dịch chuyển của dòng tiền qua khứ trên các cổ phiếu/ngành thông qua chức năng Chuyển động.
Vietstock
|