Thứ Sáu, 01/04/2022 07:15

Doanh nghiệp thu hẹp sản xuất vì thiếu nguyên liệu

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước đang đứng ngồi không yên khi phải cắt giảm sản xuất, do khan hiếm nguyên liệu để chế biến. Thậm chí, ngành điều còn phải “xin” giảm chỉ tiêu xuất khẩu do gặp khó về thị trường tiêu thụ, giá giảm mạnh.

“Đóng cửa” rừng vì giá thu mua giảm

Ông Nguyễn Nị, Chủ tịch Hiệp Hội dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi cho biết, dù trên địa bàn tỉnh mới bước vào đầu mùa khai thác gỗ keo, nhưng nhiều hộ dân, chủ rừng đang dừng khai thác do giá thu mua liên tục giảm. Thực tế này khiến vụ khai thác cho ngành chế biến dăm gỗ ở Quảng Ngãi trở nên đìu hiu.

Theo ông Nị, tỉnh Quảng Ngãi có 198.000ha rừng keo, phục vụ cho ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Những đợt mưa bão trong 2 năm qua khiến gần 100.000 ha rừng vùng nguyên liệu gãy đổ, ảnh hưởng đến nguồn cung. Đặc biệt, những ngày gần đây giá thu mua keo trên địa bàn tỉnh liên tục giảm, chi phí vận chuyển phát sinh khi giá xăng tăng nên các chủ rừng “đóng cửa” chờ giá thu mua hợp lý mới khai thác trở lại. Tại huyện Sơn Hà, giá thu mua gỗ keo liên tục giảm. Có nơi giá mua gỗ keo giảm 5 lần.

Nhiều DN chế biến xuất khẩu gỗ phải ngưng sản xuất do thiếu nguyên liệu

“Giá thu mua xuống thấp khiến nhiều nhà máy không thể thu mua được nguyên liệu để chế biến dăm gỗ nên sản lượng trong 3 tháng đầu năm thấp hơn năm ngoái. Ngành chế biến dăm gỗ của tỉnh cũng đìu hiu chưa từng có. Nếu kéo dài, sắp tới hàng xuất khẩu cũng sẽ giảm mạnh”, ông Nị cho hay.

Bà Phan Thị Thanh Trúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam cho biết, doanh nghiệp (DN) đang trong quá trình hồi phục thì gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào khiến sản xuất bị chững lại.

Theo bà Trúc, hiện DN phải vừa tìm nơi cung cấp nguyên liệu thay thế, vừa đối mặt tình trạng giá nguyên liệu tăng phi mã. “Trong tháng 4 nguồn gỗ dự trữ của chúng tôi vẫn còn để sản xuất, nhưng qua tháng 5, và tháng 6, khi gỗ nguyên liệu dự trữ tại các nhà máy hết, chắc chắn phải nhập khẩu số lượng lớn và giá có thể bị đẩy lên. Đến nay, nhà máy của công ty buộc phải thu hẹp sản xuất”, bà Trúc cho hay.

Xin giảm chỉ tiêu xuất khẩu

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) “xin” giảm chỉ tiêu xuất khẩu điều năm nay từ 3,8 tỷ USD xuống còn 3,2 tỷ USD.

Theo ông Công, vào đầu năm 2022, lãnh đạo ngành điều tỏ ra rất lạc quan rằng sẽ tiếp nối một năm bội thu khi xuất khẩu điều năm ngoái đạt mức kỷ lục 3,64 tỷ USD trước sự hồi phục từ các thị trường. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng giữa Nga-Ukraine đang khiến nhu cầu nhập hàng từ các đối tác ở châu Âu có thể bị ảnh hưởng trong khi đây là thị trường tiêu thụ 35% sản lượng xuất khẩu điều của Việt Nam.

“Chúng tôi không thể đoán trước được những rủi ro trong tương lai nên việc điều chỉnh trong bối cảnh này là cần thiết để phù hợp với thực tế. Nếu đến giữa năm 2022, tình hình thế giới ổn định, Vinacas sẽ có đánh giá lại”, ông Công nói.

Không chỉ đầu ra tiêu thụ gặp khó, trong những ngày gần đây giá điều trong nước đang giảm mạnh, khiến người trồng đứng ngồi không yên. Ông Vũ Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Long Sơn cho biết, đầu vụ năm nay giá thu mua hạt điều tươi đạt khoảng 28.000 đồng/kg nhưng vào thời điểm chính vụ hiện nay, giá chỉ còn khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg.

Theo ông Sơn, giá điều giảm mạnh do thời tiết liên tục mưa, dẫn tới một số doanh nghiệp không đủ sân để phơi. Ngoài ra, việc xuất khẩu điều nhân còn gặp khó khăn nên lượng thu mua của các doanh nghiệp cũng giảm hơn so với mọi năm.

“Trong bối cảnh, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng cao, giá hạt điều tươi giảm sâu ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của gia đình trồng điều. Nhiều hộ có thể chặt phá, chuyển đổi sang cây khác như từng xảy ra trong mùa vụ 2018, dẫn tới có thể thiếu nguồn cung trong vụ tới”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, giá xăng dầu đang tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của người dân.

Thông thường, sau Tết Nguyên đán, người nuôi tôm, cá sẽ tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, chuẩn bị mọi điều kiện cho vụ nuôi mới. Tuy nhiên, với việc giá xăng tăng cao kéo theo chi phí thuê cải tạo tăng dẫn tới nhiều hộ chưa dám tái vụ. Đặc biệt, hiện tại có hàng nghìn tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung phải nằm bờ do giá nhiên liệu leo thang, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung cho các doanh nghiệp.

Dương Hưng

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Lần đầu giảm thuế môi trường, giá xăng giảm hơn 1,000 đồng/lít (01/04/2022)

>   Ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long đã thiếu trách nhiệm trong vụ Việt Á (31/03/2022)

>   Hà Nội: Phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đi qua 13 quận, huyện (31/03/2022)

>   Vi phạm trong phát triển điện mặt trời, Bộ Công thương nói gì? (31/03/2022)

>   Vượt 'bão' COVID-19: Xuất khẩu dệt may giữ vững tăng trưởng (31/03/2022)

>   Doanh nghiệp thuỷ sản "ngóng" giải pháp đột phá trong phát triển cảng biển, logistics đồng bằng sông Cửu Long (31/03/2022)

>   Cục Hàng không Việt Nam họp khẩn về giám sát hoạt động của Bamboo Airways (31/03/2022)

>   VinaCapital: Do Covid, khách du lịch Trung Quốc khó quay lại Việt Nam trong năm 2022 (30/03/2022)

>   Nghịch lý lỗ - lãi doanh nghiệp FDI (30/03/2022)

>   Tổng thống Joe Biden nhắc đến VinFast sau khi đạt thỏa thuận xây dựng nhà máy 4 tỷ USD (30/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật