Thứ Năm, 07/04/2022 10:59

Không chỉ tăng lãi suất, Fed còn muốn giảm quy mô bảng cân đối kế toán hơn 1 nghìn tỷ USD mỗi năm

Giới phân tích xem đây là bằng chứng cho thấy các quan chức Fed giờ đây đang lo ngại rằng họ đã bị muộn trong cuộc chiến chống lạm phát...

Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Bloomberg.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã vạch ra một kế hoạch được chờ đợi từ lâu nhằm thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán khổng lồ. Theo đó, bên cạnh việc nâng lãi suất quyết liệt, Fed dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 1 nghìn tỷ USD khỏi bảng cân đối kế toán trong vòng 1 năm, nhằm chống lại mức lạm phát đang cao nhất trong 4 thập kỷ.

Lộ trình cắt giảm nắm giữ số tài sản mà Fed mua vào trong thời gian đại dịch Covid-19 đã được ngân hàng trung ương này đưa ra vào ngày thứ 6/4, trong biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed. Biên bản cho thấy các quan chức Fed đã tính tới việc cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán với tốc độ mạnh hơn, nhưng cuối cùng đã chọn thận trọng trong bối cảnh những bấp bênh liên quan đến chiến tranh Nga-Ukraine.

Ngoài ra, nhiều quan chức Fed xem việc nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm ít nhất một lần trong năm nay là phù hợp nếu trong thời gian tới sức ép giá cả không giảm đi. Tháng 3 vừa qua, Fed đã có đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2018, với mức tăng 0,25 điểm phần trăm.

''Fed cuối cùng đã nhận ra sai lầm''

Giới phân tích xem đây là bằng chứng cho thấy các quan chức Fed giờ đây đang lo ngại rằng họ đã bị muộn trong cuộc chiến chống lạm phát và đang “cuống cuồng” đưa lãi suất cơ bản – hiện ở ngưỡng 0,25-0,25% - về ngưỡng trung tính. Lãi suất trung tính là mức lãi suất về lý thuyết không có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cũng không gây giảm tốc nền kinh tế.

“Fed đã duy trì chính sách dễ dãi quá lâu và cuối cùng đã nhận ra sai lầm”, chuyên gia kinh tế trưởng Stephen Stanley của Amherst Pierpont Securities nhận định. “Giờ họ đang xoay sở để đưa chính sách tiền tệ về trạng thái trung tính một cách nhanh nhất có thể. Khi tiến gần tới ngưỡng trung tính rồi, họ sẽ phải tính xem phải đưa chính sách vào ngưỡng thắt chặt ở mức độ như thế nào để kiểm soát lạm phát”.

Nỗ lực cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán của Fed là một trụ cột quan trọng bên cạnh nâng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới. Từ năm ngoái, Fed đã bắt đầu cắt giảm quy mô nchương trình mua tài sản từ mức 120 tỷ USD mỗi tháng, và việc mua vào trái phiếu này đã kết thúc vào tháng 3 vừa qua. Sau khi việc mua tài sản kết thúc là lúc Fed tính cắt giảm số tài sản đang nắm giữ, và kế hoạch cắt giảm này có thể được phê chuẩn trong cuộc họp tiếp theo của Fed, dự kiến diễn ra vào ngày 3-4/5.

Biên bản cuộc họp tháng 3 vừa công bố cho thấy các quan chức Fed đề xuất cắt giảm tối đa mỗi tháng 60 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và 35 tỷ USD trái phiếu đảm bảo bằng nợ bất động sản. Tốc độ cắt giảm như vậy phù hợp với kỳ vọng của thị trường và cao gần gấp đôi so với tốc độ cắt giảm 50 tỷ USD trong lần gần đây nhất Fed cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán kéo dài từ 2017-2019.

Tuy nhiên, Fed sẽ không áp dụng ngay mức cắt giảm 95 tỷ USD mỗi tháng, mà sẽ thực hiện từ mức thấp hơn và nâng dần trong 3 tháng -“hoặc trong thời gian dài hơn tuỳ theo điều kiện thị trường” - để đạt tới con số như vậy.

Biên bản cuộc họp cũng cho thấy 16 thành viên Uỷ ban Thị trường mở (FOMC), bộ phận đưa ra các quyết sách trong Fed, ủng hộ việc nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm.

“Nhiều thành viên nói rằng việc có một hoặc nhiều lần nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm sẽ là phù hợp trong các cuộc họp tới, nhất là nếu áp lực lạm phát vẫn ở mức cao hoặc tăng thêm”, biên bản viết. “Các thành viên dự họp đánh giá rằng việc đưa lập trường chính sách tiền tệ về trạng thái trung tính một cách nhanh chóng là điều phù hợp”.

Theo ước tính của các quan chức Fed, lãi suất trung tính trong điều kiện hiện nay là 2,4%. Biên bản cũng nói các quan chức nhận thấy rằng tuỳ theo tình hình kinh tế và diễn biến thị trường tài chính “việc dịch chuyển tới một lập trường chính sách thắt chặt hơn có thể phù hợp”.

Có khả năng Fed phải hành động quyết liệt hơn nữa

Chuyên gia kinh tế Anna Wong của Bloomberg Economics nhận định rằng biên bản cuộc họp này phần nào lý giải quan điểm rất cứng rắn mà Chủ tịch Fed Jerome Powell thể hiện sau cuộc họp tháng 3. Dường như các quan chức Fed “đã trở nên lo ngại hơn nhiều về các diễn biến của lạm phát”.

Chiến tranh Nga-Ukraine được xem là một nhân tố “tiếp lửa” cho lạm phát ở Mỹ. Kể từ khi bùng nổ vào hôm 24/2, cuộc chiến này đã đẩy giá năng lượng và các hàng hoá cơ bản khác tăng vọt. Trong bối cảnh như vậy, ông Powell hôm 21/3 tuyên bố Fed có thể nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5 nếu cần thiết.

Với mục tiêu của Fed giờ đây đã rõ là đưa chính sách tiền tệ về trạng thái trung tính, nhà đầu tư đang cố gắng xác định xem Fed định đạt tới mục tiêu đó nhanh như thế nào. Các dữ liệu lạm phát trong ngắn hạn sẽ giữ một vai trò lớn trong việc quyết định tốc độ hành động của Fed. Trong tháng 3, ông Powell nói rằng “tuỳ theo diễn biến của triển vọng, chúng tôi sẽ điều chỉnh chính sách cho phù hợp”.

Thị trường tương lai ở Phố Wall đang phản ánh khả năng cao Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5. Ảnh hưởng của việc Fed cắt giảm bảng cân đối kế toán đối với các điều kiện tài chính nhiều khả năng sẽ được theo dõi chặt chẽ trong nửa sau của năm nay.

“Tôi cho rằng nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm sẽ là một lựa chọn mà chúng tôi phải xem xét, bên cạnh những vấn đề khác”, Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas, bà Esther George, nói với Bloomberg hôm 5/4. “Chúng tôi phải rất cẩn trọng và hành động có chủ đích rõ ràng khi rút lại sự nới lỏng. Tôi rất tập trung vào vấn đề là cắt giảm bảng cân đối kế toán một cách song hành ra sao với nâng lãi suất”.

Một rủi ro lớn, một thách thức chính sách đối với Fed là cuộc chiến Nga-Ukraine có thể dẫn tới giá năng lượng và lương thực-thực phẩm cao kéo dài, trong thời gian đủ để dẫn tới một đợt tăng lương và tăng giá cả nữa trong nền kinh tế. Trong trường hợp như vậy, Fed sẽ phải có những hành động chính sách quyết liệt hơn nữa nếu thị trường bắt đầu thay đổi kỳ vọng vào khả năng kiểm soát giá cả của Fed.

“Trong bối cảnh kinh tế có sự bấp bênh lớn và liên tục thay đổi, Fed đã dịch chuyển từ chỗ chỉ nói đến chỗ phải bắt tay vào hành động. Vì lý do này, các điều kiện tài chính sẽ tiếp tục biến động mạnh trong 6 tháng tới”, chiến lược gia Guy LeBas của Janney Montgomery Scott nhận xét.

An Huy

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Phải chăng đô la Mỹ đã hết thời? (07/04/2022)

>   Nga lần đầu tiên trả nợ trái phiếu bằng đồng ruble (07/04/2022)

>   Nợ công toàn cầu sẽ lập kỷ lục vì sức ép từ xung đột Nga - Ukraine (07/04/2022)

>   Vàng thế giới lùi nhẹ sau biên bản họp của Fed (07/04/2022)

>   Dầu Brent giảm hơn 5% về gần mốc 101 USD/thùng (07/04/2022)

>   Các ngân hàng Trung Quốc tiếp tục siết chặt dòng vốn cho mảng bất động sản (06/04/2022)

>   Vàng thế giới giảm trước triển vọng thắt chặt chính sách của Fed (06/04/2022)

>   Dầu quay đầu giảm khi lo ngại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu (06/04/2022)

>   Bộ Tài chính Mỹ không cho phép Nga thanh toán nợ bằng đồng USD (05/04/2022)

>   Vị thế của đồng USD bị đe dọa (05/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật