TPHCM: 22% hồ sơ nhà đất bị trả về để điều chỉnh giá giao dịch
Theo thống kê của Cục Thuế TPHCM, trong Quí I-2022, đơn vị này đã đề nghị điều chỉnh gần 10.900 trong tổng số hơn 48.300 hồ sơ, chiếm 22%.
Ảnh minh họa
|
Điều này có nghĩa, cứ khoảng 5 hồ sơ nộp lên có một bộ bị trả về để sửa giá. Số tiền thuế thu thêm được là 147 tỷ đồng, trong đó, riêng Chi cục thuế TP Thủ Đức đã trả gần 2.000 trong tổng số hơn 10.700 hồ sơ, thu thêm hơn 92 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Cục Thuế, người dân từ trước tới nay thường chuyển nhượng nhà đất theo giá thị trường rất cao nhưng khi khai với cơ quan thuế lại báo giá rất thấp. Với quy định mới, cán bộ thuế phải xác định giá phù hợp và thuyết phục người dân khai đúng nên khối lượng công việc rất lớn.
Hiện, để tính đúng giá trị kê khai trong hợp đồng mua bán bất động sản, cơ quan thuế dựa vào 3 nguồn dữ liệu chính, gồm: lịch sử giao dịch được kê khai trong thời gian gần nhất; một số hồ sơ đã kê khai và nộp tại cơ quan thuế của các bất động sản vị trí tương đồng; tra cứu giá phê duyệt của UBND thành phố với các dự án, hoặc giá đền bù thực tế của nhà nước, giá trên các website giao dịch...
Đối với hồ sơ không phải xem xét điều chỉnh giá, cơ quan này giải quyết trong 5 ngày. Nếu mức chuyển nhượng thấp hơn giá giao dịch thực tế, cơ quan thuế gửi giấy mời người dân lên xem xét lại. Trong 15 ngày, người dân không trả lời, cơ quan thuế mới trả hồ sơ cho văn phòng đăng ký đất đai đề nghị người nộp thuế bổ sung.
Từ giữa tháng 4 Cục Thuế TPHCM đã có văn bản gửi các chi cục thuế, trong đó nêu rõ "nghiêm cấm các trường hợp tùy tiện gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế như trả hồ sơ, mời người nộp thuế giải trình mà không nêu rõ lý do".
Theo đó, các trường hợp cơ quan thuế yêu cầu người nộp thuế giải trình phải có thư mời. Buổi làm việc cần được lập biên bản ghi nhận, kèm tài liệu chứng minh làm cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh thuế, kiểm soát sau (đối chiếu ngân hàng, phối hợp phòng công chứng, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai), tránh hồ sơ chậm trễ.
Trà Giang
SGĐTTC
|