Rất khó 'ngang hàng'
Một trong những hoạt động công nghệ tài chính mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn thử nghiệm và đang mời mọi người góp ý là hoạt động cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending – P2P lending). Nếu như cách đây năm mười năm, rất dễ liệt kê các ưu điểm của hoạt động cho vay ngang hàng như các gạch đầu dòng của một giấc mơ tuyệt đẹp kết nối người muốn vay và người cho vay không cần qua trung gian ngân hàng thì nay giấc mơ đó đã biến thành ác mộng khi đời thực luôn rắc rối, đầy cạm bẫy, nhiều kẻ xấu chứ không lý tưởng như giới công nghệ từng hình dung.
Gặp nhau bằng công nghệ
Có hai loại người: một bên có tiền, muốn cho vay để kiếm lãi; một bên kẹt tiền muốn tìm nơi cho vay. Nhưng xưa nay hai loại người này ít khi trực tiếp gặp nhau, họ đều phải đến ngân hàng, người có tiền đem tiền vào gửi, người thì đợi ngân hàng lấy tiền đó cho họ vay và dĩ nhiên ngân hàng ở giữa sẽ ăn chênh lệch lãi suất giữa lãi trả cho người gửi tiền và lãi tính cho người đi vay.
Đến khi Internet bùng nổ, con người kết nối trực tiếp với nhau một cách dễ dàng nên công nghệ thúc đẩy sự ra đời của các dịch vụ kết nối kiểu đó trên quy mô lớn, như gọi xe công nghệ, cho thuê nhà ngắn hạn, giao thức ăn… và trong lĩnh vực tài chính là cho vay ngang hàng. Thử hình dung có một trang web nơi người có tiền nhàn rỗi vào dạo quanh, thấy ai cần vay tiền mà có vẻ đàng hoàng, đáng tin cậy thì cho họ vay, người cần tiền cũng vào rao lên nhu cầu và chờ có người rót tiền cho mình vay. Vì không cần trụ sở, không cần nhiều nhân viên giao dịch… nên chi phí của dịch vụ sẽ rất thấp; đồng nghĩa người vay sẽ chịu lãi thấp hơn và người cho vay hưởng lãi cao hơn so với thông qua ngân hàng.
Với một hình dung lý tưởng như thế, thật khó kể hết các ưu điểm của hình thức cho vay này. Ngân hàng thường thích cho vay các khoản tiền lớn vì cho một người vay 100 tỉ đồng sẽ dễ hơn, chi phí quản lý sẽ thấp hơn cho 100 người vay mỗi người 1 tỉ đồng. Các khoản vay một vài triệu đồng ngân hàng không thèm để mắt và người vay thường phải xoay xở với các đám cho vay nặng lãi. Với hình thức cho vay ngang hàng có sự hỗ trợ của công nghệ, các khoản vay nhỏ vài ba triệu đồng là hoàn toàn khả thi. Người có tiền cũng không dồn hết cho một phi vụ cho vay, họ có thể chia nhỏ ra, mỗi địa chỉ họ chọn chỉ cho vay 1 triệu đồng chẳng hạn, nên khoản tiền 100 triệu đồng dành dụm của họ rải đều ra cho 100 người vay. Lỡ một hai người mất khả năng chi trả họ cũng không mất hết tiền.
Cũng như gọi xe công nghệ, chỉ cần mở ứng dụng ra, người cho vay có thể đọc từng khoản muốn vay để đánh giá mức độ rủi ro; người đi vay mở hồ sơ trực tuyến, khỏi cần đi lại nhiều lần. Hai bên có thể gặp nhau qua các nút bấm, cứ thế tiền vay được giải ngân, tiền lãi chuyển về tài khoản… như một phép lạ công nghệ số.
Đời thật không như là mơ
Tuy nhiên phép lạ công nghệ số này hóa ra không lý tưởng như nhiều người kỳ vọng. Khiếm khuyết lớn nhất nằm ngay trong nền tảng ứng dụng. Các FinTech làm ứng dụng cho vay ngang hàng có một động lực lấn lướt mọi mục tiêu khác: tăng trưởng cả số lượng người vay và người cho vay lẫn doanh số cho vay càng nhiều, càng nhanh, càng mạnh chừng nào tốt chừng đó. Khả năng gọi vốn của họ phụ thuộc vào tiêu chí này. Mô hình chung của các ứng dụng công nghệ mang tính kết nối là chạy theo tăng trưởng bất kể lời lỗ. Với nền tảng cho vay ngang hàng, nhấn mạnh đến yếu tố tăng trưởng tức sẽ phải giảm nhẹ quan ngại về chất lượng tín dụng của các khoản cho vay, giảm nhẹ việc rà soát, lọc bớt các rủi ro, kể cả các bước kiểm tra uy tín tín dụng của người đi vay.
Với khiếm khuyết mang tính cơ hữu này, không lạ gì hoạt động cho vay ngang hàng đầy những câu chuyện thất bại, từ lãi quá cao đến lừa đảo, từ người đi vay vỡ nợ đến người cho vay mất trắng tiền. Đối tượng mà nhiều nước hướng đến khi cho phép thử nghiệm hình thức cho vay ngang hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại không thể tiếp cận nguồn vốn thông qua nền tảng này.
|
Với khiếm khuyết mang tính cơ hữu này, không lạ gì hoạt động cho vay ngang hàng đầy những câu chuyện thất bại, từ lãi quá cao đến lừa đảo, từ người đi vay vỡ nợ đến người cho vay mất trắng tiền. Đối tượng mà nhiều nước hướng đến khi cho phép thử nghiệm hình thức cho vay ngang hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại không thể tiếp cận nguồn vốn thông qua nền tảng này. Trong thực tế, các nền tảng cho vay ngang hàng rất khó thu hút khách, cả người bỏ tiền đầu tư và người đi vay vì chi phí để tiếp cận là khá cao trong khi khoản tiền họ bỏ vào nền tảng là khá nhỏ.
Ngay trong tờ trình NHNN trong đó có soạn thảo đi kèm với dự thảo nghị định liên quan đến hoạt động cho vay ngang hàng, NHNN cũng nhận định “một số công ty lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending lợi dụng sự thiếu kiến thức, hiểu biết của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư mô hình cho vay này hoặc lừa dối người vay về lãi suất “thấp”, điều kiện vay ưu đãi trong khi tính và áp dụng mức lãi suất thực tế cao “cắt cổ”, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân”.
Ràng buộc đến mức không khuyến khích
Hiện nay nhiều nước chủ trương quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay ngang hàng đến mức tối đa như ở Mỹ không cho phép nền tảng cho vay ngang hàng trực tiếp ghi nhận việc bên cho vay cấp tín dụng cho bên đi vay mà phải thông qua một ngân hàng. Trung Quốc sau một thời gian cho thử nghiệm thoải mái nay cấm luôn cho vay ngang hàng. Thiết nghĩ việc thiết kế một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho hoạt động cho vay ngang hàng càng có nhiều ràng buộc càng tốt để tránh thiệt hại cho người dân.
Đầu tiên là không để nơi tổ chức nền tảng cho vay ngang hàng trốn tránh trách nhiệm theo kiểu lập luận như ứng dụng gọi xe công nghệ cho rằng họ không phải là công ty vận tải, rằng họ chỉ là bên kết nối, cung cấp giải pháp công nghệ, hai bên kia mới đúng là bên cho vay và bên đi vay. Nhà nước không thể buộc hàng chục ngàn người tham gia các nền tảng loại này chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định; địa chỉ chịu trách nhiệm đầy đủ trước tiên phải là các nền tảng ứng dụng.
Các ràng buộc khác thì nên tham khảo kinh nghiệm của các nước đi trước mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có tổng hợp vào một tài liệu tham khảo gần đây. Ví dụ cấm các nền tảng cho vay ngang hàng hứa hẹn bảo đảm một mức lãi cho người bỏ tiền vào đầu tư. Loại hứa hẹn này trong thực tế thường nhằm đạt mức tăng trưởng ấn tượng để thu hút nguồn vốn nhưng cũng thường dẫn đến tình trạng lấy tiền của người đến sau trả lãi cho người trước như một dạng lừa đảo Ponzi. Các hình thức kinh doanh đa cấp trái phép từng diễn ra ở nước ta cho thấy người dân rất dễ bị lôi kéo vào một hoạt động như thế nếu được hứa hẹn lãi cao. Buộc các nền tảng cho vay ngang hàng phải có sự tham gia của bên cho vay, tức các nhà đầu tư nhỏ lẻ trực tiếp chọn dự án để cho vay cũng là cách hạn chế các nền tảng này hoạt động như một tổ chức tín dụng huy động vốn và cho vay trái phép.
Xu hướng chung của hoạt động cho vay ngang hàng trên thế giới là đang thoái trào sau một số năm khá sôi nổi. Sự thoái trào đó có thể do siết lại việc quản lý như ở Trung Quốc, Indonesia; các nền tảng lớn tự chấm dứt hoạt động do không thể kiểm soát rủi ro người đi vay mất khả năng chi trả, không còn thấy đây là dịch vụ có thể đem lại cho họ sự tăng trưởng như kỳ vọng. Các tên tuổi lớn trong làng cho vay ngang hàng như Zopa, RateSetter ở Anh hay LendingClub ở Mỹ đã chấm dứt hoạt động cho vay nhỏ lẻ như thế để chuyển sang các hoạt động khác. Nhiều nền tảng khác liên kết với các ngân hàng để chuyển từ cung cấp dịch vụ kết nối sang đánh giá tín dụng khách hàng. Việc cho phép thí điểm, thiết nghĩ, nên chú ý đến xu hướng này để khỏi lỡ nhịp.
Nguyễn Vũ
TBKTSG
|