Thứ Sáu, 15/04/2022 09:24

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ TCM: Lãi sau thuế quý 1 tăng 17%

Sáng ngày 15/04, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSETCM) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 để trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 cũng như điều chỉnh phương án phân phối lợi nhuận 2021.

Đại hội kết thúc với tất cả các tờ trình đều được thông qua.

* Thảo luận:

Việc đóng cửa ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến Công ty không?

Phó TGĐ Song Jae Ung: Về ảnh hưởng COVID-19 của Trung Quốc, chúng tôi chuyên sản xuất theo chuỗi khép kín nên việc Trung Quốc đóng cửa không ảnh hưởng nhiều đến công ty, chúng tôi nhập từ TQ chỉ có một ít không đáng kể.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao có ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Công ty?

Phó TGĐ Song Jae Ung: Chi phí nguyên liệu tăng nhiều, giá sợi tăng cao, điều này ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi làm việc với khách hàng, tăng giá bán tương ứng với mức tăng giá mua nguyên liệu đầu vào, biên lợi nhuận cũng không ảnh hưởng quá lớn.

Động lực nào đạt kế hoạch 2022?

TGĐ Jung Sung Kwan: Thách thức từ yếu tố khách quan bên ngoài như chi phí nhân công tăng cao nên việc tuyển dụng lao động là bài toán lớn với doanh nghiệp dệt may. Bên cạnh đó, chi phí vận tải tăng cao, khách hàng Mỹ chuyển nhà máy của Việt Nam sang khu vực Trung Mỹ cũng là thách thức với chúng tôi.

Tuy nhiên, tôi đánh giá cũng có cơ hội khả quan như thị trường Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần đơn hàng xuất khẩu, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc giảm sẽ là cơ hội cho thị trường Việt Nam. Ngoài ra, các đơn vị may của Trung Quốc đa phần sẽ đa dạng hóa sản phẩm, ở Việt Nam có thể làm song song các sản phẩm rất ít và TCM làm được điều đó.

3 điểm chính để định hướng phát triển Công ty:

Thứ nhất, ngoài các sản phẩm đang sản xuất, chúng tôi sẽ đa dang hóa sản phẩm.

Thứ 2, đa dạng hóa thị phần. Hiện tại, châu Mỹ đang là thị trường chính chúng tôi xuất khẩu. Chúng tôi dự kiến gia tăng thị phần ở châu Âu và châu Á. Tôi đã có kinh nghiệm tại thị trường Hàn Quốc, bản thân tôi có những kênh bán hàng và những mối quan hệ có thể mở rộng những kênh khách hàng và nhận thêm nhiều đơn hàng nữa không chỉ đến từ E-land.

Cuối cùng, cho dù những ảnh hưởng khó khăn khách quan, mục tiêu của người đầu tàu là tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ xây dựng cấu trúc lợi nhuận bền vững bằng việc cải tổ chức, làm sao để tạo sản phẩm với giá thành thấp, cạnh tranh nhưng sản phẩm tốt.

Tôi đánh giá mục tiêu doanh số và lợi nhuận 2022 khả quan, nhất là quý 3 và 4 sẽ là chặng đường nước rút của chúng tôi. 

Nhà máy may số 2 tại tỉnh Vĩnh Long dự kiến đạt công suất tối đa vào cuối năm 2022

Đơn hàng nhà máy Vĩnh Long ra sao?

Chủ tịch Trần Như Tùng: Nhà máy mới cần có thời gian để cải thiện công suất, đơn hàng hiện tại khá tốt, các thị trường phục hồi tốt đặc biệt là thị trường Mỹ. TCM đã nhận đơn hàng cho tới quý 3 và chúng ta đã đủ đơn hàng để đưa vào nhà máy mới này.

Các khách hàng Mỹ và châu Âu hiện đánh giá cao nhà máy Vĩnh Long của TCM.

Ngoài ra, chúng tôi đã làm điện áp mái tại nhà máy Vĩnh Long và thay đổi chất đốt tại nhà máy nhuộm thay vì than đá thì chúng tôi sẽ dùng trấu để giảm lượng CO2.

Thời gian dự kiến nhà máy hoạt động full công suất?

Chủ tịch Trần Như Tùng: Đến nay, nhà máy tại Vĩnh Long đã vận hành với 5 chuyền sản xuất với 200 công nhân. Hiện tại, chúng tôi đang tuyển lao động để lắp đầy cho nhà máy. Hy vọng trong quý 3 và 4, chúng tôi sẽ tuyển đủ lao động và dự kiến nhà máy đạt công suất tối đa vào cuối năm 2022. Tại nhà máy này, chúng tôi đã thiết kế điện áp mái để tiết kiệm chi phí, giảm lượng CO2 bảo vệ môi trường… Đây là vấn đề các khách hàng quốc tế sẽ rất quan tâm.

Ông Jung Sung Kwan - TGĐ TCM phát biểu tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra sáng ngày 15/04

Năm 2021, TCM ghi nhận doanh thu thuần gần như đi ngang so với năm trước, đạt 3,535 tỷ đồng và lãi ròng giảm 48%, xuống còn 142.5 tỷ đồng. So với kế hoạch, TCM chỉ thực hiện được 84% chỉ tiêu doanh thu và 50% chỉ tiêu lãi sau thuế.

Theo ông Jung Sung Kwan - Tổng Giám đốc (TGĐ) TCM, lợi nhuận cả năm 2021 chủ yếu đến từ 6 tháng đầu năm, trong khi nửa cuối năm hòa vốn. Riêng quý 3, Công ty bị lỗ do chi phí tăng cao từ việc thực hiện sản xuất 3 tại chỗ. Đồng thời, chi phí vận chuyển, thuê container xuất khẩu tăng phi mã cũng ảnh hưởng tiêu cực lên kết quả kinh doanh của Công ty. Trong quý 4, Công ty bắt đầu hồi phục sản xuất nhưng chưa hiệu quả, chi phí logistics tiếp tục tăng đồng thời giá bán chưa tăng kịp nên biên lợi nhuận mảng may giảm mạnh, dẫn đến lợi nhuận cả năm hoàn thành không như kế hoạch.

Chia sẻ về nhà máy may 2 tại Vĩnh Long, vị TGĐ cho hay: "Tháng 5/2021, Công ty đã khởi công xây dựng nhà máy với diện tích 3.2 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD (chưa bao gồm chi phí thuê đất). Nhà máy có công suất 9 triệu sản phẩm/năm, hiện đã và đang lắp đặt máy móc thiết bị và dần đi vào hoạt động từ đầu tháng 3/2022".

Mục tiêu lãi sau thuế 2022 tăng 76%

Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch đem về 4,183 tỷ đồng doanh thu và 253.8 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 18% và 76% so với năm trước.

Tình hình kinh doanh của TCM qua các năm và kế hoạch 2022. Đvt: Tỷ đồng

TCM cho biết so với năm 2021, 2022 được dự báo là năm khởi sắc hơn cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và TCM nói riêng. Thị trường bán lẻ quần áo thế giới đã dần hồi phục sau khi dịch COVID-19 có dấu hiệu giảm dần nhờ vào việc tiêm vaccine đầy đủ.

Để hiện thực hóa mục tiêu năm 2022, TCM đưa vào vận hành nhà máy may số 2 tại KCN Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long, với 1,500 công nhân, công suất 9 triệu sản phẩm/năm, sau khi nhà máy vận hành sẽ đóng góp thêm doanh thu cho năm 2022 và những năm tiếp theo.

Về thách thức trong năm 2022, ông Tùng cho hay: “Thứ nhất, thách thức về chi phí logistics rất cao. Tôi nghĩ mọi thứ sẽ hạ nhiệt từ giờ tới cuối năm. Thứ hai, Chính phủ sẽ tăng lương tối thiểu kể từ tháng 7/2022. Thứ ba là khó khăn về giữ chân và tuyển lao động mới. Cuối cùng là yêu cầu ngày càng cao từ các nhãn hàng”. 

Ngoài việc mở rộng quy mô sản xuất, Công ty vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược sản xuất nhanh hơn, với chí phí thấp hơn, nghiên cứu phát triển (R&BD) cùng với phát triển bền vững (ESG) trong những năm tiếp theo để mở rộng thị trường và khách hàng.

Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai, TCM sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ thiên nhiên và thân thiện với môi trường thông qua Bộ phận R&BD.

Về mảng bất động sản, Công ty đang ưu tiên tập trung nguồn lực và phối hợp cùng đối tác để hoàn thành hồ sơ pháp lý, xin giấy phép xây dựng trong thời gian nhanh nhất cho dự án TC1 tại số 37 Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM nhằm gia tăng lợi nhuận cho Công ty trong những năm tiếp theo.

Lãi sau thuế quý 1 tăng 17%

Về kết quả kinh doanh quý 1, Chủ tịch TCM chia sẻ: “Doanh thu đạt hơn 47 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế hơn 3 triệu USD, tăng 17%. Riêng trong tháng 3, doanh thu tăng 26%, lên gần 18.7 triệu USD và lãi sau thuế tăng 55%, đạt hơn 1.3 triệu USD”.

Giảm mức cổ tức 2021 từ 25% xuống còn 15%

Đại hội cũng đã thông qua kế hoạch điều chỉnh phương án phân phối lợi nhuận 2021 từ mức 25% xuống còn 15%.

TCM cho biết căn cứ tình hình kinh doanh 2021, do sự ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 và thời gian làm việc “3 tại chỗ” kéo dài, tốn kém nhiều chi phí dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2021 không đạt mục tiêu đã đề ra, HĐQT đề nghị ĐHĐCĐ thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ phân phối lợi nhuận, điều chỉnh cổ tức xuống mức 15%.

Cụ thể, TCM sẽ phát hành gần 10.7 triệu cp thưởng để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn vốn trích từ quỹ đầu tư phát triển. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu sẽ tăng từ gần 714 tỷ đồng lên hơn 820 tỷ đồng.

Năm 2022, doanh nghiệp dệt may lên kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ 20% bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu, tùy theo tình hình kinh doanh của Công ty. 

Tiên Tiên

FILI

Các tin tức khác

>   BSC: Nghị quyết Hội đồng quản trị (14/04/2022)

>   FID: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (14/04/2022)

>   DTD: Nghị quyết Hội đồng quản trị (14/04/2022)

>   DL1: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (14/04/2022)

>   HHG: Báo cáo thường niên 2021 (14/04/2022)

>   CSC: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (14/04/2022)

>   HUT: Báo cáo thường niên 2021 (14/04/2022)

>   HAD: Báo cáo tài chính quý 1/2022 (14/04/2022)

>   GMA: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (14/04/2022)

>   EBS: Báo cáo tài chính năm 2021 (14/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật