Thứ Bảy, 09/04/2022 20:34

Nhà đầu tư ngắn hạn có nguy cơ mất vốn sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần

Ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với ý định đầu tư ngắn hạn, một nhà đầu tư có nguy cơ không hoàn được vốn.

Nhà đầu tư ngắn hạn có nguy cơ mất vốn sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần

Ảnh minh họa

Từ đầu tư trái phiếu thành chuyển nhượng cổ phần

Bà L.T.M.N (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phản ánh đến báo Pháp luật Việt Nam trường hợp của mình, bà N lo lắng khi khoản đầu tư của mình có nguy cơ không hoàn được vốn. Theo bà N, tháng 9/2020 bà có khoản tiền nhàn rỗi nên muốn đầu tư ngắn hạn. Có quen biết từ trước với ông Trịnh Công Kỳ - Giám đốc phòng Giao dịch Hồ Gươm của một ngân hàng, ông Kỳ có giới thiệu cho bà N khoản đầu tư trái phiếu với số tiền 3.000.000.000 đồng (3 tỷ đồng), lãi suất 10%/năm trong kỳ hạn 100 ngày. Bà N đồng ý đầu tư khoản tiền trên để mua trái phiếu do ngân hàng phát hành. Tuy nhiên sau đó, ông Kỳ có giới thiệu cho bà N đầu tư khoản tiền trên qua kênh khác.

“Ngày 26/9/2022, ông Kỳ có giới thiệu cho tôi gặp và làm hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Công ty cổ phần Thủy điện Tây Bắc với vợ chồng ông Nguyễn Tiến Hưng. Theo hợp đồng, tôi sẽ chuyển cho ông Hưng số tiền 3 tỷ đồng, sau 100 ngày ông Hưng buộc phải mua lại số cổ phần đã chuyển nhượng và trả lại tôi 3 tỷ đồng cùng khoản tiền lãi là 85 triệu đồng. Khoản tiền đầu tư của tôi được ông Hưng sử dụng vào mục đích huy động vốn thực hiện dự án của Công ty cổ phần Thủy điện Tây Bắc. Ông Hưng cam kết chuộc lại số cổ phần trên theo đúng thỏa thuận. Do tin tưởng ông Kỳ và ông Hưng nên tôi đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng.”, bà N cho biết.

Khi hết thời hạn 100 ngày, phía ông Hưng không có bất cứ động thái hay dấu hiệu nào cho thấy sẽ thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Trong thời gian dài sau đó, phía ông Hưng vẫn tiếp tục im lặng. Thời gian quá hạn ngày càng kéo dài nhưng bà N vẫn chưa hề nhận được số tiền gốc và lãi như hứa hẹn lúc ban đầu. Sau nhiều nỗ lực liên lạc với phía ông Hưng, bà N vẫn chưa thể nhận được câu trả lời xác đáng.

Cũng theo bà N, đến nay bà vẫn chưa nhận được phản hồi hay phương án giải quyết phù hợp từ phía ông Nguyễn Tiến Hưng và Công ty cổ phần Thủy điện Tây Bắc liên quan đến việc xử lý hợp đồng đã ký kết. “Ông Hưng luôn trốn tránh và chỉ trao đổi với tôi thông qua bà Lâm Thị Bình, cũng là một cổ đông của Công ty cổ phần Thủy điện Tây Bắc. Tuy nhiên, bà Bình liên tục đưa ra nhiều lý do nhằm trì hoãn việc thanh toán. Đến nay, tôi vẫn chưa nhận lại được số tiền đã đầu tư theo thỏa thuận.”, bà N bức xúc.

“Từ đầu, tôi chỉ có mục đích đầu tư ngắn hạn để hưởng lãi suất. Tin tưởng vào anh Trịnh Công Kỳ, tôi đã đồng ý đầu tư theo hình thức mua trái phiếu của ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó cũng từ giới thiệu của ông Kỳ, tôi chuyển qua ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với ông Nguyễn Tiến Hưng. Do tính chất công việc không tiếp xúc nhiều với các hoạt động tài chính nên tôi không phân biệt được giữa hai thuật ngữ trái phiếu và chuyển nhượng cổ phần. Sự thiếu hiểu biết đã vô tình khiến tôi bị ông Nguyễn Tiến Hưng lợi dụng vào một giao dịch không đúng mục đích, bản chất.”, bà N chia sẻ với PV.

Ông Trịnh Công Kỳ khi làm việc với PV cũng xác nhận việc ban đầu mình có giới thiệu cho khách hàng là bà N đầu tư khoản tiền 3 tỷ đồng mua trái phiếu ngân hàng kỳ hạn 100 ngày với lãi suất 10%/năm. Nhưng sau đó qua thông tin từ một người bạn, ông Kỳ có giới thiệu cho bà N chuyển qua đầu tư bằng hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty cổ phần Thủy điện Tây Bắc với ông Nguyễn Tiến Hưng. “Tôi cũng chỉ là người tư vấn xã giao, ở đây trên cơ sở không phải lãnh đạo ngân hàng mà là mối quan hệ cá nhân, tôi và chị N quen nhau một thời gian khá lâu. Trước đó, tôi cũng từng nhiều lần tư vấn, giới thiệu cho chị N những khoản đầu tư khi chị N trao đổi.”, ông Kỳ nói.

Bị biến thành cổ đông “bất đắc dĩ”?

Lo lắng về khoản đầu tư không biết khi nào mới lấy lại được, bà N có tìm hiểu và được biết, từ khoảng năm 2018 đến nay, Công ty cổ phần Thủy điện Tây Bắc có tình trạng “sức khỏe” tài chính không ổn định, có nhiều dấu hiệu bất thường trong hoạt động kinh doanh, cụ thể là loạt các dự án của công ty đang trong tình trạng dang dở và những khoản nợ xấu của Công ty.

“Tôi đã nhiều lần qua trụ sở Công ty để xác minh và yêu cầu phối hợp làm việc, tuy nhiên, dù trong giờ hành chính nhưng trụ sở Công ty đóng cửa, không treo biển và cũng không có dấu hiệu hoạt động kinh doanh. Tại thời điểm ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho tôi với mục đích huy động vốn, ông Hưng đang là cổ đông nắm giữ phần lớn cổ phần trong Công ty, đồng thời là người đại diện theo pháp luật, am hiểu và nắm chi tiết tình hình hoạt động, kinh doanh và tài chính của Công ty. Phải chăng, lợi dụng thời điểm khó khăn, ông Hưng đã có kế hoạch biến tôi thành cổ đông “bất đắc dĩ” của Công ty cổ phần Thủy điện Tây Bắc để chiếm dụng số tiền 3 tỷ đồng của tôi?”, bà N đặt nghi vấn.

Cũng theo bà N, kể từ thời điểm thực hiện giao dịch với ông Hưng và trở thành cổ đông của Công ty cổ phần Thủy điện Tây Bắc đến nay, bà không hề được cung cấp bất kỳ thông tin nào về hoạt động của công ty này hay các dự án mà công ty đang thực hiện, cũng như không được thông báo và tham gia vào bất kỳ cuộc họp nào của Công ty cổ phần Thủy điện Tây Bắc. Mặc dù bà N đã nhiều lần yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Tây Bắc cung cấp thông tin và phối hợp làm việc, các quyền và lợi ích của bà N với tư cách là cổ đông nắm giữ 10% cổ phần công ty vẫn không hề được đảm bảo. “Việc Công ty cổ phần Thủy điện Tây Bắc hoạt động “mập mờ”, cả về tình hình kinh doanh, tài chính và quản trị khiến tôi nghi ngờ mình là nạn nhân trong kế hoạch của ông Nguyễn Tiến Hưng.”, bà N nói.

Liên hệ làm việc với ông Nguyễn Tiến Hưng về sự việc bà N phản ánh, ông Hưng có ủy quyền cho bà Lâm Thị Bình (cũng là một cổ đông của Công ty cổ phần Thủy điện Tây Bắc) trao đổi thông tin với PV. Bà Bình cho biết, thời điểm tháng 9/2020, do thiếu vốn để đầu tư dự án nên ông Hưng đại diện đứng ra thay Công ty ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần công ty, bản chất là huy động vốn để làm dự án. “Khi đó, chúng tôi quản lý nguồn tiền khá tốt nên để thời hạn 100 ngày trong hợp đồng, sau đó sẽ mua lại theo đúng thỏa thuận. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công ty gặp khó khăn nên chúng tôi không thực hiện được đúng cam kết với bà N. Chúng tôi đang cố gắng để thực hiện cam kết với bà N sớm nhất.”, bà Bình nói.

Không đồng tình với trả lời của bà Lâm Thị Bình, bà N cho biết, bà Bình nhiều lần hứa hẹn về việc cam kết mua lại cổ phần theo hợp đồng đã ký kết nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. “3 tỷ đồng là số tiền không nhỏ đối với tôi, nhất là trong thời điểm dịch bệnh khó khăn như vừa qua. Tôi mong muốn quyền lợi của mình được đảm bảo theo đúng hợp đồng đã ký kết. Tôi hi vọng thông qua sự việc của mình, các nhà đầu tư ngắn hạn như tôi nên chọn kênh đầu tư uy tín, an toàn, tránh rơi vào tình trạng “thả gà ra đuổi” như tôi.”, bà N chia sẻ.

H. Nam

Pháp luật VN

Các tin tức khác

>   Triển vọng kinh tế vĩ mô của nước Mỹ (09/04/2022)

>   Tổng giám đốc WTO: Thế giới phải tìm cách ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực (02/04/2022)

>   Vị ngọt chứng khoán đã phai? (18/03/2022)

>   Vị ngọt chứng khoán đã phai? (18/03/2022)

>   Liệu giá cổ phiếu hàng hóa đã đạt đỉnh? (17/03/2022)

>   Thua lỗ chứng khoán, cán bộ ngân hàng chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng (12/03/2022)

>   7 mẹo để tiết kiệm của nữ trader trẻ nhất Phố Wall (18/02/2022)

>   Tiền số đã hủy hoại cuộc đời tôi (17/02/2022)

>   Chiến tranh và thị trường chứng khoán (16/02/2022)

>   F0 chia sẻ kinh nghiệm đầu tư chứng khoán: Phải luôn giữ kỷ luật như “hổ ăn no” (09/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật