Xuất khẩu xi măng, clinker: Tăng nhưng không bền vững
Dù xuất khẩu tăng mạnh, nhưng theo các chuyên gia, tăng trưởng của ngành xi măng còn thiếu bền vững, hiệu quả giảm sút, do đang xuất khẩu clinker nhiều hơn xi măng.
Sản xuất xi măng cần hướng đến sự bền vững
|
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), năm qua, tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa sụt giảm do tác động của Covid-19, khi nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Trong bối cảnh đó, các DN xi măng đã đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh xuất khẩu, khiến sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu năm 2021 tăng đột biến. Cụ thể, sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu cả năm 2021 đạt hơn 45 triệu tấn, trị giá gần 1,8 tỷ USD, giá xuất khẩu trung bình khoảng 39 USD/tấn. Trong đó, xuất khẩu clinker chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với xi măng.
Trước đó, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 38 triệu tấn xi măng và clinker, thu về 1,46 tỷ USD. Kết quả xuất khẩu tăng vượt mong đợi đã "cứu" ngành xi măng thoát khỏi cảnh sụt giảm, đạt tăng trưởng 2%. Tiêu thụ xi măng nội địa và xuất khẩu luôn có khoảng cách lớn, với tỷ lệ lần lượt là 70 - 30% tổng mức tiêu thụ. Tuy nhiên, những năm gần đây, khoảng cách này đã dần rút ngắn lại. Năm 2021, tỷ lệ này là 58 - 42%.
Có thể thấy, thị trường nội địa - vốn là khu vực tiêu thụ chính của ngành xi măng - đang chững lại. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu tăng rất mạnh, nhất là từ các thị trường Trung Quốc, Bangladesh...
Với mục tiêu hạn chế xuất khẩu tài nguyên không tái tạo, theo Nghị định 101/2021/NĐ-CP, thuế xuất khẩu clinker dự kiến sẽ tăng từ 5% lên 10% từ ngày 1/1/2023 nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản.
Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ tăng thuế xuất khẩu đối với clinker từ mức hiện tại 5% lên 10%. Tuy việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng và clinker có thể giúp ngành xi măng tận dụng được năng lực sản xuất trong nước, nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài và bền vững vì quá trình sản xuất hai mặt hàng này chủ yếu dựa trên việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo. Bên cạnh đó, việc tăng xuất khẩu sẽ làm cạn kiệt tài nguyên trong nước, gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường trong quá trình khai thác, đặc biệt khi sản xuất xi măng và clinker tại Việt Nam sử dụng điện với giá thấp. Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam bày tỏ, nếu tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10%, khả năng xuất khẩu khó vì giá biến động liên tục và nhiều khi xuống rất thấp nên ngành xi măng sẽ rất khó khăn.
Tuy nhiên, Trung tâm phân tích SSI (SSI Research) cho rằng, việc tăng 5% thuế xuất khẩu sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Trong vài năm tới, SSI Research kỳ vọng công suất trong nước sẽ tăng từ 10 -15%. Cùng với sự giảm tốc của kênh xuất khẩu, sẽ dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường trong nước. Điều này đặc biệt xảy ra tại miền Bắc và miền Trung - nơi có các dự án mới nhiều nhất và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn.
Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - thông tin, trong kế hoạch, đầu năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản khuyến cáo gửi các DN và Hiệp hội Xi măng Việt Nam để có những giải pháp chấn chỉnh, điều tiết trong xuất khẩu clinker. Các doanh nghiệp cần cân nhắc, tính toán đến năm 2023, nếu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng cao như hiện nay, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế cao hơn... Những vấn đề này cho thấy, các doanh nghiệp xi măng muốn tồn tại và phát triển phải hướng đến sản xuất xanh và bền vững, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.
Lan Anh
Báo Công Thương
|