Thứ Hai, 23/05/2022 13:00

Triển vọng nào ở DGW, BCG và VPB?

Các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị nâng giá mục tiêu DGW do việc phân phối độc quyền TV Xiaomi sẽ giúp hạn chế áp lực cạnh tranh; mua BCG do kết quả từ Bảo hiểm AAA đã bắt đầu đóng góp vào doanh thu của Công ty; mua VPB do triển vọng từ việc nới room tín dụng và kết quả khả quan từ FE Credit.

DGW: Giá mục tiêu 167,189 đồng/cp

Theo CTCK Bảo Việt (BVS), CTCP Thế Giới Số (HOSE: DGW) đã công bố kế hoạch kinh doanh quý 2/2022, kỳ vọng lợi nhuận ròng tăng trưởng mạnh 55.2% so với cùng kỳ, đạt 180 tỷ đồng, cùng với đó là kế hoạch doanh thu thuần 6,000 tỷ đồng, tăng 42.2%. BVS tin rằng mức tăng thị phần đã được chứng minh của Apple và Xiaomi, cùng với vị trí dẫn đầu thị trường phân phối máy tính xách tay của DGW sẽ đảm bảo tăng trưởng doanh thu trong quý 2/2022. Những đóng góp lần đầu tiên từ các thương hiệu mới và được phân phối độc quyền, bao gồm: Whirpool (từ tháng 5) và TV Xiaomi (từ tháng 6) sẽ ngày càng hỗ trợ triển vọng tương lai của Công ty.

Theo Ban lãnh đạo, DGW đã nộp tất cả các thủ tục giấy tờ liên quan đến việc chi trả cổ tức năm 2021 cho UBCKNN. Việc chi trả sẽ được thực hiện sau khi được phê duyệt. Cổ tức năm 2021 bao gồm 1,000 đồng tiền mặt và 80% cổ phiếu sẽ cải thiện tính thanh khoản và thị trường của cổ phiếu, giúp đánh giá lại định giá cổ phiếu sát hơn.

Theo Ban lãnh đạo, TV Xiaomi sẽ được phân phối độc quyền bởi DGW từ tháng 6, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy tại các nhà bán lẻ lớn, chẳng hạn như MWGFRT. Quy mô thị trường TV của Việt Nam ước tính là 40 ngàn tỷ đồng. BVS kỳ vọng TV Xiaomi sẽ nhanh chóng thúc đẩy thị trường tại Việt Nam, như đã chứng kiến sự mở rộng thị phần điện thoại di động của hãng trong vài năm qua.

Hơn nữa, tính độc quyền sẽ giúp DGW hạn chế áp lực cạnh tranh. Đáng chú ý là TV Xiaomi đang gặt hái được nhiều thành quả ở các thị trường trong khu vực, như Ấn Độ, Indonesia và Nga.

BVS ước tính lợi nhuận ròng năm 2022-2023 của DGW lần lượt là 825.7 tỷ đồng, tăng 26.2% và 951 tỷ đồng, tăng 15.2%, dự báo chưa kết hợp việc phân phối độc quyền TV Xiaomi vào mô hình.

Sau những điều chỉnh gần đây của thị trường, DGW hiện đang giao dịch ở mức P/E dự phóng là 14.0x (giữa năm 2023) và 12.4x (năm 2023).

Với dự báo lợi nhuận ròng vững chắc CAGR là 20.2% trong 2021-2024 trên mức cao kỷ lục năm 2021 là 654 tỷ. BVS duy trì khuyến nghị khả quan đối với DGW và giữ nguyên giá mục tiêu theo ở mức 167,189 đồng/cp dựa trên triển vọng vững chắc và định giá rẻ.

Xem thêm tại đây

Mua BCG với giá mục tiêu 29,200 đồng/cp

Theo CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN), doanh thu thuần quý 1/2022 của CTCP Bamboo Capital (HOSE: BCG) đạt 1,253 tỷ đồng, tăng trưởng 98% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 522 tỷ đồng, tăng 221%, tương ứng với 21% dự phóng doanh thu và 33% dự phóng lãi sau thuế của CTCK này (hoàn thành 17% kế hoạch doanh thu và 24% kế hoạch lợi nhuận).

Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận được thúc đẩy bởi tăng trưởng của mảng bất động sản (BĐS), năng lượng và xây lắp, bên cạnh nguồn thu từ hoạt động đầu tư trái phiếu/cổ phiếu và lãi phải thu từ các hợp đồng hợp tác đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, Bảo hiểm AAA cũng bắt đầu đóng góp doanh thu cho BCG kể từ quý 1/2022.

BCG đặt mục tiêu doanh thu đạt 7,251 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 2,200 tỷ đồng cho năm 2022, tăng 180% và 120% so với năm 2021, cao hơn so với dự phóng của YSVN lần lượt 24% và 38%. YSVN cho rằng sự khác biệt chủ yếu đến từ dự phóng doanh thu mảng BĐS và thu nhập từ hoạt động tài chính của CTCK này thận trọng hơn so với kế hoạch mà Công ty đưa ra. Ngoài ra, YSVN cũng chưa đưa Bảo hiểm AAA vào mô hình dự phóng.

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, BCG đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10,502 tỷ đồng, Ban lãnh đạo cho biết trong giai đoạn kể từ 2023 trở về sau sẽ giảm việc phát hành tăng vốn ra thị trường và ưu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Về kế hoạch tăng vốn và IPO các công ty thành viên: BCG có kế hoạch IPO và niêm yết các công ty thành viên bao gồm BCG Land, BCG Energy và Nguyễn Hoàng trong giai đoạn 2022 và 2023.

Ở mảng BĐS, BCG Land sẽ tập trung triển khai các dự án hiện có như Casa Marina Mũi Né, Casa Marina Premium, Radisson Blu Hội An, King Crown Village Thảo Điền, Hội An D’or, Amor Riverside Villa, King Crown Infinity và KCN Cát Trinh. Dự án Radisson Blu Hội An dự kiến sẽ bàn giao phần Condotel trong tháng 7 tới đây và dự kiến sẽ thực hiện công tác bán hàng của khu Villa trong tháng tới, thời gian bàn giao là quý 1/2023.

Đối với dự án Hội An D’or, Ban lãnh đạo cho biết công tác bán hàng của phân khu Shophouse diễn ra rất tốt với 90% số lượng sản phẩm đã được tiêu thụ (trên tổng cộng 202 căn shophouse). BCG Land đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 đạt 5,000 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 1,400 tỷ đồng.

Trong khi đó ở mảng năng lượng tái tạo, BCG Energy dự kiến sẽ triển khai 300MW cánh đồng điện mặt trời, 150MW điện mặt trời áp mái và 500 MW điện gió. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án sẽ phụ thuộc vào tiến độ phê duyệt QH điện VIII cũng như giá điện mới từ phía Chính Phủ. BCG Energy đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 đạt 1,660 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 997 tỷ đồng.

Từ những kỳ vọng trên, YSVN duy trì giá mục tiêu 29,200 đồng/cp đối với cổ phiếu BCG.

Xem thêm tại đây

Mua VPB với giá mục tiêu 39,159 đồng/cp

Theo CTCK Vietcombank (VCBS), kết quả kinh doanh quý 1/2022 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE: VPB) ghi nhận lãi trước thuế hợp nhất đạt 11,146 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ phí gia hạn hợp đồng bảo hiểm đạt 5,500 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng lãi trước thuế.

Về triển vọng sắp tới của ngân hàng mẹ, VCBS kỳ vọng ngân hàng sẽ được nới room tín dụng ở mức cao so với thị trường, khoảng 23%. Do thu từ khoản bán vốn từ FE Credit trị giá gần 24 ngàn tỷ đồng năm 2021, vốn chủ sở hữu của VPB hợp nhất đang ở top cao của thị trường, tạo điều kiện để được nới room tín dụng cao. Tập khách hàng cho vay của VPB chủ yếu là khách hàng cá nhân Lower Mass chịu rủi ro cao do ảnh hưởng của dịch bệnh, do đó là đối tượng ưu tiên được hỗ trợ phục hồi giai đoạn hậu dịch bệnh.

Trong khi đó ở mảng thu nhập từ phí bảo hiểm, VPB đang triển khai phân phối 2 hợp đồng bảo hiểm song song là bảo hiểm nhân thọ với AIA và bảo hiểm phi nhân thọ với OPES. VCBS kỳ vọng thu nhập từ bảo hiểm của VPB có triển vọng tốt từ năm 2022.

Còn về FE Credit, VCBS cho rằng triển vọng  thu hồi nợ xấu của tổ chức tín dụng này đã khả quan hơn nhiều từ cuối quý 4/2021, do đó lợi nhuận năm 2022 của FE Credit có thể sẽ tốt hơn nhiều so với năm 2021. Ngoài ra, VCBS cũng kỳ vọng từ sự hỗ trợ của SMBC do đối tác nước ngoài này sẽ giúp hỗ trợ lãi suất vay vốn thấp hơn trong nước, cùng với đó là nền tảng công nghệ tốt hơn từ tiềm năng của tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản.

Với những nhận định trên, VCBS khuyến nghị mua VPB với giá trị hợp lý là 39,159 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

---

Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.

Thượng Ngọc

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 23 - 27/05: VN-Index kiểm định mốc 1,225 điểm (22/05/2022)

>   Có đủ mạnh để lấy lại lòng tin? (21/05/2022)

>   Chứng khoán liên tục nhận chỉ đạo 'nóng': Hết cửa chơi xấu, thao túng? (19/05/2022)

>   Chống lạm phát, chống chủ nghĩa bảo hộ (21/05/2022)

>   EVS: Thị trường điều chỉnh quá đà là cơ hội tốt để nhà đầu tư dài hạn tăng tỷ trọng (18/05/2022)

>   Chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital chỉ ra nguyên nhân TTCK lao dốc dù kinh tế Việt Nam phục hồi (18/05/2022)

>   Góc nhìn 18/05: Giữ tâm lý thận trọng? (17/05/2022)

>   Góc nhìn 17/05: VN-Index có thể về ngưỡng hỗ trợ 1,100 điểm? (16/05/2022)

>   Kỳ vọng gì ở cổ phiếu "trụ" CTG, HPG và GAS? (16/05/2022)

>   Sau giai đoạn bị "gấu vả", nhà đầu tư nên làm gì? (16/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật