Thứ Sáu, 27/05/2022 14:58

Đất dọc tuyến vành đai 3 TP.HCM sẽ được bán đấu giá 15 triệu đồng/m2

TP.HCM dự kiến bán đấu giá các khu đất dọc dự án vành đai 3 TP.HCM với 15 triệu đồng/m2, trong khi giá đền bù đất dân cư trong công tác giải phóng mặt bằng là 26 triệu đồng/m2.

Nhiều nội dung quan trọng liên quan nguồn vốn, cách thức triển khai và tiến độ của dự án đường vành đai 3 TP.HCM được Kiểm toán Nhà nước làm rõ để trình Quốc hội.

Cùng với 4 dự án giao thông quan trọng khác, đường vành đai 3 TP.HCM sẽ được trình để Quốc hội cho chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3 đang diễn ra.

Giá đền bù đất cao gấp 1,7 lần giá dự kiến đấu giá

Báo cáo về tổng mức đầu tư, Kiểm toán Nhà nước dẫn thông tin từ báo cáo của Chính phủ, cho biết đơn giá trung bình dự kiến đền bù đất dân cư trên địa bàn TP.HCM trong khái toán cao gấp 1,7 lần đơn giá đất thương mại dự kiến đấu giá.

Cụ thể, TP.HCM sẽ tổ chức bán đấu giá các khu đất dọc theo dự án với giá dự kiến 15 triệu đồng/m2 trong khi giá đền bù đất dân cư trong công tác giải phóng mặt bằng là 26 triệu đồng/m2.

Cơ quan này cũng chỉ ra thực tế chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên 1.677-3.920 tỷ đồng, do diện tích đất dân cư được tính toán đền bù tại tỉnh Bình Dương cao hơn diện tích trong thuyết minh báo cáo của Chính phủ là 11,2 ha.

Chính phủ báo cáo diện tích đền bù là 18,78 ha, trong khi thực tế, diện tích này là 30 ha với giá đền bù được Bình Dương định mức 15-35 triệu đồng/m2.

Khu đất dọc tuyến vành đai 3 TP.HCM sẽ được bán đấu giá 15 triệu/m ảnh 1

Đường vành đai 3 TP.HCM được kỳ vọng hạn chế tình trạng ách tắc giao thông thành phố, giảm áp lực cho giao thông nội đô cũng như các tuyến đường hiện hữu. Ảnh: Lê Quân.

Mức giá đền bù đất nông nghiệp ở Bình Dương, theo Kiểm toán Nhà nước, cao gấp 6 lần các địa phương lân cận. Kiểm toán Nhà nước dẫn chứng, trung bình giá đền bù đất nông nghiệp tại TP.HCM là 3,3 triệu đồng/m2, Long An là 2,1 triệu đồng/m2; Đồng Nai là 2,9 triệu đồng/m2.

Từ đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bình Dương rà soát khái toán chi phí giải phóng mặt bằng để đảm bảo chính xác và phù hợp với thực tế.

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Dù các địa phương này đều cam kết bố trí vốn cho dự án, nguồn vốn địa phương lại chủ yếu được đến từ việc khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến đường của dự án.

Theo tiến độ bố trí vốn, Kiểm toán Nhà nước tính toán nguồn vốn địa phương tập trung nhiều trong năm 2023-2024. Nhưng thời điểm này lại khó có thể tổ chức đấu giá đất thành công hoặc đấu giá thành công với mức giá thấp, do dự án đang trong giai đoạn thi công.

Cần 28 năm để thu hồi vốn, khó khả thi

Sau khi đưa vào khai thác sử dụng sẽ tổ chức thu phí để thu hồi vốn là một trong những cơ chế đặc thù được đề xuất cho dự án vành đai 3 TP.HCM. Tuy nhiên, Chính phủ tính toán khi huy động vốn BOT với giá trị 13.806 tỷ đồng, dự án này cần tới 28 năm mới có thể thu hồi vốn.

Nếu Nhà nước đầu tư 100% với tổng số vốn là 75.378 tỷ đồng (gấp hơn 5 lần), Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc thu phí để hoàn vốn là khó khả thi.

Vì thế, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ tính toán lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp thay vì phương án đầu tư công. Cơ quan này đưa ra phép so sánh khi dự án vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội có suất đầu tư cao hơn 1,2 lần và lưu lượng phương tiện dự kiến chỉ bằng 0,8 lưu lượng vành đai 3 TP.HCM, nhưng phương án tài chính tính toán khả thi với thời gian thu phí 21 năm.

Hơn nữa, Kiểm toán Nhà nước e ngại khi đến nay chưa có quy định cụ thể về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư để làm cơ sở triển khai thực hiện, chưa kể phương án thu phí cần có cơ chế phân chia phù hợp Trung ương và địa phương, vì vốn đầu tư bao gồm ngân sách từ hai nguồn này.

Đối với cơ chế đặc thù cho phép các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án được nâng công suất lên 50% mà không cần phải lập dự án đầu tư điều chỉnh và đánh giá tác động môi trường, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ xem xét cân nhắc, bởi việc khai thác khoáng sản vượt sản lượng ghi trong giấy phép nhất thiết phải đánh giá tác động môi trường.

Có thể tiết kiệm 250 tỷ đồng

Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 3 TP.HCM, mặt cắt ngang của các đoạn đi thấp trong giai đoạn phân kỳ đang thiết kế dốc 2 mái mà chưa nghiên cứu, tính toán phương án thiết kế dốc 1 mái (tương tự mái dốc mặt đường của đoạn trên cao) để giảm chi phí bê tông nhựa bù vênh trong giai đoạn hoàn thiện.

Kiểm toán Nhà nước tính toán nếu sử dụng phương án thiết kế dốc một mái sẽ tiết kiệm khoảng 250 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan này lưu ý việc phần tuyến chính cao tốc không có làn dừng xe khẩn cấp sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, dễ bị ùn tắc khi có phương tiện chết máy trên đường.

Hoài Thu

ZING

Các tin tức khác

>   Vụ kiện liên quan giám đốc công ty BĐS tự tử tại tòa: Sudico được hưởng 150 tỷ đồng (27/05/2022)

>   TP.HCM nghiên cứu phát triển đô thị sân bay Tân Sơn Nhất (27/05/2022)

>   Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị rà soát các dự án FDI quy mô lớn, sử dụng nhiều đất (27/05/2022)

>   Nhà phố The Island: “Viên ngọc quý” của tổ hợp đô thị - giải trí Mũi Né Summerland (28/05/2022)

>   Thành phố sân bay - cực tăng trưởng mới của nền kinh tế năng động (25/05/2022)

>   Bắt giám đốc và đại diện pháp luật Công ty TNHH Địa ốc Tường Hy Quân (25/05/2022)

>   Kênh trú ẩn mới của nhà đầu tư khi chứng khoán biến động (26/05/2022)

>   Hạ tầng tăng tốc - đòn bẩy kinh tế cho đô thị Nam Sài Gòn (25/05/2022)

>   An Gia ra mắt villa, nhà phố biệt lập tại The Standard với số lượng giới hạn (24/05/2022)

>   IDJ chuẩn bị ra mắt dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp bậc nhất tại Phú Yên (23/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật