Những công trình làm thay đổi diện mạo TP.HCM: Hồi sinh đại lộ lịch sử
Mang dấu ấn trăm năm của Sài Gòn, đại lộ Lê Lợi từ cuối thế kỷ 19 đã là con đường trung tâm, náo nhiệt nhất TP. Sau 6 năm nhường chỗ cho công trình thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 với rào chắn lô cốt án ngữ, đường Lê Lợi đã hồi sinh.
Nhân chứng của những dấu mốc lịch sử
“Mình chỉ muốn ghi lại khoảnh khắc này để làm kỷ niệm. Đã 6 năm rồi mới lại được thấy con đường này đẹp như vậy”, cầm điện thoại chụp hình, quay phim, chị N.T.H.Oanh (ngụ Q.1, TP.HCM) không giấu nổi xúc động trong ngày Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chính thức hoàn thành công tác tái lập, bàn giao mặt bằng đoạn từ ngã tư Lê Lợi - Pasteur đến ngã tư Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
|
Đường Lê Lợi sau khi tháo rào chắn thi công metro (ảnh chụp ngày 28.4). Ảnh: Ngọc Dương
|
25 năm sống trên tuyến đường sầm uất bậc nhất TP, chị Oanh dùng từ “chật vật” khi nói về quãng thời gian 6 năm tuyến đường bị rào chắn, phục vụ thi công tuyến metro số 1. Lô cốt bít tới cửa nhà, chỉ để khoảng 1 m đủ cho 1 chiếc xe máy chạy qua, mặt bằng nhà chị Oanh vốn đang buôn bán rất tốt, phải đóng cửa bỏ không. Gia đình cũng phải chuyển hướng, tìm việc khác để đảm bảo ổn định thu nhập. Nhường mặt bằng cho lô cốt, cả tuyến đường thường xuyên trong tình trạng ùn tắc, khói bụi mù mịt, ô nhiễm môi trường, mọi hoạt động sinh hoạt vô cùng bất tiện.
Đường Lê Lợi có lịch sử lâu đời TL
|
“6 năm tuyến đường thi công cũng là 6 năm người dân nơi đây trầy trật sống trong khó khăn, không buôn bán được, mặt bằng cũng không ai thuê. Từ nửa tháng trước, họ (đơn vị thi công - PV) thông báo chuẩn bị tháo dỡ rào chắn, họ phấn khởi lắm. Mọi người buôn bán, làm ăn lại được rồi. Con đường đẹp, người dân, khách du lịch sẽ quay trở lại đây nhiều hơn, cuộc sống sẽ tốt hơn rất nhiều”, chị Oanh chia sẻ.
Vốn được coi là một trong những nhân chứng lịch sử cho quá trình phát triển của TP.HCM, đại lộ Lê Lợi theo tư liệu ghi lại là con đường được người Pháp khởi lập từ cuối thế kỷ 19 với tên gọi Boulevard Bonard thời Pháp và đại lộ Lê Lợi từ năm 1955 cho đến nay đã chứng kiến sự phát triển của TP.HCM suốt hơn một thế kỷ qua. Thế kỷ 19, sau khi người Pháp chiếm Sài Gòn thì đường thủy vẫn là phương tiện giao thông chính để vận chuyển hàng hóa thông qua hệ thống rạch có sẵn, cùng với những kênh được đào rồi lại lấp.
Năm 1867, Kênh Lớn được đào, sau đó bị lấp năm 1887 để thành Boulervard Charner, tức đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay, còn kênh Coffyn dài khoảng 1 km được lấp năm 1892 để thành Boulevard Bonard, tức đại lộ Lê Lợi ngày nay. Nguyễn Huệ và Lê Lợi là 2 con đường giao nhau tại trục đường chính của Sài Gòn được người Pháp xây dựng ở trung tâm gần phía sông. Từ đầu thế kỷ 20, hai con đường này đã trở thành trục đường sầm uất nhất của Sài Gòn nhờ một đầu là chợ Bến Thành và ga xe lửa, đầu kia là Nhà hát Lớn.
Cho đến năm 2016, khi rào chắn tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP được dựng lên, khu vực này trở thành điểm đen ùn tắc giao thông khu vực nội đô. Hằng ngày, xe cộ lưu thông qua tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Pasteur ùn ứ, nhích từng chút một, đặc biệt vào giờ cao điểm. Loạt cửa hàng, hộ kinh doanh tại khu vực này gần như chết lâm sàng. Mở cửa là thấy lô cốt, đi lại còn khó, nói gì tới giao dịch, buôn bán.
“Tháo dỡ rào chắn, tái lập phần lớn mặt bằng đường Lê Lợi trước ngày lễ 30.4 có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện khai thác giao thông trở lại và hỗ trợ các hộ kinh doanh dọc tuyến đường Lê Lợi. Những cột mốc lớn này góp phần đưa dự án tuyến metro số 1 tăng tốc về đích, sớm đưa cuộc sống người dân phát triển tốt hơn”, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, nhấn mạnh như vậy trong buổi lễ bàn giao mặt bằng ngày 27.4 vừa qua.
Cũng theo vị này, 2 đoạn còn lại nối tiếp từ ngã tư Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến giữa ngã ba Lê Lợi - Phan Bội Châu, kéo tới chợ Bến Thành và toàn bộ khu vực xung quanh vòng xoay Quách Thị Trang sẽ hoàn tất công tác tái lập, hoàn trả mặt bằng vào lễ 2.9. Theo dự kiến, đường Lê Lợi sau khi nhận lại toàn bộ mặt bằng sẽ được TP chỉnh trang, kết nối cùng đường Nguyễn Huệ tạo thành không gian đi bộ tại khu vực trung tâm, kết hợp mua sắm, thương mại. Đại lộ sầm uất một thời của TP.HCM sẽ hồi sinh với một phiên bản mới hơn, đẹp hơn, hiện đại hơn.
TP.HCM sẽ có biểu tượng mới
Rào chắn metro được tháo dỡ, một trong những điều mà người dân TP trông ngóng nhất đó là hình hài của vòng xoay Quách Thị Trang ngày trở lại. Ngày 18.2.2017, vòng xoay Quách Thị Trang được phá dỡ để xây dựng nhà ga ngầm trung tâm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. “Cái bùng binh nó năm bảy ngã, bậu thương đó rồi đâu dễ nào quên…”, một nhà văn đã từng nói về “cuộc chia ly” giữa cái vòng xoay hai chiều xe cộ xuôi ngược và công viên Quách Thị Trang - công viên đã gắn với dân Sài Gòn 100 năm có lẻ.
Lịch sử của công trường Quách Thị Trang gần như song hành với lịch sử chợ Bến Thành. Thời Pháp thuộc, khu đất công cộng mặt tiền chợ được gọi chính thức là Place d’Eugène Cuniac (“công trường Eugène Cuniac”), theo tên của thị trưởng TP Sài Gòn là François-Jean-Baptiste Cuniac. Năm 1955, chính quyền quốc gia cho đổi tên địa điểm này thành công trường Diên Hồng. Ngày 25.8.1963, trong cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ, chống thiết quân luật tại công trường, nữ sinh Quách Thị Trang bị cảnh sát bắn chết. Tháng 8.1964, một hội sinh viên đã quyên góp tiền để tạc và dựng tượng Quách Thị Trang, từ đó người dân Sài Gòn bắt đầu gọi khu vực này là công trường Quách Thị Trang (hay bùng binh Quách Thị Trang).
Trước năm 2017, công trường này là một nút giao thông cùng mức dạng vòng xoay, là nơi giao nhau của nhiều con đường như Lê Lai, Lê Lợi, Huỳnh Thúc Kháng, Hàm Nghi và Trần Hưng Đạo. Để tạo mặt bằng cho việc thi công nhà ga ngầm của tuyến đường sắt đô thị số 1, người ta cho quây rào hầu hết diện tích công trường và phá bỏ đảo giao thông. Tượng Quách Thị Trang dời về công viên Bách Tùng Diệp và tượng Trần Nguyên Hãn cũng phải dời về công viên Phú Lâm ở Q.6. Bởi vậy, không ít người đã gắn bó và yêu thương mảnh đất Sài Gòn này đang mong chờ từng ngày để được nhìn lại biểu tượng một thời của TP, gắn với “nhiệm vụ mới” vô cùng quan trọng - ga ngầm metro, đầu mối kết nối nhiều tuyến metro của TP.HCM. Theo quy hoạch, sau khi hoàn thành ga ngầm metro Bến Thành, chợ Bến Thành, trụ sở Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn là công trình kiến trúc có giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật bảo tồn. Khu vực vòng xoay Quách Thị Trang cũ sẽ được bố trí thành quảng trường công cộng, điểm nhấn cho cảnh quan khu vực, đồng thời cũng là điểm giao thông kết nối giữa đường Phạm Hồng Thái và đường Hàm Nghi.
Theo đồ án 930 ha, khu vực chợ Bến Thành - công viên 23 tháng 9 - đường Lê Lợi, sẽ là vùng giao thoa đa chức năng công cộng như công viên, quảng trường, đường đi bộ, trung tâm thương mại, hệ thống ga tàu điện ngầm. TP đang tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch không gian ngầm để có ý tưởng toàn diện hơn, kết nối được các không gian ngầm với nhau, phát huy được nhiều chức năng của đô thị như không gian thương mại, văn hóa, không gian đi bộ, kết nối với các tầng ngầm của các công trình xung quanh... Nhà ga Bến Thành tại khu vực quảng trường Quách Thị Trang được kỳ vọng sẽ trở thành công trình mang tính biểu tượng mới cho TP.HCM.
Đại diện Sở QH-KT TP.HCM
|
Hà Mai
Thanh niên
|