Thứ Hai, 07/03/2022 10:47

Xu hướng thạc sĩ làm shipper ở Trung Quốc

Hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ tại Trung Quốc chọn nghề giao hàng thay vì vào làm việc trong các nhà máy sản xuất có mức thu nhập tương đương.

The Paper đưa tin ngày 5/3, tỷ phú Zhang Xinghai, Phó đại biểu Quốc hội và là Chủ tịch Tập đoàn Xiaokang, đã lọt top tìm kiếm trên Weibo khi đưa lời khuyên khuyến khích người trẻ vào làm việc ở công ty nhiều hơn trở thành shipper.

Ông Zhang giải thích những năm gần đây, ngành giao hàng đồ ăn, thương mại điện tử đã thu hút lượng lớn người trẻ tham gia, thậm chí dịch vụ chuyển phát nhanh còn lôi kéo cả sinh viên mới ra trường. Nhiều thanh niên không còn muốn đi làm ở văn phòng, nhà máy dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động có chuyên môn.

thạc sĩ làm shipper ảnh 1

Ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc lựa chọn trở thành shipper. Ảnh: Get.

Lựa chọn mới

Cách đây nhiều năm, câu chuyện về "thạc sĩ giao đồ ăn" từng khiến dư luận xôn xao, tuy nhiên khi đó xu hướng này chưa phổ biến. Tuy nhiên, xu hướng này ngày càng lan rộng khiến chuyên gia lo ngại.

Theo South China Morning Post, báo cáo của Meituan - nền tảng mua bán và giao đồ ăn trực tuyến tại Trung Quốc - cho thấy trong nửa đầu năm 2020, ít nhất 60.000 thạc sĩ và 170.000 cử nhân Trung Quốc trở thành nhân viên giao hàng. Ước tính 24,7% trong tổng số 2,95 triệu tài xế giao hàng sở hữu ít nhất một bằng đại học, tăng 6,7% so với năm trước đó.

Hiện, vấn đề khó khăn về lao động trong ngành sản xuất mà Zhang đề cập thực sự tồn tại.

Nhiều chủ doanh nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Châu Giang cho biết rất khó tuyển lao động. Trong khi một số khu vực khác cũng thiếu hụt công nhân dù mức lương đưa ra là 10.000 nhân dân tệ/tháng (hơn 36 triệu đồng).

Tuy nhiên, những công nhân được trả mức lương cao phải có nền tảng kỹ thuật, năng lực tốt. Những người có kỹ năng chuyên môn cao lại có nhiều sự lựa chọn.

Không ít lao động phổ thông và sinh viên đại học mới ra trường chọn trở thành nhân viên giao hàng. Thực tế, nhìn chung mức lương của nghề giao đồ ăn không cao hơn so với công nhân sản xuất và mức độ cạnh tranh không hề thấp.

thạc sĩ làm shipper ảnh 2

Cử nhân, thạc sĩ chọn nghề giao hàng khiến các xưởng sản xuất thiếu hụt lao động có trình độ. Ảnh: The Paper.

Lý do khiến người trẻ theo nghề này là việc làm sẵn có, không đòi hỏi kỹ năng đặc biệt, chỉ cần có sức khỏe, chăm chỉ, họ có thể làm việc này bất kỳ khoảng thời gian nào và có thu nhập ngay.

Dù là giao đồ ăn, giao hàng thương mại điện tử hay livestream bán hàng, chúng đều có đặc điểm chung là: thu nhập hiển thị rõ ràng và tỷ lệ thuận với giá đơn hàng thanh toán. Điều này mang đến cảm giác công bằng và minh bạch, khi những gì bạn bỏ ra luôn được đền đáp xứng đáng.

Nhu cầu tự do

Những ngành mà ông Zhang Xinghai đề cập được gọi chung là "kền kền" - việc làm linh hoạt. Dù nghe tên gọi khá hiện đại, song đây lại là nhóm nghề thiếu tính ổn định và ý nghĩa lâu dài, còn cần cải thiện các điều kiện về phúc lợi.

Nhiều người cảm thấy khó hiểu khi người trẻ chọn làm nhân viên giao hàng thay vì vào làm cho một nhà máy với mức lương tương đương. Theo tác giả bài viết trên The Paper, điều mà nhóm việc làm linh hoạt mang lại cho giới trẻ không phải mức cạnh tranh về tiền lương mà là cảm giác tự do.

Ngành sản xuất ổn định hơn và có sự phát triển kỹ năng. Từ công nhân nhỏ lên kỹ sư hay quản lý có một lộ trình rõ ràng, tuy nhiên thường thiếu tự do, thiếu bất ngờ và tính khám phá.

thạc sĩ làm shipper ảnh 3

Người trẻ chọn làm shipper vì cảm giác tự do. Ảnh: ifeng.

Giao đồ ăn hay làm công nhân nhà máy không phải hai lựa chọn đối lập nhau, và giao đồ ăn từ lâu đã phát triển thành ngành "chỉ cần có nhu cầu". Không thể thúc đẩy người trẻ chuyển từ nghề shipper vào làm nhà máy thông qua hạn chế thương mại điện tử và bán đồ ăn mang đi.

Ở góc độ khác, ngành công nghiệp sản xuất cần tạo ra những thay đổi. Bên cạnh tăng lương, các lãnh đạo cũng nên quan tâm đến "thu nhập tinh thần" của ngành này. Cần tìm giải pháp giúp người trẻ thoát khỏi cảm giác nhàm chán, sợ hãi với dây chuyền lắp ráp, để họ thấy được thành tựu và nhu cầu vươn lên trong công việc.

Doanh nghiệp, chính phủ và xã hội cần hiểu tâm lý của người trẻ trong nền văn hóa mới: họ cần tự do, tự chủ và được khẳng định bản thân. Giới trẻ có nhiều lựa chọn hơn chính là minh chứng cho sự tiến bộ xã hội.

Đinh Phạm

ZING

Các tin tức khác

>   Chuyên gia nói về việc Bộ Y tế đề xuất cho F0, F1 đi làm (06/03/2022)

>   Grab tăng cước tất cả dịch vụ (06/03/2022)

>   Con đường tiến tới bình thường hóa của thế giới hậu COVID-19 (06/03/2022)

>   Tương lai mù mịt của du lịch vì xung đột Nga - Ukraine (06/03/2022)

>   Cận kề ngày 8/3: Giá hoa tươi tăng mạnh, cành hoa hồng in chữ độc lạ hút khách (06/03/2022)

>   Bao giờ COVID là bệnh thông thường? (05/03/2022)

>   UBND TP HCM ra văn bản khẩn vì F0 tăng (04/03/2022)

>   Trào lưu tuần làm việc 4 ngày vực dậy 'zombie công sở' (04/03/2022)

>   Việt Nam có bao nhiêu người 'siêu nghèo'? (04/03/2022)

>   TP HCM tăng cường quản lý mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19 (04/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật