Sau lúa mì, Ấn Độ sắp hạn chế xuất khẩu đường
Là quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới, Ấn Độ sắp ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng này để bảo vệ nguồn cung thực phẩm trong nước.
Người nông dân thu hoạch mía tại Jalana, bang Maharashtra, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg
|
Động thái bảo hộ này xảy ra trong bối cảnh New Delhi vừa cấm xuất khẩu lúa mì. Ngay lập tức, giá đường đã tăng vọt.
Tờ Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin cho biết Chính phủ Ấn Độ đang có kế hoạch giới hạn xuất khẩu đường ở mức 10 triệu tấn cho năm tiếp thị kéo dài đến tháng 9 tới. Mục đích của dộng thái trên là nhằm đảm bảo kho dự trữ trong nước trước khi mùa đường tiếp theo bắt đầu vào tháng 10.
Nhân vật yêu cầu giấu tên này cho biết chính sách đó có thể được công bố trong những ngày tới. Ấn Độ là nhà xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil năm 2021. Các khách hàng hàng đầu của Ấn Độ gồm có Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Dubai.
Người phát ngôn của Bộ Lương thực và Bộ Thương mại của Ấn Độ hiện chưa đưa ra phản hồi về thông tin trên. Giá đường kỳ hạn giao dịch tại London đã tăng thêm 1%.
Đầu tháng 5, Ấn Độ đã khiến cả thế giới bất ngờ khi ban bố lệnh cấm xuất khẩu lúa mì do bị mất mùa, khiến giá tiêu chuẩn tăng vọt. Những tuần gần đây kể từ khi bất ổn ở Ukraine đẩy giá lương thực toàn cầu tăng vọt hơn nữa, chính phủ các nước, đặc biệt là ở châu Á, đã phải áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu hàng hoá. Điển hình, Indonesia đã cấm xuất khẩu dầu cọ, trong khi Malaysia ngừng xuất khẩu thịt gà.
Theo Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, Ấn Độ dự kiến sản xuất 35 triệu tấn trong mùa này và tiêu thụ 27 triệu tấn.
Việc ngừng xuất khẩu có thể sẽ tác động đáng kể đến thị trường đường toàn cầu do Ấn Độ là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn.
Hoàng Trang
Báo Tin tức
|