Con đường tiến tới bình thường hóa của thế giới hậu COVID-19
Tại châu Âu, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và ca nhiễm biến thể Omicron có xu hướng ít chuyển biến nghiêm trọng hơn, hàng loạt quốc gia đang loại bỏ những quy tắc được coi là không còn hiệu quả.
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở de Bilt, Hà Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Tình hình dịch COVID-19 trong tuần tính đến sáng 6/3 đã có nhiều chuyển biến tích cực khi số ca mắc mới và tử vong toàn cầu có chiều hướng giảm so với tuần trước, với tỷ lệ lần lượt là 11% và 19%.
Xu hướng này được ghi nhận ở hầu hết các châu lục, ngoại trừ châu Á khi số ca nhiễm mới tăng thêm 7% nhưng số ca tử vong lại giảm 3%. Ngày càng nhiều những ý kiến kêu gọi xem COVID-19 là bệnh đặc hữu bởi con người đã có được hiểu biết nhất định và những công cụ hữu hiệu chống lại dịch bệnh.
Tại châu Âu, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và ca nhiễm biến thể Omicron có xu hướng ít chuyển biến nghiêm trọng hơn, hàng loạt quốc gia đang loại bỏ những quy tắc được coi là không còn hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch.
Anh và Thụy Sĩ thông báo sẽ loại bỏ điều kiện xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành đối với người đã tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu khác rút ngắn thời gian cách ly và nới hạn chế đi lại theo cấp độ dịch.
Một số nước, như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Croatia và Đan Mạch, còn nới lỏng yêu cầu về tiêm chủng, dù chỉ giới hạn cho du khách đến từ châu Âu hoặc khối Schengen, những người có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc mới bình phục gần đây.
Iceland và Na Uy tháng trước đã dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19, đồng nghĩa du khách không cần thực hiện các xét nghiệm hay tiêm chủng để nhập cảnh, dù một số quy tắc vẫn được áp dụng ở quần đảo Svalbard của Na Uy.
Giống Đan Mạch, cả hai nước đều đang loại bỏ các quy định ở trong nước, như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và giới hạn người tham dự các sự kiện. Chính phủ Bỉ cũng đã quyết định dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế kể từ ngày 7/3 khi kết thúc kỳ nghỉ Xuân.
Ngoài ra, Bỉ cũng dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ngoại trừ trên các phương tiện giao thông và các cơ sở chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, người dân vẫn phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội 1,5 m.
Đức đang thực hiện "bước thứ hai" trong lộ trình 3 bước nhằm nới lỏng các biện pháp hạn chế để chống dịch COVID-19, theo đó mở cửa trở lại các dịch vụ nhà hàng, quán bar, cà phê và khách sạn cho cả những người chưa tiêm chủng.
Kể từ ngày 4/3, những người chưa tiêm chủng vẫn có thể đến nhà hàng hoặc những địa điểm, không gian công cộng, nhưng sẽ thực hiện quy tắc 3G (có chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2).
Các câu lạc bộ đêm và vũ trường cũng được phép mở cửa trở lại với quy tắc 2G+ (đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi và xét nghiệm âm tính).
Tây Ban Nha đang cân nhắc dừng ứng phó với COVID-19 như một cuộc khủng hoảng, mà tiếp cận giống như bệnh cúm hoặc bệnh sởi, tức chấp nhận nguy cơ xuất hiện những đợt bùng phát, nhưng bố trí nguồn lực y tế để chăm sóc người bệnh.
Anh cũng đã cải tiến chiến lược đối phó với COVID-19. Các thay đổi bao gồm thời gian cách ly ngắn hơn và loại bỏ quy định xét nghiệm cho những du khách tới Anh.
Người dân Pháp gặp gỡ nhau tại một quán bar ngoài trời ở thành phố miền Bắc Lille, khi lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 được nới lỏng, ngày 19/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Nguyên nhân chủ yếu là do chủng Omicron đã lan rộng ở Anh nên việc xét nghiệm cũng không khiến tốc độ lây lan giảm là bao. Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định mọi người "phải học cách chung sống với COVID giống như cách chúng ta chung sống với bệnh cúm."
Trong khi đó, Mỹ đã ghi dấu giai đoạn mới trong phản ứng với dịch COVID-19 khi Tổng thống Joe Biden ngày 1/3 tuyên bố "COVID-19 không còn kiểm soát cuộc sống của chúng ta."
Hiện nay, với trên 75% người dân Mỹ đã được tiêm vaccine, các chuyên gia hy vọng rằng nước này có thể hướng đến kiểm soát dịch bệnh tốt hơn và chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu.
Trong tuần qua, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở Mỹ giảm tới 35% và trường hợp tử vong giảm 24%. Tín hiệu tích cực này đã thúc đẩy Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nới lỏng quy định về đeo khẩu trang. Yêu cầu đeo khẩu trang giờ đây chỉ còn áp dụng cho chưa đầy 1/3 dân số.
Hồi tháng 2 vừa qua, California đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, đồng nghĩa với việc bang đông dân nhất nước Mỹ sẽ dừng các chính sách đối phó với khủng hoảng mà chuyển sang chung sống với COVID-19.
Tại Đông Á, Hàn Quốc vẫn đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 gia tăng, lần đầu ghi nhận mức tăng ca mắc mới vượt ngưỡng 260.000 ca/ngày. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ kéo dài thời gian hoạt động của các doanh nghiệp thuộc 12 lĩnh vực, trong đó bao gồm các nhà hàng và quán cà phê.
Nhật Bản sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm cho phép nhiều người nhập cảnh hơn, đặc biệt là sinh viên, song vẫn siết chặt quy định ở một số khu vực, trong đó có Tokyo. Ca nhiễm ở Nhật Bản đã bắt đầu giảm song vẫn giữ ở mức tương đối cao. Nhật Bản ngày 4/3 ghi nhận hơn 64.300 ca nhiễm mới.
Tại Việt Nam, mặc dù số ca mắc COVID-19 tăng nhưng tỷ lệ chuyển nặng, tử vong thấp cho thấy rõ tính hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch đang được triển khai, trong đó có chiến dịch tiêm vaccine thành công, đạt tỷ lệ bao phủ rất cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực, cũng như việc kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả giữa điều trị tại cơ sở y tế và điều trị tại nhà, kiểm soát rủi ro.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Trong hơn 2 năm qua, virus SARS-CoV-2 đã biến đổi với sự xuất hiện của nhiều biến thể nguy hiểm mới. Tuy nhiên, thế giới cũng đã nỗ lực tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả, phát triểu nhiều mẫu vaccine hay các loại thuốc giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong của người bệnh.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây nhận định COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, nhưng có thể sớm trở thành một loại bệnh đặc hữu như cúm hoặc sởi, có nghĩa là tỷ lệ người dân có kháng thể cao nhờ được tiêm chủng hoặc do đã nhiễm bệnh, số ca mắc mới tăng ở mức thấp ổn định và tỷ lệ người gặp biến chứng nặng giảm.
WHO cũng đặt kỳ vọng 2022 là năm mà con người kết thúc giai đoạn cấp tính của dịch COVID-19. Để thực hiện mục tiêu đó, WHO vẫn nỗ lực vận động các nước giải quyết tình trạng bất công bằng vaccine, hướng tới tiêm chủng vaccine COVID-19 khoảng 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022.
Vietnam+
|