Thứ Hai, 30/05/2022 10:18

TP.HCM tính đấu giá 500 ha đất dọc tuyến vành đai 3 để thu 27.000 tỷ

“Việc đấu giá đất dọc tuyến sau khi đường vành đai 3 TP.HCM vận hành tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương, phục vụ tái đầu tư, phát triển”, Chủ tịch TP.HCM nói.

* Đất dọc tuyến vành đai 3 TP.HCM sẽ được bán đấu giá 15 triệu đồng/m2

Sau nhiều nỗ lực chuẩn bị, tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ dự án đường vành đai 3 TP.HCM trình Quốc hội, lãnh đạo TP.HCM cho biết đã có một số nội dung thay đổi so với tờ trình của Chính phủ hồi đầu tháng 4.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết 4 địa phương nơi dự án đi qua đều đồng thuận, quyết tâm cao trong quá trình chuẩn bị, với mong muốn dự án nhận được sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội và sớm được triển khai, hoàn thành đúng tiến độ.

Kinh phí giải phóng mặt bằng lớn

Ngày 31/5, dự án đường vành đai 3 TP.HCM sẽ được trình và thảo luận tại Quốc hội. Đây là dự án quan trọng quốc gia và TP.HCM là đơn vị được Thủ tướng giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Nội dung được điều chỉnh cuối cùng trước khi trình ra Quốc hội, theo ông Phan Văn Mãi, là nguồn vốn. Ông cho biết nguồn vốn ngân sách địa phương được điều chỉnh từ phát hành trái phiếu Chính phủ cho địa phương vay lại, thành các địa phương sẽ chủ động, cân đối nguồn vốn tại thời điểm lập ngân sách Nhà nước hàng năm.

Trường hợp cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ về việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án.

Về cơ chế chỉ định thầu, Chủ tịch TP.HCM thông tin được điều chỉnh từ chỉ định thầu tất cả gói thầu của dự án thành chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Cơ chế này chỉ áp dụng trong 2 năm (2022-2023).

"Cần tính đúng, tính đủ đơn giá bồi thường, chuẩn bị tốt nhất quỹ nhà tái định cư, đảm bảo nguyên tắc cuộc sống sau tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn trước đó".

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi

Chia sẻ về thách thức lớn nhất để dự án đạt tiến độ và chất lượng, lãnh đạo chính quyền TP.HCM nhắc đến công tác giải phóng mặt bằng.

“Dự án đi qua nhiều khu vực có mật độ đô thị hóa cao, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, thời gian thực hiện ngắn. Do đó, các địa phương cần quyết tâm chính trị cao và chuẩn bị thật tốt để đảm bảo nhiệm vụ này”, theo lời ông Mãi.

Thông tin rõ hơn về “bài toán” khó nhất là giải phóng mặt bằng, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay chính quyền 4 tỉnh, thành nơi có dự án đi qua đã thống nhất đề xuất một số cơ chế như: Tách riêng giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; chỉ định thầu các gói thầu liên quan phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện song song thủ tục để rút ngắn thời gian chuẩn bị giải phóng mặt bằng.

“Đặc biệt, cần tính đúng, tính đủ đơn giá bồi thường, chuẩn bị tốt nhất quỹ nhà tái định cư, đảm bảo nguyên tắc cuộc sống sau tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn trước đó”, ông Mãi nhấn mạnh.

TP.HCM tính đấu giá 500 ha đất dọc tuyến vành đai 3, thu gần 27.000 t ảnh 2

Sơ đồ các đoạn vành đai 3 TP.HCM cần khép kín.

Để làm được công việc đầy thách thức này, mỗi địa phương đều thành lập Ban chỉ đạo do một ủy viên thường trực thành ủy, tỉnh ủy làm trưởng ban, nhằm giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Ban Chỉ đạo này có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, tăng cường công tác giám sát và ràng buộc trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

So sánh với đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội - cũng là một dự án được trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư lần này, đường vành đai 3 TP.HCM có kinh phí hỗ trợ, bồi thường tái định cư lớn hơn rất nhiều dù số dân bị ảnh hưởng ít hơn.

Lý giải điều này, ông Mãi khẳng định kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án được các địa phương rà soát, tính đúng, tính đủ trên cơ sở khối lượng giải phóng mặt bằng dự kiến và các đơn giá đất, tài sản trên đất, mức hỗ trợ do UBND các tỉnh áp dụng tại thời điểm năm 2022 (đã bao gồm cả kinh phí dự kiến để xây dựng hạ tầng khu tái định cư).

“So với dự án vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội đi qua nhiều khu vực đất nông nghiệp, dự án vành đai 3 TP.HCM đi qua nhiều khu vực đông dân cư, có mật độ đô thị hoá cao, đơn giá bồi thường cao, do đó kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao hơn”, lãnh đạo chính quyền TP.HCM giải thích.

Ngoài ra, vành đai 3 là đường cao tốc đô thị, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, giao cắt với nhiều đường hiện hữu, đi qua nhiều khu vực nền đất yếu và các khu vực đông dân cư. Do đó, việc tổ chức thi công, theo Chủ tịch TP.HCM, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thách thức.

Giám sát chặt chủ đầu tư trong chỉ định thầu

Đường vành đai 3 TP.HCM dự kiến đi qua các khu vực quy hoạch phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, các đầu mối giao thông lớn. Vì vậy, việc tận dụng quỹ đất dọc hai bên đường để đấu giá cũng là vấn đề lớn các địa phương đặc biệt quan tâm.

Theo Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, đầu tư xây dựng đường vành đai 3 mở ra hướng mới nhằm mở rộng và phát triển không gian đô thị, hình thành các quỹ đất lớn để khai thác, tạo tiền đề kêu gọi đầu tư, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

"Việc khai thác các quỹ đất dọc tuyến sau khi đường vành đai 3 được đưa vào vận hành tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương, phục vụ tái đầu tư, phát triển".

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi

“Việc khai thác các quỹ đất dọc tuyến sau khi đường vành đai 3 được đưa vào vận hành tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương, phục vụ tái đầu tư, phát triển”, theo lời Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi.

Ngay từ bước chuẩn bị đầu tư, địa phương đã rà soát, tính toán khai thác các khu đất dọc tuyến vành đai 3 theo hướng đấu giá quyền sử dụng đất gắn với việc tính toán nguồn thu ngân sách từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường.

Theo đó, TP.HCM dự kiến khai thác, bán đấu giá khoảng 514 ha đất nông nghiệp để thu hồi khoảng 26.985 tỷ đồng.

Đồng Nai tính bán đấu giá khoảng 214 ha, thu hồi khoảng 4.332 tỷ đồng. Bình Dương và Long An cũng đang tiếp tục rà soát, cập nhật các quỹ đất có thể khai thác.

Song song với quá trình xây dựng dự án, các địa phương sẽ thực hiện thủ tục liên quan như điều chỉnh quy hoạch, xây dựng hạ tầng kết nối, đấu giá khai thác quỹ đất...

TP.HCM tính đấu giá 500 ha đất dọc tuyến vành đai 3, thu gần 27.000 t ảnh 3

Đường vành đai 3 TP.HCM mở ra hướng mới nhằm mở rộng và phát triển không gian đô thị, hình thành các quỹ đất lớn để khai thác. Ảnh: Quỳnh Danh.

Để dự án triển khai nhanh và kịp tiến độ đề ra, chỉ định thầu được đề xuất là một trong những cơ chế đặc thù. TP.HCM và các tỉnh thống nhất kiến nghị Quốc hội cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn và gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Lãnh đạo chính quyền thành phố khẳng định ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, địa phương này sẽ phối hợp với 3 tỉnh còn lại trình Chính phủ ban hành nghị quyết để triển khai, trong đó bao gồm nội dung tổ chức thực hiện chỉ định thầu.

Bên cạnh lưu ý về việc tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục theo quy định của luật, các địa phương còn xây dựng tiêu chí, yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, tài chính của đơn vị tư vấn, áp dụng cơ chế thưởng, phạt hợp đồng rõ ràng.

TP.HCM và các tỉnh sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ chủ đầu tư thực hiện công tác chỉ định thầu đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật”, ông Mãi khẳng định.

Đường vành đai 3 TP.HCM có chiều dài khoảng 76,34 km đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Dự án được đầu tư xây dựng với 4 làn xe, đường song hành mỗi bên 2-3 làn xe.

Với tổng mức đầu tư khoảng 75.377 tỷ đồng, phần chi bồi thường, tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa liên quan dự án là 41.589 tỷ đồng.

Tiến độ tuyến đường cao tốc dự kiến hoàn thành cơ bản vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.

Hoài Thu

ZING

Các tin tức khác

>   Người nhận chuyển nhượng khu đất 852m2 từ Cienco1 nói 'được nhờ đứng tên' (30/05/2022)

>   Bộ Xây dựng rà soát dự án chuyển từ nhà ở tái định cư sang NƠXH và thương mại (28/05/2022)

>   Loạt tiện ích chăm sóc sức khỏe chuẩn Nhật lần đầu tiên có mặt tại TP.HCM (31/05/2022)

>   Một công trình biểu tượng sẽ xuất hiện tại Hà Nội (30/05/2022)

>   Đất dọc tuyến vành đai 3 TP.HCM sẽ được bán đấu giá 15 triệu đồng/m2 (27/05/2022)

>   Vụ kiện liên quan giám đốc công ty BĐS tự tử tại tòa: Sudico được hưởng 150 tỷ đồng (27/05/2022)

>   TP.HCM nghiên cứu phát triển đô thị sân bay Tân Sơn Nhất (27/05/2022)

>   Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị rà soát các dự án FDI quy mô lớn, sử dụng nhiều đất (27/05/2022)

>   Nhà phố The Island: “Viên ngọc quý” của tổ hợp đô thị - giải trí Mũi Né Summerland (28/05/2022)

>   Thành phố sân bay - cực tăng trưởng mới của nền kinh tế năng động (25/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật