Vì sao các nhà đầu tư triệu phú thích mua đáy hơn cắt lỗ?
Thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh bởi nguy cơ các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất. Nhưng giới đầu tư giàu có thích tranh thủ mua vào với giá rẻ, thay vì cắt lỗ.
Theo khảo sát của UBS Group AG, gần 1/3 nhà đầu tư giàu có sẽ mua đáy nếu thị trường sụt giảm, trong khi chỉ 20% cắt lỗ. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 2.500 nhà đầu tư có tài sản hơn 1 triệu USD.
Ngoài những nhà đầu tư sẵn sàng mua đáy, 30% sẽ chuyển sang các lĩnh vực khác, còn 18% không mua vào hay bán ra ngay cả khi thị trường tiếp tục giảm thêm.
Cuộc khảo sát cho thấy nhiều nhà đầu tư không hề nản lòng vào thời điểm các thị trường tài chính toàn cầu đang biến động. Những ngân hàng trung ương lớn chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ nhằm giải quyết lạm phát tăng cao.
Các thị trường đỏ lửa bởi nguy cơ FED và những ngân hàng trung ương lớn khác thắt chặt chính sách tiền tệ. Ảnh: Reuters.
|
Bắt đáy khi thị trường giảm
Trong phiên giao dịch hôm 2/5, chỉ số S&P 500 đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số này giảm khoảng 12%. Chỉ số Trái phiếu Tổng hợp Toàn cầu của Bloomberg cũng sụt giảm gần 12%.
"Chúng tôi nhận thấy các nhà đầu tư lo ngại và chuyển sang chế độ 'ngồi im quan sát', nhưng họ không hoảng loạn", ông Jeff Scott - Trưởng bộ phận Khách hàng của UBS Global Wealth Management - bình luận.
"Không nhiều người gia nhập thị trường, nhưng cũng không nhiều người rời đi", ông nói thêm.
Tôi đã trải qua 8 lần thắt chặt chính sách. Và theo kinh nghiệm của tôi, nếu các vị đợi đến khi Cục Dự trữ Liên bang hoàn thành nhiệm vụ và lạm phát ổn định trở lại, thì đã quá muộn để mua vào.
Nhà quản lý quỹ Jim Cramer
|
Nói với CNBC, ông Jim Cramer - nhà quản lý quỹ, người sáng lập Cramer Berkowitz - cho rằng các nhà đầu tư nên nắm bắt cơ hội mua đáy trong những phiên giao dịch như hôm 2/5, ngay cả khi phải chấp nhận một khoản lỗ trong ngắn hạn.
"Tôi đã trải qua 8 lần thắt chặt chính sách. Và theo kinh nghiệm của tôi, nếu các vị đợi đến khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) hoàn thành nhiệm vụ và lạm phát ổn định trở lại, thì đã quá muộn để mua vào", ông giải thích.
FED đặt mục tiêu lạm phát trung bình ở mức 2%. Cơ quan này đã bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3 nhằm hạ nhiệt giá cả. FED cũng báo hiệu rằng sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất khác.
"Các vị phải đoán trước được đỉnh điểm của lạm phát. Chẳng hạn, trong phiên giao dịch hôm 2/5, thị trường trông có vẻ rất nguy hiểm rồi lại trở nên yên bình", ông Cramer nói thêm. Ông cho rằng nhà đầu tư phải chấp nhận khoản lỗ trong ngắn hạn.
Sau phiên giao dịch hôm 2/5, các thị trường đã bật tăng trở lại. Chốt phiên giao dịch ngày 3/5, chỉ số S&P 500 tăng 20,1 điểm, tương đương 0,48% lên 4.175. Còn chỉ số Dow Jones và Nasdaq tăng lần lượt 0,2% và 0,22%.
Quản lý rủi ro
Theo giới chuyên gia, bất cứ nhà đầu tư nào muốn mua đáy cũng cần phải nghiên cứu và phân tích những nguyên tắc cơ bản, để tránh mua vào một cổ phiếu mà giá của nó chỉ giảm thêm.
Một số quy tắc cần nắm vững khi mua đáy bao gồm đặt giới hạn về số tiền giữ lại, không bị cám dỗ và hy vọng giá giảm thêm, sử dụng lệnh cắt lỗ nhằm hạn chế thua lỗ nếu giá tiếp tục giảm.
Cùng với đó là theo dõi các xu hướng giá trong dài hạn. Khi giá cổ phiếu liên tục giảm và rơi xuống mức thấp hơn trong lần giảm tiếp theo, cổ phiếu này đang trong xu hướng giảm. Đó không phải thời điểm thích hợp để mua đáy.
Nhưng nếu cổ phiếu đang trong xu hướng tăng, giá điều chỉnh giảm rồi lại tăng lên mức cao, thậm chí cao hơn. Khi đó, mua đáy sẽ là chiến lược hợp lý.
Gần 1/3 nhà đầu tư giàu có sẽ mua đáy nếu thị trường sụt giảm, trong khi chỉ 20% cắt lỗ. Ảnh: Reuters.
|
Theo ông Cramer, nếu giá cổ phiếu của một công ty sụt giảm trong phiên giao dịch hôm 2/5, ngay cả khi báo cáo thu nhập quý I của công ty này khả quan, thì nguyên nhân nằm ở thị trường thay vì công ty. Ông chỉ ra các cổ phiếu của American Express, Coca-Cola và UnitedHealth Group.
"Chỉ đơn giản là trong môi trường mới này, thị trường không sẵn sàng trả nhiều tiền cho các khoản thu nhập trong tương lai. Bất cứ khi nào lãi suất tăng nhanh, hệ số giá trên lợi nhuận sẽ thu hẹp", vị chuyên gia giải thích.
Theo cuộc khảo sát của UBS, ở thời điểm hiện tại, mối lo ngại hàng đầu của các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp trên toàn cầu là rủi ro địa chính trị từ xung đột giữa Nga và Ukraine. Cuộc chiến cũng làm gia tăng áp lực lạm phát, vốn là nỗi lo ngại lớn thứ 2 đối với giới đầu tư.
Sau gần 2 năm giá cổ phiếu tăng mạnh, các triệu phú giờ phải tìm đến các cố vấn tài chính. Ở Mỹ, 85% nhà đầu tư giàu có được hỏi cho biết họ cần sự hướng dẫn của những cố vấn nhiều hơn bình thường, tăng từ mức 75% hồi tháng 2.
Thảo Phương
ZING
|