Cảnh báo nguy cơ đường cát Thái Lan “trung chuyển” qua Lào để tuồn vào Việt Nam
Theo nhận định của Hiệp hội mía đường Việt Nam, sau khi áp dụng thuế chống bán phá cho đường mía xuất xứ Thái Lan, số lượng đường xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đã tăng mạnh, khoảng 60 lần so với cùng kỳ...
Đường lậu đang tìm nhiều cách để tuồn vào Việt Nam
|
Theo nhận định từ Hiệp hội mía đường Việt Nam, sau khi áp dụng thuế chống bán phá cho đường mía xuất xứ Thái Lan, số lượng đường xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đã tăng mạnh, khoảng 60 lần so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, hiện có một số dấu hiệu bất thường trong việc nhập khẩu đường từ Lào. Hiện sản xuất đường tại Lào bình quân mỗi năm chỉ đạt 165.667 tấn; Tiêu thụ bình quân: 95.000 tấn đường/năm. Lượng đường xuất khẩu từ Lào vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2021 là 49.951 tấn. Nhập khẩu bình quân 220.368 tấn/năm (từ Thái Lan là 174.012 tấn).
Theo đó, số lượng nhập khẩu lớn hơn số lượng sản xuất và tiêu dùng trong nước. Số lượng đường Thái Lan xuất khẩu vào Lào trong 05 tháng đầu năm 2021 đã tăng 106% so với cùng kỳ. Sau khi áp dụng thuế chống bán phá cho đường mía xuất xứ Thái Lan, số lượng đường xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đã tăng mạnh, khoảng 60 lần so với cùng kỳ.
Ngoài việc tăng số lượng đường xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam, còn có dấu hiệu về việc khai thấp giá nhập khẩu. Các công ty nhập khẩu, thì hầu hết không phải công ty chuyên doanh trong lĩnh vực đường.
Bên cạnh đó, còn có dấu hiệu về việc buôn lậu đường từ Lào vì mặc dù số lượng nhập khẩu từ Lào không quá lớn so với các nguồn khác, nhưng nếu yêu cầu số lượng bao nhiêu cũng có. Đường nhập khẩu từ Lào khai báo hải quan là đường nâu, đường vàng nhưng các đầu nậu đưa ra thị trường cả các loại đường tinh luyện Thái Lan.
Hiệp hội mía đường Việt Nam nhận thấy có những dấu hiệu bất thường trong việc nhập khẩu mía đường từ Campuchia qua các cửa khẩu biên giới Tây Nam và đề nghị Tổng cục Hải quan có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận.
Hiệp hội cũng đề xuất tất cả các sản phẩm đường lưu hành trên thị trường (sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu) đều phải có mã QR cho từng sản phẩm. Mã QR được cấp bởi hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc; tem chứa mã QR bảo mật được gắn lên từng sản phẩm.
Được biết, Tổng cục Hải quan cũng có văn bản về tăng cường công tác kiểm tra đối với mặt hàng mía đường đã chỉ đạo cơ quan hải quan tăng cường công tác kiểm tra kiểm tra đối với mặt hàng đường mía, như: kiểm soát ngăn chặn, phát hiện các hành vi quay vòng tờ khai nhập khẩu; thiết lập tiêu chí rủi ro cao để áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát phù hợp; kiểm tra sau thông quan,…
Trong báo cáo “Chuỗi cung ngành mía đường Việt Nam - Thực trạng và một số khía cạnh về phát triển bền vững” do các chuyên gia của Tổ chức Forest Trends" công bố thì quy mô của hoạt động buôn lậu đường ngày càng tăng.
Năm 2008 có khoảng 100.000 tấn đường nhập lậu thì đến năm 2018 đã lên tới 890.661 tấn. Đường nhập lậu vào Việt Nam từ nguồn Campuchia và Lào chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan. Toàn bộ lượng đường nhập lậu từ Campuchia và Lào đều là đường trắng (gọi chung cho cả 2 loại đường RS và RE).
Nguyên nhân đường nhập lậu từ Thái Lan ngày càng tăng chủ yếu do giá đường xuất khẩu của nước này được trợ giá nên giá thành nhập khẩu về đến Việt Nam luôn thấp hơn đường sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, từ tháng 11-2017 Thái Lan hủy bỏ quy định giá bán lẻ đường nội địa nên càng kích thích xuất lậu đường sang Việt Nam thông qua Campuchia và Lào.
Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, riêng lượng đường mía nhập khẩu vào nước ta tăng đột biến trong năm 2020 với 1,5 triệu tấn. Do đường nhập lậu thường xuyên tìm cách vào Việt Nam nên sản lượng sản xuất đường trong nước bị ảnh hưởng đáng kể, nhiều nhà máy gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Châu Anh
VnEconomy
|