Để làm rõ cơ sở pháp lý của vấn đề này, Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội:
Thưa Luật sư Trần Văn Toàn, cá nhân ông đọc những thông tin về việc Cơ quan điều tra “truy thu” số tiền 21,2 tỷ đồng lãi vay, liên quan đến thỏa thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty Tân Thuận và QCGL, ông có nhận xét gì?
Tôi chưa được đọc kết luận điều tra bổ sung của cơ quan điều tra về vấn đề này và chưa biết rõ đề xuất của cơ quan điều tra cụ thể như thế nào nên việc nhận xét, đánh giá về việc này sẽ là không khách quan.
Tuy nhiên, tôi muốn nói đến vấn đề có tính nguyên tắc mà Hiến pháp và pháp luật quy định, làm cơ sở cho việc giải quyết các tình huống pháp lý cụ thể của cơ quan bảo vệ pháp luật khi xử lý các vụ án hình sự.
Theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự quy định thẩm quyền của cơ quan điều tra trong việc thu thập, quản lý vật chứng của vụ án. Không có quy định nào của Bộ luật tố tụng cho phép cơ quan điều tra “truy thu” số tiền lãi phát sinh từ giao dịch dân sự, kinh tế giữa hai pháp nhân nên thông tin về việc cơ quan điều tra truy thu số tiền lãi mà Công ty Tân Thuận trả cho Công ty QCGL, tôi cho là không chính xác.
Trong vụ án này, Viện Kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của Tổng giám đốc QCGL trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty Tân Thuận, ông nhận xét như thế nào về yêu cầu này của VKS?
Thực tiễn có nhiều vụ việc chuyển nhượng tài sản nhà nước có phát sinh tiêu cực và có liên quan đến cả bên mua, như vụ án AVG xảy ra tại Tổng Công ty Mobifone; hoặc mua sắm tài sản bằng vốn ngân sách có tiêu cực liên quan đến bên bán như vụ án mua bộ kit xét nghiệm xảy ra tại Công ty Việt Á.
Luật sư Trần Văn Toàn
|
Trong các vụ án này bên mua (hoặc bên bán) có thông đồng với đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quản lý tài sản Nhà nước để trục lợi và có xảy ra các hành vi phạm tội đưa hối lộ. Do đó, việc điều tra cần làm rõ có hay không hành vi trên cũng là cần thiết, nên việc VKS trả hồ sơ cũng có căn cứ để làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ án.
Đối với vụ án xảy ra tại Công ty Tân Thuận, theo tôi được biết, trong vụ án này thì kết luận điều tra bổ sung lần 1, CQĐT cũng xác định không có cơ sở xác định Tổng giám đốc Công ty QCGL có sự thông đồng, cấu kết với các cá nhân trong Công ty Tân Thuận để có lợi trong việc ký kết các hợp đồng chuyển nhượng nên không có cơ sở xem xét trách nhiệm.
Như vậy, vấn đề này đã được giải quyết và cơ quan điều tra đã kết luận rõ ràng rồi.
Có ý kiến cho rằng, phải thu số tiền lãi 21,2 tỷ đồng và phải xử lý trách nhiệm đối với Tổng Giám đốc Công ty QCGL ngay cả khi không có hối lộ, không có thông đồng với Công ty Tân Thuận. Quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?
Mặc dù việc nêu ý kiến như trên chỉ là việc bày tỏ quan điểm nhưng tôi cho rằng, những người nêu quan điểm như trên rõ ràng là muốn hình sự hóa một quan hệ kinh tế, dân sự. Điều này là vi phạm pháp luật và chính sách của Đảng, Nhà nước.
Để xem xét trách nhiệm cá nhân và thu giữ tài sản của cá nhân, tổ chức thì phải căn cứ quy định của pháp luật, đó là nguyên tắc bắt buộc đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, và thi hành pháp luật; không thể căn cứ vào quan điểm hay sự yêu, ghét.
Nếu không có căn cứ xác định Công ty Quốc Cường Gia Lai thông đồng với lãnh đạo Công ty Tân Thuận, nghĩa là Công ty QCGL không có vi phạm pháp luật nên không có bất cứ lý do hay căn cứ nào làm khó dễ doanh nghiệp này.
Về mặt đạo lý, giá bán do bên bán quyết định chứ không phải do bên mua. Do đó, việc bán rẻ tài sản (nếu có) thì người bán chịu trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho người mua được. Về mặt pháp lý cũng vậy, bên có tài sản quyết định giá bán và họ chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình, không thể chuyển trách nhiệm đó sang bên mua. Người ta không thể bị coi là có tội chỉ vì mua tài sản, có thể là giá thấp hoặc giá rẻ.
Về phương diện tài chính, kinh tế thì Công ty Tân Thuận nhận tiền của của QCGL và sử dụng số tiền đó để thu lợi trong một thời gian (11 tháng) nên khi hoàn trả cho Công ty QCGL theo thỏa thuận hủy hợp đồng thì Công ty Tân Thuận phải trả cho QCGL khoản tiền lãi bằng với lãi suất tiết kiệm (6,9%/năm) là phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với khoản tiền lãi 21,2 tỷ đồng, theo tôi đây là khoản tiền mà Công ty QCGL sở hữu hợp pháp từ giao dịch kinh tế, dân sự với Công ty Tân Thuận. Giao dịch này được pháp luật công nhận. Ngay cả việc xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Công ty Tân Thuận liên quan đến quản lý tài sản Nhà nước thì cũng không có cơ sở pháp lý để thu giữ, thu hồi số tiền này của Công ty QCGL vì đó là tài sản hợp pháp của Công ty QCGL.
Quan điểm cho rằng, lãnh đạo Công ty Tân Thuận sai phạm trong quản lý tài sản nhà nước thì các tổ chức, cá nhân có giao dịch với Công ty Tân Thuận cũng phải chịu trách nhiệm và các giao dịch dân sự liên quan, là một quan điểm sai lầm và không có căn cứ pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn Luật sư
|