Dầu tăng mạnh khi Đức không còn phản đối cấm vận dầu Nga
Giá dầu tăng vào ngày thứ Năm (28/4) sau khi báo cáo cho hay Đức không còn phản đối lệnh cấm vận dầu Nga, điều này có thể khiến nguồn cung eo hẹp hơn trên thị trường dầu thô toàn cầu vốn đã rất căng thẳng.
Các đại diện của Đức tại Liên minh châu Âu (EU) đã không còn phản đối lệnh cấm hoàn toàn dầu Nga miễn là Berlin có thời gian đảm bảo nguồn cung thay thế, Wall Street Journal đưa tin vào ngày thứ Năm.
Bài báo lặp lại nhận định của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck vào ngày 26/4, khi ông cho biết nền kinh tế lớn nhất của EU có thể đối phó với lệnh cấm vận nhập khẩu dầu Nga của Liên minh này và họ hy vọng sẽ tìm được cách thay thế dầu Nga bằng nguồn cung khác.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent tiến 2.2% lên 107.59 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 3.3% lên 105.36 USD/thùng.
Đức phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga và trước đó đã phản đối lệnh cấm vận hoàn toàn.
Trước khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, dầu Nga chiếm khoảng 1/3 nguồn cung của Đức. 1 tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức nói rằng nước này đã giảm sự phụ thuộc vào dầu Nga xuống còn 25% lượng dầu nhập khẩu của quốc gia.
Nga bắt đầu sử dụng xuất khẩu năng lượng như một đòn đáp trả sau phản ứng của Mỹ và các đồng mình về cuộc chiến Nga – Ukraine.
Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, đồng thời cố gắng thúc đẩy EU áp dụng hệ thống thanh toán khí đốt mới của mình, liên quan đến việc mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank để các khoản thanh toán bằng đồng Euro và USD có thể được chuyển đổi sang đồng Rúp (RUB).
Sản lượng dầu của Nga có thể giảm tới 17% trong năm 2022, Reuters đưa tin, khi nước này phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bất chấp sự thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra, nhóm OPEC+ bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh do Nga dẫn đầu được dự báo vẫn duy trì tốc độ tăng sản lượng khiêm tốn khi nhóm họp vào ngày 05/5, các nguồn tin chia sẻ với Reuters.
Đồng USD đã vọt lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ vào ngày thứ Năm. Đồng USD mạnh hơn thường tác động tiêu cực đến dầu, vốn được neo giá theo đồng bạc xanh, vì làm hàng hóa này trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Tại Trung Quốc, Bắc Kinh đã đóng cửa một số khu vực công cộng và tăng cường kiểm tra Covid-19 ở những nơi khác khi phần lớn 22 triệu cư dân của thành phố bắt đầu xét nghiệm hàng loạt trong một nỗ lực ngăn chặn tình trạng phong tỏa như Thượng Hải. Đợt phong tỏa gần nhất đã làm gián đoạn sản xuất tại nhà máy và các chuỗi cung ứng, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tăng trưởng toàn cầu giảm tốc do giá hàng hóa cao hơn và xung đột Nga – Ukraine leo thang có thể dẫn đến lo ngại nhiều hơn về nhu cầu dầu.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|