Triển vọng lạc quan, kịch bản tăng trưởng 2022 có gì đặc biệt?
Tại diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022 – 2023”, các chuyên gia đưa ra nhiều kịch bản tăng trưởng năm 2022, con số lạc quan nhất là khoảng 6%. Lạm phát được dự báo trong khoảng 4% - 4,5%.
Ông Francois Painchaud, Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam và Lào dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh hơn, với tăng trưởng dự kiến 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Thời gian tới, một số rủi ro như lạm phát dự kiến tăng trong ngắn hạn, và sự phục hồi diễn ra không đồng đều trong các lĩnh vực sẽ là những yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước... cũng cần lưu tâm.
Dựa trên phân tích ảnh hưởng của các diễn biến kinh tế lớn đến Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cập nhật dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng GDP năm 2022-2023.
Theo đó, ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5,5-6%. Ở kịch bản tiêu cực, GDP năm 2022 - 2023 chỉ tăng trưởng 4,5-5%. Các biến số trong 2 kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện Chương trình phòng, chống dịch; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023; và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ chiến sự Nga – Ukraina.
Về lạm phát, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra một số yếu tố có thể gây áp lực cho năm 2022 và 2023: lạm phát chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng cao, và tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong đó, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế. Với ngành công nghiệp chế biến chế tạo - động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế, tỷ lệ này chiếm tới 50,98%.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch công ty phân tích dữ liệu FiinGroup nhận định, dư địa cho hồi phục và tăng trưởng kinh tế cao tiếp tục vẫn còn lớn, khi các nhóm ngành đang hồi phục nhưng hầu hết chưa về mức độ tăng trưởng trước khi COVID diễn ra.
Trong đó, một số ngành vẫn cần được “kích hoạt” cho hồi phục mạnh hơn nữa. Triển vọng tăng trưởng 2022 của hầu hết các ngành chính được dự báo tích cực. Tuy nhiên, một số ngành có sự hồi phục rất chậm như hàng không và du lịch quốc tế; xây dựng và vật liệu. Yếu tố này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Tại Nghị quyết 01, Chính phủ đặt ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, theo đó; Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%. Tại Nghị quyết 11, Chính phủ đặt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 với tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm.
|
Việt Linh
Tiền phong
|