Thứ Bảy, 09/04/2022 08:31

Lệnh phong tỏa kéo dài của Trung Quốc đẩy lạm phát gia tăng

Các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc khiến nhiều nhà máy đóng cửa, hệ thống vận tải bị gián đoạn và chi phí tăng cao.

Theo CNN, Thượng Hải - trung tâm tài chính hàng đầu của Trung Quốc và có cảng biển lớn nhất thế giới - đã bị phong tỏa trong 12 ngày. Đến nay, lệnh phong tỏa vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của chính quyền Bắc Kinh đã xóa tan mọi kỳ vọng về việc giới chức Trung Quốc sẽ nới lỏng kiểm soát. "Từ giờ, phong tỏa đột ngột có thể trở thành chiến lược phổ biến", ông Larry Hu - nhà kinh tế trưởng tại Macquarie - nhận định.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết "giảm thiểu tác động kinh tế" của các biện pháp chống dịch. Nhưng tình hình ở Thượng Hải đang xấu đi. Điều này đặt nghi vấn về cách chống dịch của Bắc Kinh đối với chủng virus mới Omicron.

Áp lực lạm phát ảnh 1

Thượng Hải đã bị phong tỏa trong 12 ngày và vẫn chưa có dấu hiệu sắp được dỡ bỏ. Ảnh: Reuters.

Vết thương kinh tế

"Biến thế Omicron khiến Trung Quốc gặp khó hơn trong việc đạt mục tiêu Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0. Hầu hết quốc gia khác đã chọn sống chung với virus", ông Ting Lu tại Nomura nhận định.

Ông tin rằng làn sóng Covid-19 mới và cách chống dịch của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ dịch vụ, du lịch, hậu cần đến sản xuất. "Cái giá phải trả về mặt kinh tế có thể rất lớn", ông cảnh báo.

Theo Nomura, hiện khoảng 23 thành phố của Trung Quốc đã bị phong tỏa một phần hoặc toàn phần. Những thành phố này có khoảng 193 triệu dân, chiếm 13,6 dân số Trung Quốc, và đóng góp 23.000 tỷ NDT (tương đương 3.600 tỷ USD) vào GDP, tương đương 22% nền kinh tế.

Ông Lu nhận định những con số trên thậm chí không thể phản ánh đầy đủ mức độ ảnh hưởng.

Theo hồ sơ của các sàn giao dịch chứng khoán ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh, tính đến hôm 7/4, ít nhất 40 công ty Trung Quốc đã bị buộc tạm ngừng hoạt động.

Các tổ chức thế giới đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. Hồi đầu tuần, Ngân hàng Thế giới (WB) cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống còn 5%, giảm mạnh so với mức 8,1% của năm ngoái và thấp hơn mục tiêu 5,5% của chính phủ.

"Việc tiếp tục theo đuổi các chính sách Zero-Covid sẽ gây tổn hại hoạt động kinh tế của Trung Quốc, đồng thời tác động lan tỏa đến phần còn lại của khu vực", WB nhận định trong báo cáo.

Áp lực lạm phát ảnh 2

Khoảng 193 triệu dân, chiếm 13,6 dân số Trung Quốc đang sống ở những khu vực bị phong tỏa một phần hoặc toàn phần. Ảnh: Reuters.

Goldman Sachs dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm nay, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mục tiêu của Bắc Kinh. Ngân hàng chỉ ra các đợt bùng dịch và việc phong tỏa Thượng Hải đang "đè nặng" lên những hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, Citi cho rằng làn sóng Omicron sẽ khiến tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 1 điểm phần trăm trong quý I/2022. Nếu làn sóng kéo dài, tăng trưởng GDP quý II có thể lao dốc 0,6-0,9 điểm phần trăm.

Lệnh phong tỏa Thượng Hải được đưa ra vào thời điểm nền kinh tế thứ 2 thế giới lao đao. Cả ngành dịch vụ lẫn sản xuất đều bị ảnh hưởng nặng nề trong tháng trước.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Caixin đối với ngành dịch vụ của Trung Quốc ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ đợt bùng dịch Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán hồi tháng 2/2020.

Trong khi đó, PMI của ngành sản xuất lao dốc với tốc độ nhanh nhất trong vòng 2 năm. Các nhà kinh tế cảnh báo dữ liệu trong tháng 4 có thể còn tồi tệ hơn. Những đợt phong tỏa kéo dài sẽ đè nặng lên nhu cầu nội địa.

"Sau các đợt phong tỏa, nhiều người đã cạn tiền, bị giảm thu nhập hoặc thất nghiệp. Họ tiêu hết khoản tiền dành dụm và buộc phải giảm chi tiêu", ông Lu tại Nomura phân tích.

Tác động lan tỏa

Theo CNN, cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc là một vấn đề của thế giới. Ngân hàng Thế giới coi sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc là một trong những cú sốc lớn mà các nền kinh tế châu Á phải đối mặt trong năm nay.

Lệnh phong tỏa Thượng Hải - nơi có cảng container lớn nhất thế giới - khiến tình trạng tắc nghẽn trong hệ thống vận chuyển càng trở nên tồi tệ, gây áp lực cho kinh tế toàn cầu.

Các nhà chức trách khẳng định cảng Thượng Hải vẫn hoạt động. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ ra số lượng tàu chờ xếp và dỡ hàng đã tăng lên mức cao kỷ lục.

"Các lệnh phong tỏa tác động tới chuỗi cung ứng từ nhiều góc độ, từ nhà máy ngừng hoạt động, hoạt động tại cảng gián đoạn và tình trạng thiếu xe tải", Giám đốc điều hành Freightos Zvi Schreiber nhận định. Áp lực lạm phát cũng gia tăng với các hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các lệnh phong tỏa tác động tới chuỗi cung ứng từ nhiều góc độ, từ nhà máy ngừng hoạt động, hoạt động tại cảng gián đoạn và tình trạng thiếu xe tải.

Giám đốc điều hành Freightos Zvi Schreiber

Giá cước hàng không cũng tăng cao. Tất cả chuyến bay đến Thượng Hải - một trong những sân bay đông đúc nhất thế giới - đã bị hủy bỏ. Theo ông Zvi Schreiber, giá cước vận tải hàng không từ Thượng Hải tới Bắc Âu và ngược lại đã tăng 43% so với mức trước đợt bùng dịch.

Việc đóng cửa các nhà máy tại Thượng Hải và những thành phố lân cận cũng có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng điện tử và ôtô.

Chẳng hạn, Unimicron Technology - đặt trụ sở tại Côn Sơn, một huyện nằm gần Thượng Hải - chuyên cung cấp bảng mạch in cho các khách hàng như Apple. Còn Eson Precision là chi nhánh của Foxconn - công ty sản xuất iPhone - và cũng cung cấp linh kiện cho Tesla.

"Với mức độ nghiêm trọng hiện nay của đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc, chuỗi cung ứng hàng điện tử và ôtô sẽ bị gián đoạn đáng kể do các nhà cung cấp ngừng hoạt động trong 7-10 ngày tới", bà Julie Gerdeman - Giám đốc điều hành của công ty phân tích chuỗi cung ứng Everstream - cảnh báo.

Thảo Phương

ZING

Các tin tức khác

>   Lệnh trừng phạt khiến ngành hàng không Nga mất 1/10 số máy bay thương mại (09/04/2022)

>   Dự báo kinh tế Hong Kong (Trung Quốc) chỉ tăng trưởng 1% trong năm 2022 (08/04/2022)

>   “Cơn sốt” bất động sản ở nhiều thành phố lớn châu Á bất ngờ hạ nhiệt (08/04/2022)

>   Cái giá của 'Zero Covid-19' ở nơi bùng dịch lớn nhất Trung Quốc (08/04/2022)

>   Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga (08/04/2022)

>   EU thông qua gói trừng phạt Nga thứ năm, chặn khoảng 10 tỷ euro xuất khẩu (08/04/2022)

>   Thị trường smartphone Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nặng vì COVID-19 (08/04/2022)

>   Nga: Kịch bản nước này vỡ nợ sẽ không xảy ra trên thực tế (07/04/2022)

>   Deutsche Bank dự báo Mỹ sẽ suy thoái vào cuối năm 2023 (06/04/2022)

>   ADB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực châu Á (06/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật