Kiểm soát nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp
Xấp xỉ 60% giá trị trái phiếu đang lưu hành sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023-2024, trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong hai năm vừa qua do đại dịch, dẫn đến những quan ngại về các vấn đề liên quan đến nợ xấu phải xử lý, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng của các hoạt động phát hành trái phiếu trong thời gian gần đây...
Thị trường đặt ra các câu hỏi liên quan đến chất lượng tín dụng khi trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng “nóng” trong giai đoạn 2017-2021.
|
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước mong muốn kéo dài Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến tháng 8/2024 nhưng tại phiên họp thứ 10 cho ý kiến về Báo cáo tổng kết Nghị quyết 42 vào ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đồng ý kéo dài đến hết năm 2023 do chưa có tiền lệ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết thí điểm.
Tuy nhiên, có một thực tế cần phải được nhận diện. Đó là dù Nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty TNHH MTV Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhưng chất lượng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi Covid-19 trong 2 năm qua với mức nợ xấu ngày một gia tăng.
Điều đáng chú ý là, Báo cáo tổng kết Nghị quyết 42 được công bố khi chưa có những diễn biến phức tạp mới nhất liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu gần đây, nổi bật là sự kiện Tân Hoàng Minh bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy hơn 9 đợt phát hành trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng do “che giấu, thông tin sai sự thật”.
TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ CỦA THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU
Sự việc này càng đặt ra các câu hỏi liên quan đến chất lượng tín dụng khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng “nóng” trong giai đoạn 2017-2021. Năm 2017, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ đạt 4,9% GDP thì tới năm 2021, con số này đã đạt 16,6% GDP. Trong khi đó, ngân hàng, cùng với công ty chứng khoán lại là các thành viên đóng góp chính trên thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong số trái phiếu doanh nghiệp được phát hành của lĩnh vực bất động sản (chiếm 35% tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp), trái phiếu không có tài sản đảm bảo, hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu chiếm 54,2% lượng phát hành năm 2021.
Hoạt động phát hành của doanh nghiệp chủ yếu thực hiện thông qua phát hành riêng lẻ, chiếm gần 96% tổng giá trị phát hành, và đây là mức cao hơn rất nhiều lần so với giá trị phát hành ra công chúng, chỉ chiếm hơn 4% giá trị phát hành. Người mua chính đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp là chủ yếu là tổ chức tài chính, bao gồm công ty chứng khoán (chiếm 38,3% khối lượng phát hành), các ngân hàng thương mại (chiếm 34,4%). Trong khi đó, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ chiếm 5,4% khối lượng phát hành.
HUY ĐỘNG VỐN CHỦ YẾU QUA HÌNH THỨC PHÁT HÀNH RIÊNG LẺ
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng các điều kiện dễ dàng hơn của phát hành riêng lẻ để “lách” huy động vốn. Theo quy định, khi phát hành ra công chúng, doanh nghiệp cần phải đáp ứng được các tiêu chí cao hơn nhiều, bao gồm vốn điều lệ 30 tỷ đồng, năm liền trước năm đăng ký phát hành phải có lãi, không có lỗ lũy kế, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm, và có tổ chức xếp hạng tín nhiệm thì phát hành riêng lẻ, yêu cầu thấp hơn nhiều. Doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo thanh toán đủ vốn gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc các khoản nợ đến hạn trong 3 năm, có tỷ lệ an toàn vốn an toàn, và báo cáo tài chính được kiểm toán.
Có thể thấy, trong trường hợp khi những kịch bản tiêu cực xảy ra, ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của tổ chức phát hành, đặc biệt là tổ chức bất động sản sẽ gây ra những bất ổn thị trường, đầu tiên ảnh hưởng tới các nhà đầu tư lớn trên thị trường sơ cấp là các ngân hàng và các công ty chứng khoán, sau đó là tới các bên liên quan khác như các tổ chức sở hữu chéo, các tổ chức bảo lãnh phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan, và các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là khi các tổ chức phát hành riêng lẻ của các loại trái phiếu không được xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản đảm bảo, không có bảo lãnh thanh toán bị khả năng thanh toán.
Cùng với sự ra đời của Thông tư 16/2022/TT-BTC (Thông tư 16) thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNN và Thông tư 15/2018/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có yêu cầu về việc đảm bảo mức nợ xấu an toàn của tổ chức tín dụng, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm mạnh trong quý 1/2022, giảm 29% so với cùng kỳ với việc hạn chế dòng vốn tín dụng của ngân hàng chảy vào trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
BIỆN PHÁP ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU VÀ HẠN CHẾ NỢ XẤU
Trong thời gian tới, cùng với việc nhu cầu vốn tăng cao phục vụ sản xuất kinh doanh sau đại dịch, dự kiến huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.
Do đó, để một mặt vẫn thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng, khơi thông dòng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, trước mắt, Việt Nam cần tiếp tục các biện pháp chính sách đối với xử lý nợ xấu, thông qua việc kéo dài thời hạn Nghị quyết 42 vì nghị quyết này là nghị quyết thí điểm, hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm nên đến ngày 15/8/2022 khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, các cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC sẽ được thực hiện theo pháp luật có liên quan, và điều này sẽ tác động lớn tới quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong hoàn cảnh hậu Covid và diễn biến thị trường phức tạp hiện nay.
Trong khi đó, theo Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/11/2021, Ngân hàng Nhà nước được giao nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tài sản bảo đảm, xem xét đưa vào chương trình năm 2023. Do đó, nếu Nghị quyết 42 không được gia hạn, điều này sẽ tạo nên khoảng trống pháp lý điều chỉnh nợ xấu.
Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép kéo dài đến hết năm 2023 nhưng rõ ràng xử lý nợ xấu trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp phức tạp như hiện nay sẽ cần nhiều thời gian hơn ít nhất cho tới khi Luật Xử lý nợ xấu mới được ra đời.
Tuy vậy, trong thời gian trước mắt, cơ quan quản lý cần sát sao, đảm bảo Thông tư 16 được thực hiện nhằm kiểm soát chất lượng nợ xấu, kiểm soát quy mô hoạt động cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, và đặc biệt là kiểm soát tốt sự luân chuyển dòng vốn giữa hai lĩnh vực có khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất, chiếm tỷ trọng trên 70% tổng khối lượng phát hành.
Ngoài ra, hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP, theo đó, bản dự thảo này công bố một số nội dung mới liên quan đến tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu, đẩy nhanh việc thiết lập giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên Sở Giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, công bố thông tin của tổ chức phát hành.
Theo đó, cần rà soát và đặc biệt chú ý tới việc nâng cao các yêu cầu đối với việc công bố thông tin của tổ chức phát hành liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn thu được từ đợt phát hành.
Kiều Mai
VnEconomy
|