'Chốt' thời hạn hai công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm bị mất cọc, hủy hợp đồng
Đến ngày 6/7, nếu Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega không trả đủ tiền trúng đấu giá 2 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ bị mất tiền đặt cọc, hủy hợp đồng mua bán.
Cưỡng chế 3.590 tỷ đồng
Chi cục Thuế TP. Thủ Đức đã chính thức ban hành quyết định cưỡng chế thuế hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm với số tiền phải nộp đợt 1 do quá hạn 90 ngày. Cụ thể, Chi cục Thuế TP. Thủ Đức đã ban hành quyết định 1572 về việc cưỡng chế số tiền thuế 1.794 tỷ đồng với Công ty CP Dream Republic và quyết định 1573 về việc cưỡng chế số tiền thuế 1.796 tỷ đồng với Công ty CP Sheen Mega.
Quyết định đồng thời được gửi đến các ngân hàng và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 6/5, cũng là ngày thứ 91 khoản nợ thuế phát sinh. Theo Chi cục Thuế TP. Thủ Đức, dù hứa sẽ nộp 100 tỷ đồng trước 30/4 để “thể hiện thiện chí” nhưng đến hôm nay, hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp khoản tiền này.
Đến ngày 6/7, nếu hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm không nộp tiền sẽ bị mất cọc và bị hủy hợp đồng.
|
Tuy nhiên, nếu hai doanh nghiệp có nộp khoản tiền này, cơ quan thuế vẫn ra quyết định cưỡng chế theo quy định của Luật quản lý thuế vì khoản nợ đã phát sinh trên 90 ngày.
Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2). Doanh nghiệp này phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.
Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2), đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở. Đến nay khoản phải nộp của đợt thanh toán đợt 1 và đợt 2 của hai doanh nghiệp này đều đã quá hạn.
Trước đó, ngày 7/4, Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega đã có văn bản xin kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất và các khoản phí liên quan, bao gồm tiền phạt chậm nộp đến tháng 9/2022. Cụ thể, tháng 4, hai doanh nghiệp này sẽ nộp 15% tổng số tiền, các tháng 5, 6, 7, 8 mỗi tháng nộp 17% và tháng 9/2022 sẽ thanh toán toàn bộ số tiền còn lại. Tuy nhiên, Cục Thuế TPHCM không đồng ý. Chậm nhất ngày 6/7, nếu hai doanh nghiệp không nộp đủ tiền sẽ bị mất tiền đặt cọc và bị hủy hợp đồng mua bán.
Hai doanh nghiệp này liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đằng sau cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm.
|
Hiện tại, cơ quan thuế vẫn đang tính tiền chậm nộp theo quy định là 0,03%/ngày. Việc tính chậm nộp cho đợt đầu tiên đã áp dụng từ ngày 6/2 và từ ngày 7/4, doanh nghiệp bị tính thêm tiền nộp chậm đợt 2. Hiện nay số tiền chậm nộp hai doanh nghiệp này phải trả là hơn 2,3 tỷ đồng/ngày.
Hai doanh nghiệp của Vạn Thịnh Phát?
Điều đáng nói cả hai Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega đều có liên hệ đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Cụ thể, một trong ba cổ đông sáng lập của Công ty CP Dream Republic là ông Đặng Minh Thắng. Ông Thắng lại là Tổng Giám đốc của một công ty có tên Innoware mà ở đó bà Trương Huệ Vân-cháu của bà Trương Mỹ Lan-là Thành viên HĐQT.
Còn Công ty CP Sheen Mega, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Huyền tham gia góp vốn sáng lập Đắc Vạn Hưng, đơn vị gián tiếp sở hữu cổ phần tại Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, chủ đầu tư dự án Sài Gòn Peninsula (quận 7, TPHCM) nhưng chưa thể triển khai nhiều năm qua và cũng từng được Vạn Thịnh Phát giới thiệu trên trang chủ của mình...
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương được xếp vào hàng những công ty gia đình giàu có và bí ẩn tại Việt Nam. Tập đoàn này được sở hữu và điều hành bởi bà Trương Mỹ Lan cùng chồng là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại Hồng Kông.
Năm 2007, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tham gia thành lập công ty con là Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty An Đông, hợp tác với Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam và Tập đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm công ty chuyên liên kết đầu tư bất động sản.
Hiện Vạn Thịnh Phát đang sở hữu nhiều dự án tọa lạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton… và sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, khu dân cư cao cấp Sterling Residence, khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza...
Tuy nhiên, đi cùng với đó là số nợ từ việc phát hành trái phiếu cũng phình to. Cụ thể, tại ngày 31/3, các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát đã phát hành 13.000 tỷ trái phiếu với kỳ hạn 18-36 tháng. Từ đầu năm 2022 đến 31/3, các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát phát hành 36.500 tỷ đồng và nếu tính cả năm 2021 thì con số này lên tới 81.300 tỷ.
Nhóm doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát liên tục phát hành trái phiếu để huy động vốn.
|
Những thương vụ đáng chú ý gồm, Công ty CP Thiết kế và Trang trí Nội thất Norah, một doanh nghiệp do bà Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan) đã hoàn tất thương vụ huy động 3.500 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu. Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông bán thành công lô 10.000 tỷ đồng (mã ADC-2019.01), đẩy dư nợ trái phiếu (đều có kỳ hạn 5 năm) lên tới gần 25.000 tỷ đồng…
Vào ngày 30/3, một nhóm doanh nghiệp gồm Công ty CP WorldWide Capital, Công ty CP Air Link và Công ty CP Xây Dựng Kiến Hưng Thịnh đã huy động thành công 10.830 tỷ đồng thông qua 6 lô trái phiếu. Các lô trái phiếu trên đều có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào ngày 30/9/2023. Toàn bộ số trái phiếu này đã được mua trọn trong vòng một ngày kể từ ngày phát hành. Thông tin về trái chủ, lãi suất, mục đích đều không được các doanh nghiệp công bố.
Đáng nói, quy mô trái phiếu phát hành của các công ty vừa nêu đều cao hơn nhiều so với số vốn điều lệ mà họ đang có. Cụ thể, Norah (3.500/1.200 tỷ đồng), Bông Sen Corp (6.400/4.777 tỷ đồng), Phú Châu (800/578 tỷ đồng), An Đông (25.000/9.000 tỷ đồng, Quang Thuận (4.500/2.610 tỷ đồng), Sunny World (3.100/1.500 tỷ đồng).
Duy Quang
Tiền phong
|