Cổ phiếu ngân hàng mất dần sức hút trong tháng 3
Diễn biến cổ phiếu “vua” trong tháng qua có phần tiêu cực với thị giá giảm cùng thanh khoản suy yếu đáng kể.
Kết thúc phiên 31/03/2022, chỉ số VN-Index chỉ nhích nhẹ 2.02 điểm, gần như đi ngang so với cuối tháng 2, đóng cửa ở mức 1,492.15 điểm. Theo dữ liệu VietstockFinance cho thấy, chỉ số ngành ngân hàng vào cuối phiên 31/03 giảm đến 11.1 điểm so với cuối phiên 28/02, còn 658.58 điểm.
Vốn hóa bay hơi 18,000 tỷ đồng
Trong tháng Ba, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng giảm 18,090 tỷ đồng, xuống còn 1.95 triệu tỷ đồng (tính đến phiên 31/03/2022), tỷ lệ giảm 1% so với mức 1.97 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 2.
Nguồn: VietstockFinance
|
Ở nhóm ngân hàng “gốc” Nhà nước, vốn hóa Vietcombank (VCB) giảm mạnh nhất với 3%, còn VietinBank (CTG) giảm 2% trong khi vốn hóa của BIDV (BID) không đổi
Về phía khối ngân hàng cổ phần tư nhân, vốn hóa tăng 63% so với cuối tháng 2 giúp cổ phiếu NCB (NVB) giữ vị trí dẫn đầu ngân hàng có vốn hóa tăng mạnh nhất tháng 3.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ số lượng cổ phiếu đang lưu hành của NCB tăng từ 407 triệu cp lên 557 triệu cp sau khi Ngân hàng đã chào bán 150 triệu cp ra công chúng với giá 10,000 đồng/cp.
Sau đợt chào bán này, Chứng khoán Everest nắm giữ 26.8 triệu cp NVB, tương đương 4.79% vốn Ngân hàng, còn Sun Group sở hữu hơn 827 nghìn cp NVB, tương đương 0.15%.
Kết quả đợt chào bán cổ phiếu của NCB đã chính thức đánh dấu sự xuất hiện của Sun Group trong vai trò cổ đông của Ngân hàng. Trước đó, giữa năm ngoái, một số nhân sự cấp cao của Sun Group đã chuyển sang đảm nhiệm những vai trò chủ chốt tại NCB khiến giới đầu tư tin rằng, công ty này đang sở hữu lượng lớn cổ phần Ngân hàng.
Cụ thể, tháng 7/2021, NCB đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, bầu bổ sung vào HĐQT 2 người là bà Bùi Thị Thanh Hương và bà Trương Lệ Hiền. Sau Đại hội, HĐQT đã họp và bầu bà Bùi Thị Thanh Hương vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Đáng chú ý, bà Bùi Thị Thanh Hương từng giữ vai trò CEO tại Sun Group.
Đến tháng 10/2021, Sun Group và NCB đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện. Theo đó, NCB và Sun Group sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau nhằm khai thác tối đa tiềm năng, tạo ra hiệu quả kinh doanh, tăng cường vị thế và sức cạnh tranh của mỗi bên.
Nguồn: VietstockFinance
|
Thanh khoản suy yếu
Trong tháng qua, chỉ có hơn 126 triệu cp ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, giảm 27% so với tháng 2, tương đương giảm 47 triệu cp/ngày. Theo đó, giá trị giao dịch giảm 30%, tương đương giảm hơn 1,784 tỷ đồng/ngày, xuống còn 4,114 tỷ đồng/ngày.
Nguồn: VietstockFinance
|
Với thanh khoản giảm 62% so với tháng trước, Viet A Bank (VAB) là nhà băng có thanh khoản giảm mạnh nhất, còn gần 448,000 cp/ngày.
Ngược lại, thanh khoản của cổ phiếu VBB tăng mạnh nhất trong tháng qua, gấp 6.8 lần tháng trước, nhưng chỉ vỏn vẹn có gần 204,000 cp/ngày.
Tháng 3 này, thanh khoản cổ phiếu STB tiếp tục dẫn đầu, với khối lượng khớp lệnh bình quân mỗi ngày gần 18 triệu cp, giảm 23% so tháng 2.
Trong khi đó, Bac A Bank (BAB) là ngân hàng có thanh khoản thấp nhất nhóm ngân hàng chỉ với gần 26,000 cp được giao dịch mỗi ngày, giá trị giao dịch chỉ hơn 567 triệu đồng/ngày.
Nguồn: VietstockFinance
|
Khối ngoại mua ròng gần 1,610 tỷ đồng
Trong tháng 3, khối ngoại đã mua ròng gần 43 triệu cp ngành ngân hàng. Theo đó, giá trị mua ròng gần 1,610 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong kỳ, khối ngoại mua ròng cổ phiếu STB mạnh nhất với gần 34 triệu cp, tương đương 1,104 tỷ đồng.
Bên cạnh đó VPB, EIB, SHB, MBB, VCB, VIB... là những nhà băng còn lại có khối ngoại mua ròng.
Trái lại HDB là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với gần 11 triệu cp, giá trị bán ròng tương đương 300 tỷ đồng.
Ái Minh
FILI
|