Nhiều mặt hàng tăng tốc, xuất khẩu quý đầu năm tăng trưởng gần 13%
Hầu hết các nhóm hàng chủ lực đều đạt mức tăng trưởng cao trong quý 1/2022 đã giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc, tạo thặng dư trong cán cân thương mại.
Xuất khẩu tiếp tục khởi sắc trong quý 1/2022. (Ảnh: TTXVN)
|
Mặc dù chịu nhiều tác động bởi dịch COVID-19 cộng với chi phí vận chuyển tăng cao nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1/2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Nông sản, dầu thô… được lợi về giá
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2021 hồi phục mạnh mẽ, ước đạt 34,06 tỷ USD, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tăng cả về lượng và giá ở nhiều nhóm hàng, đặc biệt ở một số nhóm mặt hàng như nông sản, dầu thô, xăng dầu, phân bón, chất dẻo…
Tính chung quý đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ.
Về mặt hàng, xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản quý 1/2022 ước đạt 7,27 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết tình hình tiêu thụ nông sản trong 3 tháng đầu năm rất tốt. Đơn cử, càphê tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về kim ngạch; hạt tiêu tăng 40,8% về kim ngạch xuất khẩu; gạo tăng 24% về lượng và tăng 10,5% về kim ngạch xuất khẩu…
“Trong khi tăng trưởng xuất khẩu chung của các mặt hàng là 10%, riêng tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản tới 19,7%,” ông Trần Thanh Hải cho hay.
Ngoài nhóm hàng trên, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả tích cực và cũng là nhóm hàng dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành khi đóng góp tới 76,18 tỷ USD (tăng 11,6% so với quý 1/2021).
Bên cạnh đó, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản... tăng cao cả về lượng và giá trị.
Trong quý 1, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,57 tỷ USD, chiếm 28,87% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 9,2%; thị trường EU đạt 11,21 tỷ USD, tăng 16,3%...
Ngoài ra, thị trường Nhật Bản cũng ghi nhận nhiều yếu tố thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản (Bộ Công Thương) cho biết Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn các sản phẩm nông thủy sản-thực phẩm nước ngoài, trong đó Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng đó và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường này.
“Trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới bị ảnh hưởng chung, thị trường Nhật Bản vẫn là điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ,” đại diện Thương vụ tại Nhật Bản thông tin.
Đẩy mạnh tận dụng các FTA
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2022 ước đạt 32,67 tỷ USD, tăng 28,7% so với tháng trước. Tính chung quý 1/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tháng 3 ước xuất siêu 1,39 tỷ USD. Cộng dồn trong quý 1/2022, cả nước xuất siêu 809 triệu USD.
“Trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,16 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,97 tỷ USD,” đại diện Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song trước những diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới, nhất là xung đột chính trị tại một số quốc gia và xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, hoạt động thương mại của Việt Nam được dự báo vẫn tiềm ẩn nhiều trở ngại.
Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Tất Thắng (nguyên chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công Thương) nhận định thời gian tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng chi phí sản xuất tăng cao do biến động tăng giá nhiên liệu thế giới.
Bên cạnh đó, chi phí logistics vẫn neo ở mức cao từ cuối năm ngoái đến nay tiếp tục làm tăng giá thành cho doanh nghiệp. Chưa kể, những căng thẳng trên thị trường thế giới do xung đột Nga-Ukraine đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế thế giới nói chung, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta nói riêng.
Vì vậy, ông Phạm Tất Thắng cho rằng ngoài việc khai thác tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết, các doanh nghiệp cần tập trung các giải pháp để quản trị rủi ro, giảm thiểu những tác động từ bên ngoài cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cũng giao các đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu các biến động thị trường, qua đó xây dựng các kịch bản, tham mưu kịp thời cho Chính phủ trong điều hành hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Bên cạnh đó, xác định các FTA vẫn là đòn bẩy quan trọng cho hoạt động xuất khẩu thời gian tới, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai tuyên truyền về các lợi thế để doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Liên quan tới việc hỗ trợ, tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng số, Thương mại điện tử, bán hàng online, Bộ Công Thương đã kết nối, ký hợp tác với những “người bạn khổng lồ” như Amazon Global Selling nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này.
“Có một số mặt hàng, hoạt động xúc tiến thương mại bắt buộc phải trực tiếp, đưa mặt hàng trực tiếp đến người khách hàng, nhưng biện pháp Thương mại điện tử chắc chắn vẫn là xu hướng cần được đẩy mạnh,” Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Đức Duy
Vietnam+
|