Phải chăng đô la Mỹ đã hết thời?
Thứ Năm tuần trước, trong lúc cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bước vào tháng thứ hai và chưa biết đến khi nào mới kết thúc, ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Goldman Sachs phát đi cảnh báo rằng đồng đô la Mỹ có nguy cơ đánh mất vị thế thống trị trên thị trường tài chính toàn cầu. Bài viết dưới đây tổng hợp một số nhận định về vấn đề này từ các nguồn thông tin nước ngoài.
Với tựa đề “Goldman Sachs cảnh báo đồng đô la đang có nguy cơ đánh mất vị thế thống trị và sẽ trở thành tay chơi bị mất ảnh hưởng như đồng bảng Anh”, tác giả một bài viết trên businessinsider.com cho rằng đồng đô la Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ làm xói mòn vị thế của mình trước những thử thách tương tự như đồng bảng Anh vào những năm đầu của thế kỷ thứ 20.
Tác giả một bài viết trên businessinsider.com cho rằng đồng đô la Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ làm xói mòn vị thế của mình. Ảnh: Getty
|
Ba thách thức lớn nhất đối với đồng đô la
Cảnh báo của Goldman Sachs – một ngân hàng đầu tư có trụ sở ở New York, xếp thứ hai toàn thế giới về doanh thu và thứ 59 trong danh sách Fortune 500 của Mỹ về doanh thu – cho rằng động thái thực hiện bởi Mỹ và các đồng minh nhằm đóng băng phần lớn dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga đã làm dấy lên mối lo ngại rằng các quốc gia sẽ bắt đầu từ bỏ thói quen sử dụng đồng đô la trong thanh toán bởi họ e ngại đến lượt mình sẽ trở thành nạn nhân của sức mạnh mà chính phủ Mỹ có được từ đồng tiền này.
Theo businessinsider.com, các nhà phân tích ở Goldman Sachs, trong đó có nhà kinh tế Cristina Tessari, cho rằng đồng đô la phải đối mặt với một số thách thức tương tự như đồng bảng Anh trước khi đồng tiền của nước Anh bước vào thời kỳ suy thoái. Bảng Anh đã từng là đồng tiền dự trữ số một thế giới cho đến lúc bị đồng đô la soán ngôi hoàn toàn vào giữa thế kỷ thứ 20.
Các thách thức này bao gồm việc xuất khẩu của Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thương mại toàn cầu so với tỷ lệ thống trị trong thanh toán quốc tế sử dụng đồng đô la. Thứ đến, Mỹ gặp bất lợi khi trạng thái tài sản nước ngoài ròng (net foreign asset position) của họ đang giảm xuống vì nợ nước ngoài tăng lên. Và nước Mỹ cũng đang phải gặp các vấn đề địa chính trị không giải quyết được mà cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine là một ví dụ.
Trong số các thách thức trên, theo nhà kinh tế Tessari, nợ nước ngoài của Mỹ là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng bởi quốc gia này nhập khẩu quá nhiều (so với xuất khẩu). Ngược dòng thời gian với nước Anh, trong bối cảnh của thế kỷ trước, các nhà đầu tư quốc tế ngày càng trở nên miễn cưỡng khi phải giữ đồng bảng Anh sau khi nước này mượn nợ quá nhiều trong Thế chiến thứ hai, theo các nhà phân tích của Goldman Sachs.
Tuần trước, tờ báo Anh Financial Times dẫn lời Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gita Gopinach nói rằng cấm vận của phương Tây chống lại Nga có thể khiến cho hệ thống tài chính toàn cầu càng thêm phân tán và sẽ làm tổn hại đồng đô la. Vì các quốc gia phải dùng các đồng tiền khác nhiều hơn trong thanh toán quốc tế, các ngân hàng trung ương sẽ đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình. Do đó, đồng đô la sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn.
Phương án thay thế đồng đô la: tiền ảo?
Một bài viết đăng trên finance.yahoo.com cho biết một số người nghĩ rằng cách phương Tây cấm vận Nga có thể châm ngòi cho việc các quốc gia khác từ bỏ đồng đô la Mỹ mãi mãi như cách Nga đã làm từ lâu nhằm đối phó với áp lực từ bên ngoài lên nguồn tài chính của mình. Ngay cả Chủ tịch Fed (Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ) Jeorme Powell cũng đã lên tiếng hôm thứ Tư tuần rồi rằng nên có nhiều hơn một loại ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối.
Bài viết dẫn nguồn Bloomberg News kể tên một số nhà đầu tư tài chính cảnh báo các mối nguy cho đồng đô la. Nước Nga nắm trong tay một trong những quỹ dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới giá trị chừng 630 tỉ đô la (bằng đô la và vàng). Tuy nhiên, quỹ này hiện thời gần như vô dụng bởi các biện pháp cấm vận nghiêm ngặt khiến Nga không thể thực hiện các giao dịch quốc tế.
Vậy có phương án nào thay đô la Mỹ?
Có người cho rằng phương án khả thi nhất hiện nay là các loại tiền số. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu công bố hôm thứ Tư tuần rồi, Citigroup, một ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ, đã hạ thấp tầm quan trọng của hiện tượng nhu cầu tiền số đang tăng lên trong những ngày gần đây, cho rằng đó chỉ là một hành động đầu cơ. Khó có chuyện tiền số sẽ thay thế đồng đô la, dù chỉ là tạm thời, theo Citygroup.
Do các nước phương Tây đang đồng lòng chống Nga, khả năng bất kỳ nước lớn nào sẽ rời khỏi hệ thống tài chính quốc tế dựa trên đô la Mỹ trong lúc này rất thấp.
Còn bitcoin thì sao? Cũng có ý kiến cho rằng các nhà hoạch định chính sách tài chính nên bắt đầu đưa tiền số vào tài sản dự trữ và xem tiền số này như và một loại tiền tệ thông thường. Tuy nhiên, sự không ổn định của đồng tiền ảo bitcoin vẫn là một lực cản khó vượt qua trong con mắt của các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư quốc tế trong tương lai gần.
Đô la Mỹ sẽ theo chân bảng Anh?
Một bài viết trên cnn.com cho rằng khoảng 60% tổng dự trữ ngoại hối toàn thế giới (khoảng 12,8 ngàn tỉ đô la) hiện đang là đô la Mỹ. Điều này khiến nước Mỹ có một lợi thế so với các quốc gia khác, bởi vì nợ bằng đô la của Mỹ rất hấp dẫn. Và do nước Mỹ mượn nợ nước ngoài dựa trên đồng tiền của mình, nếu đồng đô la mất giá, số nợ đó cũng sẽ nối gót.
Nhưng quan trọng hơn, trong những tình huống ngặt nghèo nhất, chính phủ Mỹ có thể cắt đứt sự tiếp cận đồng đô la của các ngân hàng trung ương để cách ly và làm suy yếu nền kinh tế một quốc gia. Raghuram Rajan, nguyên Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ, gọi khả năng này của Mỹ là “vũ khí kinh tế hủy diệt hàng loạt”.
Tuy nhiên, cnn.com cho rằng sức mạnh đó phải được sử dụng có trách nhiệm. Sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, dù là vũ khí kinh tế, sẽ khiến người dân bị thương tổn. Nhằm tự bảo vệ, các quốc gia sẽ đa dạng hóa đầu tư mà không dùng đến đồng đô la.
Xu hướng này đã xảy ra trong hai thập niên vừa qua. Một nghiên cứu của IMF cho biết tỷ lệ đồng đô la trong dự trữ quốc tế đã giảm đi cùng lúc với nước Mỹ phát động “chiến tranh chống khủng bố” và các “biện pháp cấm vận chống khủng bố”. Trong số dự trữ đã thay đổi, một phần tư chuyển từ đô la Mỹ sang đồng yuan Trung Quốc; số còn lại dùng đồng tiền các quốc gia khác.
Và bài viết trên cnn.com đặt câu hỏi: liệu “đô la Mỹ sẽ thoái trào?”. Nếu chúng ta rút ra một bài học cho mình trong hai năm qua, thì đó là không có gì là không thể. Tuy nhiên, việc đô la Mỹ sẽ mất hết vị thế nó đang có rất khó xảy ra.
Thứ nhất, không có ứng viên thay thế nào khả dĩ. Trung Quốc đã cố công thực hiện điều này bao lâu nay, nhưng hiện chỉ có khoảng 3% tổng giao dịch toàn cầu sử dụng đồng yuan so với 40% dùng đô la.
Thứ hai, đô la Mỹ vẫn tỏ ra hấp dẫn đối với phần còn lại của thế giới. Nước Mỹ vẫn có thị trường vốn cổ phần (equity market) lớn nhất thế giới, trong khi đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu tăng 77% năm 2021, trong khi dòng đầu tư từ kênh này vào Mỹ tăng 114%.
Theo finance.yahoo.com, các cuộc khủng hoảng trên thế giới và yếu kém trong hệ thống tài chính của Mỹ vẫn chưa đủ sức làm đô la Mỹ phải thoái vị ngay lập tức. Trung Quốc, một trong những nước giữ tài sản bằng đô la Mỹ lớn nhất thế giới, có kế hoạch bán số tài sản này khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động chiến tranh thương mại chống Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó chưa bao giờ xảy ra.
Trong tương lai gần, đô la Mỹ vẫn giữ vị trí thống soái trong dự trữ toàn cầu bởi lẽ chưa có sự thay thế nào, khác với tình huống lúc đồng đô la thay thế bảng Anh.
Phân tích của Goldman Sachs cho rằng vị thế của đồng đô la sẽ như thế nào phụ thuộc vào chính người Mỹ. “Các chính sách dung dưỡng thâm thủng tài khoản vãng lai, dẫn đến nợ nước ngoài tăng lên, và/hoặc lạm phát tăng cao ở Mỹ, có thể khiến người ta tìm sự thay thế cho đồng đô la”, phân tích này viết.
Trần Thanh Tâm
TBKTSG
|