Doanh nghiệp cao su kín đơn hàng đến cuối năm
Ngày 30-5, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco), cho hay đến nay, toàn bộ sản lượng cao su mà công ty dự kiến thu hoạch và chế biến trong năm 2022 đều đã có hợp đồng xuất khẩu.
Donaruco có 10 nông trường cao su, diện tích gần 34.000 ha, trong đó có 17.000 ha đang khai thác cung cấp 70% nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, còn lại doanh nghiệp (DN) thu mua của các nông hộ trong vùng. Để bảo đảm chất lượng nguyên liệu, DN thường xuyên hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, cạo mủ và thu mua với giá hợp lý để nông dân gắn bó với nhà máy.
Chế biến cao su tại Đồng Nai
|
Ông Nguyễn Minh Đoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cao su Bà Rịa, cũng cho biết DN không lo đầu ra vì đã ký được hợp đồng tiêu thụ dài hạn ở các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... "So với cùng kỳ năm ngoái, 5 tháng đầu năm, giá cao su xuất khẩu bình quân chỉ tăng nhẹ trong khi chi phí đầu vào tăng rất nhiều, như hóa chất tăng 30%-50%. Do đó, để thực hiện chỉ tiêu về lợi nhuận được giao, DN phải tính toán, cắt giảm các chi phí không cần thiết để giữ giá thành" - ông Đoan bày tỏ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su 4 tháng đầu năm 2022 đạt 492.000 tấn và 869 triệu USD, tăng 5,1% về khối lượng và tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Tin-Ảnh: V.Ngọc
Người lao động
|