Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ vào tháng 6
Ngày 30/5, Bộ Công Thương cho biết sau 7 tháng làm việc hết sức công tâm, trách nhiệm, Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được hoàn thiện...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại cuộc họp
|
Để phục vụ quá trình sửa đổi Luật, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bên liên quan tiến hành thực hiện báo cáo nghiên cứu tổng kết việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010; rà soát các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổng kết kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời chủ trì các hội thảo, toạ đàm với các chuyên gia nước ngoài, đồng thời tổ chức các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực thi hiệu quả pháp luật và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với một số quốc gia trên thế giới và trong khu vực ASEAN.
Tiến hành đồng thời nhiều hoạt động lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và tài liệu liên quan theo quy định tại Điều 57 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015… cũng như xin ý kiến của tất cả các đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan…
Tới thời điểm hiện tại, các báo cáo tiếp thu của Bộ Công Thương đã ghi nhận ý kiến đóng góp của 21/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 54/63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và nhiều ý kiến đóng góp của công ty luật, doanh nghiệp, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức quốc tế và nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Theo đó, cơ quan soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trình Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 16 tháng 5 năm 2022, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 83/BCTĐ-BTP báo cáo thẩm định dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, so với Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, các điều khoản trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở rà soát, đánh giá, đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và bám sát 07 Nhóm Chính sách đã được phê duyệt tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)…
Tại cuộc họp cuối (từ 25 đến 27 tháng 5 năm 2022), các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tập trung thảo luận tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn thiện dự án Luật.
Trong đó, một số vấn đề được quan tâm như hoàn thiện các quy định về hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi các quy định có liên quan; hoàn thiện các quy định liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp.
Bổ sung quy định về vai trò hỗ trợ của cơ quan nhà nước, vai trò của tổ chức xã hội trong công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phù hợp với thực tiễn.
Hoàn thiện các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế. Hoàn thiện quy định về vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá, sau 7 tháng thành lập, Ban Soạn thảo và Tổ biên tập Dự án Luật bảo về người tiêu dùng (sửa đổi) đã làm việc hết sức công tâm, trách nhiệm, xây dựng lên Dự thảo Luật với nhiều điểm mới, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để Dự án Luật đảm bảo tiến độ trình các cấp có thẩm quyền, ông Tân yêu cầu Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp tục tiếp thu ý kiến của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tại cuộc họp nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật đảm bảo chất lượng, tiến độ và bổ sung các tài liệu liên quan Hồ sơ dự án Luật để chuẩn bị trình Chính phủ.
Dự kiến, trong tháng 6 năm 2022, hồ sơ Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ xem xét.
Vũ Khuê
VnEconomy
|