Thứ Tư, 13/04/2022 08:30

Khủng hoảng phân bón do xung đột Ukraine nghiêm trọng đến mức nào

Monica Kariuki sắp phải từ bỏ việc đồng áng. Thứ đẩy cô ra khỏi 10 mẫu đất ở ngoại ô Nairobi không phải là thời tiết xấu hay sâu bệnh – những nỗi ám ảnh với nông nghiệp truyền thống ở đất nước này – mà là phân bón. Giá phân bón đã quá cao.

Một nông dân ở Kiambu, Kenya bốc phân chuồng để bón cây, do không đủ tiền mua phân bón hóa học. Ảnh chụp ngày 31/3/2022 - AP

Mặc dù sống cách xa chiến địa ở Ukraine hàng ngàn kilomet, Kariuki và trang trại bắp cải, ngô, rau bina của cô vẫn trở thành những nạn nhân gián tiếp của cuộc chiến. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy vọt giá khí đốt tự nhiên, một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất phân bón, và dẫn đến những lệnh trừng phạt khắc nghiệt chống Nga - nhà xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới.

Kariuki từng chi 20.000 shilling, khoảng 175 USD, để mua phân bón cho cả trang trại trong một vụ. Còn giờ, cô phải chi gấp 5 lần số tiền đó. Vì thế nếu tiếp tục canh tác, cô sẽ chẳng thu được gì ngoài những khoản thua lỗ.

“Tôi không thể tiếp tục làm nông nghiệp. Tôi phải từ bỏ nghề nông để thử việc gì khác vậy”, Kariuki than thở.

Giá phân bón quá cao đang khiến nguồn cung lương thực thế giới trên nên đắt đỏ và khan hiếm hơn, khi nông dân phải tiết kiệm chất dinh dưỡng cho cây trồng và thu được sản lượng thấp hơn.

Nông dân hất phân gia súc từ một xe tải xuống, dùng để bón cây trồng do chi phí phân bón hóa học tăng cao. Ảnh chụp ở Kiambu, gần Nairobi, ngày 31/3/2022. Nguồn: AP

Nếu như ở các nước giàu, người mua hàng sẽ chỉ cảm nhận những gợn sóng nhỏ, thì sức ép về nguồn cung thực phẩm sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các gia đình ở những quốc gia nghèo.

Tuần trước, Tổ chức Lương – Nông Liên hợp quốc cho biết chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 3 vừa qua đã đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu được đo lường vào năm 1990.

Cuộc khủng hoảng phân bón có nguy cơ hạn chế hơn nữa nguồn cung cấp lương thực trên toàn thế giới, vốn đã bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn các chuyến hàng ngũ cốc quan trọng từ “vựa lúa” Ukraine và Nga. Việc mất nguồn cung cấp lúa mì, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác với giá cả phải chăng làm tăng viễn cảnh thiếu lương thực và bất ổn chính trị ở Trung Đông, châu Phi và một số quốc gia châu Á, nơi hàng triệu người sống dựa vào bánh mì được trợ cấp và các loại mì giá rẻ.

“Giá thực phẩm sẽ tăng vọt do nông dân phải có lợi nhuận, rồi chuyện gì sẽ đến với người tiêu dùng?”, ông Uche anyanwu, chuyên gia nông nghiệp tại Đại học Nigeria đặt câu hỏi.

Tổ chức cứu trợ Action Aid cảnh báo các gia đình ở khu vực Sừng châu Phi đang bị đẩy đến bên “bờ vực sinh tồn”.

Liên hợp quốc cho biết Nga là nhà xuất khẩu số 1 thế giới về phân đạm, số 2 về phân lân và kali. Đồng minh của họ là Belarus, cũng đang đối mặt các lệnh trừng phạt của phương Tây, là một nhà sản xuất phân bón lớn khác.

Nhiều nước đang phát triển, như Mông Cổ, Honduras, Cameroon, Ghana, Senegal, Mexico và Guatemala – phụ thuộc vào Nga, với ít nhất 1/5 lượng hàng nhập khẩu.

Xung đột tại Ukraine cũng đã làm tăng giá khí đốt tự nhiên vốn đã đắt đỏ, là nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón ni-tơ. Kết quả là giá năng lượng ở châu Âu cao đến mức một số công ty phân bón đã phải đóng cửa, ngừng vận hành nhà máy.

Với những nông dân trồng ngô và bắp cải như ông Jackson Koeth, 55 tuổi, ở Eldoret, miền tây Kenya, cuộc xung đột ở Ukraine quá xa vời và khó hiểu cho đến khi ông phải quyết định có nên gieo trồng mùa vụ mới hay không. Giá phân bón đã tăng gấp đôi so với năm ngoái khiến ông Koeth tiến thoái lưỡng nan.

Koeth cho biết ông quyết định tiếp tục canh tác, nhưng chỉ trên một nửa diện tích. Dù vậy, ông vẫn e ngại không thể kiếm được chút lợi nhuận với giá phân bón đắt đỏ như vậy.

Tại Hy Lạp, ông Dimitris Filis, trồng ô liu, cam và chanh, cho biết ông phải tìm kiếm nguồn nitrat amoniac, nguyên liệu làm phân bón, và chi phí phân bón cho vườn ô liu rộng 10 hecta đã tăng gấp đô. Filis cho biết hầu hết nông dân ở địa phương dự định sẽ bỏ không bón phân cho vườn ô liu và cam của họ trong năm nay.

“Nhiều người sẽ không sử dụng phân bón, và điều này dẫn đến giảm chất lượng cây trái, dần dần sẽ đến lúc họ không thể canh tác trên đất đai của mình vì không có lợi nhuận” – ông Filis nói.

Tại Trung Quốc, giá muối kali dùng làm phân bón tăng 86% so với một năm trước. Giá phân đạm tăng 39% và phân lân tăng 10%.

Tại thành phố Thái An, miền đông Trung Quốc, người quản lý một hợp tác xã gồm 35 gia đình trồng lúa mì và ngô cho biết giá phân bón đã tăng 40% kể từ đầu năm.

Còn Terry Farms, trang trại rộng 2.100 mẫu Anh ở Ventura, California (Mỹ) đã chứng kiến ​​giá một số loại phân bón tăng gấp đôi, số khác tăng 20%. Phó chủ tịch trang trại William Terry nói rằng việc thay đổi phân bón là rất rủi ro vì các phiên bản rẻ hơn có thể không mang lại cho “cây trồng những gì nó cần như một nguồn thực phẩm”.

William Terry, Phó Chủ tịch Terry Farms, tại trang trại dâu tây ở Oxnard, California. Ảnh: AP

Khi mùa trồng trọt đến gần ở Maine (Mỹ), nông dân trồng khoai tây đang vật lộn với giá phân bón tăng từ 70% đến 100% so với năm ngoái, tùy theo công thức pha trộn.

Tại Prudentopolis, một thị trấn ở bang Parana của Brazil, nông dân Edimilson Rickli khoe một nhà kho trước đây thường chứa đầy các bao phân bón nhưng nay chỉ đủ dùng trong vài tuần nữa. Ông Rickli lo lắng cuộc chiến ở Ukraine không có dấu hiệu lắng xuống, ông sẽ phải bỏ phân bón khi trồng lúa mì, lúa mạch và yến mạch vào tháng tới.

Một nông dân rẫy cỏ trên cánh đồng hoa ở Kiambu, Kenya. Ảnh: AP

Một số quốc gia đang hy vọng sẽ giúp lấp đầy khoảng trống. Nigeria khai trương nhà máy sản xuất phân bón lớn nhất châu Phi vào tháng trước và nhà máy trị giá 2,5 tỷ USD đã bán phân bón cho Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico.

Trong khi đó, Ấn Độ đang tìm cách nhập khẩu phân bón nhiều hơn từ Israel, Oman, Canada và Saudi Arabia để bù đắp cho các lô hàng bị gián đoạn từ ​​Nga và Belarus.

Các chính phủ cũng đang vào cuộc hỗ trợ nông dân. Tháng trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo sẽ cấp 250 triệu USD hỗ trợ sản xuất phân bón trong nước. Chính phủ Thụy Sĩ đã giải phóng một khối lượng dự trữ phân đạm.

Tuy nhiên, không có câu trả lời dễ dàng cho vấn đề kép - giá phân bón cao hơn và nguồn cung hạn chế. Nhà nghiên cứu thực phẩm LaBorde cho biết trong 12 đến 18 tháng tiếp theo, tình hình “sẽ rất khó khăn”.

Thu Hằng

Báo Tin tức

Các tin tức khác

>   Bộ Thương mại Mỹ giảm mạnh thuế chống bán phá giá đối với mật ong của Việt Nam (12/04/2022)

>   Giá phân bón khó hạ nhiệt: Chẳng nhẽ bó tay? (12/04/2022)

>   Giá thức ăn chăn nuôi tăng 13 lần: Quên 'mỏ vàng' trong nước (12/04/2022)

>   Cảnh báo nguy cơ đường cát Thái Lan “trung chuyển” qua Lào để tuồn vào Việt Nam (06/04/2022)

>   Chủ động ứng phó rào cản thương mại của các nền kinh tế lớn (03/04/2022)

>   Cần một cơ chế bình ổn giá cao su, đảm bảo lợi ích của các bên (31/03/2022)

>   Tôm và cá tra đóng góp 64% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành thuỷ sản (31/03/2022)

>   Nhà vườn ồ ạt chặt bỏ thanh long (30/03/2022)

>   Anh hạn chế thủy sản Nga, doanh nghiệp Việt có cơ hội gia tăng thị phần? (28/03/2022)

>   Thêm một doanh nghiệp cá tra không bị áp thuế bán phá giá sang Mỹ (24/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật