Vì sao dòng tiền trên thị trường sụt giảm?
Không còn nghi ngờ gì nữa, thị trường chứng khoán đang trong một giai đoạn ảm đạm nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Chỉ số VN-Index liên tục phá ngưỡng cản dưới quan trọng, đi kèm với một sự suy yếu dòng tiền thấy rõ.
Từ mức đỉnh mọi thời đại đạt được vào 06/01/2022 tại 1,528.57 (mức giá đóng cửa) tới ngày 09/05, VN-Index chỉ còn 1,269.62 điểm, giảm 16.94%. Giá trị giao dịch đang lịm dần, từ đầu tháng 5, giá trị giao dịch bình quân sàn HOSE đạt hơn 16,000 tỷ đồng, giảm 27% so với bình quân thanh khoản trong tháng 4 trước đó. Điều nguy hiểm nhất ngay cả trong ngày xuống mạnh gần 60 điểm ngày 09/05/2022 thì dòng tiền cũng chỉ đạt 18,768 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch bình quân sàn HOSE giảm mạnh trong tháng 5, Đvt: Tỷ đồng
|
Dòng tiền không còn hào hứng bắt đáy và đang có dấu hiệu rút với tốc độ nhanh. Điều này không loại trừ khả năng khi thị trường tìm được điểm cân bằng, sẽ xuất hiện trở lại những phiên giao dịch có giá trị rất thấp, thậm chí dưới 10,000 tỷ đồng/phiên trong thời gian ngắn tới. Vậy đâu là những nguyên nhân khiến dòng tiền rút ra nhanh?
Thứ nhất, nền kinh tế khởi sắc, một phần tiền từ chứng khoán rút về sản xuất. Sau hai năm dịch Covid đã có dấu hiệu được kiểm soát tại Việt Nam và thế giới. Quá trình sản xuất bị chèn ép hai năm đã bật mạnh trở lại. Dòng tiền nhàn rỗi đổ vào chứng khoán 2020 - 2021 đã bắt đầu tìm được hướng ra trong sản xuất.
Thứ hai, tiền rẻ không còn. Do nền kinh tế khởi sắc, sản xuất tăng trưởng, nên tín dụng của các ngân hàng cũng bật mạnh. Tín dụng quý 1/2022 tăng 5.04 % gấp 4 lần quý 1/2021. Dự kiến mục tiêu tăng trưởng cả năm là 14% và có thể hơn thế nữa. Tín dụng tăng trưởng cũng buộc các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động đầu vào khiến một lượng tiên lớn chảy về hệ thống ngân hàng. Thực tế, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động trong đầu tháng 5 này. Lãi suất cao luôn là kẻ thù của thị trường chứng khoán.
Thứ ba, dịch có dấu hiệu kết thúc, nền kinh tế đã quay về quá trình hoạt động bình thường của nó. Các đợt giãn cách trong đại dịch là các hành động nâng đỡ về… tâm lý với thị trường chứng khoán. Người lao động không có việc làm, và cũng không có nhiều công cụ để kiếm tiền, giải trí, tiêu thời gian rảnh rỗi. Rất nhiều cá nhân đã trở thành nhà đầu tư trong dịp này. Nay cuộc sống đã quay trở lại nhịp điệu bình thường, một số người không còn hào hứng với thị trường chứng khoán nữa.
Thứ tư, thua lỗ nặng nề khiến nhà đầu tư “qua sông cắt áo”, không hẹn ngày quay lại. Điều quan trọng nhất khiến dòng tiền thông minh rút ra đó là TTCK không còn là một kênh đầu tư sinh lời nữa. Mức giảm 16.94% của VN-Index từ đầu năm tới 09/05 chỉ là con số nổi, không lột tả được sự khốc liệt ngầm của thị trường chứng khoán.
Đặc biệt từ tháng 4 tới nay, các cổ phiếu nhỏ lẻ đầu cơ, ít tác động tới VN-Index là những cổ phiếu đem lại nỗi đau cho các nhà đầu tư F0 ngây thơ. Nhiều cổ phiếu thua lỗ 70, 80%. Cùng với việc sử dụng margin buộc nhiều tài khoản đã bị thua lỗ trầm trọng. Cộng thêm một lượng lớn các nhà đầu tư F0 như thiêu thân nhảy qua phái sinh, quyền chọn với đòn bẩy siêu cao cũng khó tránh khỏi thua lỗ. Khá nhiều nhà đầu tư trắng tay rời bỏ thị trường, số còn lại cũng chán chường đóng tài khoản để đấy khiến lượng giao dịch sụt giảm.
Trước những yếu tố đó, dòng tiền đổ vào chứng khoán có thể không bao giờ còn được như xưa. Có thể rất lâu nữa dòng tiền mới quay trở lại.
Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn còn những điều để hy vọng, kịch bản có thể VN-Index sẽ giảm không sâu nữa và giao dịch với khối lượng thấp hơn nhiều so với đã từng. Vì sau cùng giá chứng khoán ngoài lệ thuộc vào dòng tiền sẽ còn lệ thuộc vào chính bản thân doanh nghiệp. Mà sự tăng trưởng thậm chí tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp niêm yết chủ chốt là điều chúng ta có thể tin tưởng.
Ngoài ra còn một yếu tố sẽ giúp dòng tiền bùng nổ có thể còn hơn cả quá khứ đó là khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng. Với tình thế này và với các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ gần đây, có thể việc nâng hạng sẽ diễn ra sớm hơn so với dự tính. Hy vọng là thế.
Kiên Cường
FILI
|