Vietstock Daily 01/04/2022: Tâm lý đang dần ổn định
Tâm lý nhà đầu tư dần ổn định sau những thông tin tiêu cực. Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn còn khi chỉ số tiếp tục giằng co bên dưới vùng kháng cự mạnh. Khối lượng giao dịch sụt giảm cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa giao dịch mạnh trên thị trường.
I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CƠ SỞ NGÀY 31/03/2022
- Các chỉ số thị trường giao dịch thận trọng trong phiên ngày 31/03/2022. Kết phiên, chỉ số VN-Index tăng 0.11%, đạt 1,492.15 điểm; HNX-Index giảm 0.35%, dừng ở mức 449.62 điểm.
- Thanh khoản trên cả hai sàn ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt 633 triệu đơn vị, giảm 28.11% so với phiên giao dịch trước. Khối lượng khớp lệnh trên HNX giảm 8.27%, đạt 120 triệu đơn vị.
- Khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE với giá trị gần 338 tỷ đồng, bán ròng trên sàn HNX với giá trị hơn 4.5 tỷ đồng.
- Thị trường chứng khoán khởi đầu phiên với tâm lý khá tích cực, sắc xanh lan tỏa đều lên các nhóm ngành trong nửa đầu phiên sáng. Tuy nhiên, với áp lực bán lớn dần tại các nhóm ngành bất động sản và chứng khoán, đồng thời thiếu vắng lực đỡ của các cổ phiếu Large Cap đã khiến các chỉ số chính đảo chiều và thu hẹp đà tăng. Kết thúc phiên, VN-Index chỉ tăng nhẹ 1.64 điểm, trong khi đó HNX-Index giảm nhẹ 1.58 điểm.
- Tại rổ VN30, sắc xanh có sự áp đảo với 19 mã tăng, 9 mã giảm và 2 mã đứng giá. Ở chiều tăng, VNM duy trì đà phục hồi ấn tượng với sắc xanh 6.2%, cùng thanh khoản đột biến 9.6 triệu đơn vị và thoát khỏi trend giảm kéo dài từ tháng 1/2021. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho triển vọng ngắn hạn của VNM. Ở chiều ngược lại, các mã STB, GAS, PDR và MSN là những mã giảm mạnh nhất với mức giảm từ 1.3%-1.7%.
- Về mức độ ảnh hưởng, VNM là mã có đóng góp nhiều nhất cho sắc xanh của VN-Index với 2.6 điểm tăng. Trong khi đó, GAS, MSN, HPG và DIG là những mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số.
- Nhóm cổ phiếu dầu khí và phân bón tiếp tục điều chỉnh trên diện rộng sau thông tin Mỹ cân nhắc giải phóng 180 triệu thùng dầu dự trữ khiến giá dầu giảm mạnh 5%. Kết phiên, PVC giảm mạnh 5.4%, OIL và PVD mất hơn 3%, PVS giảm 2.8%, DCM giảm 3.5%, DPM giảm 1.9%...
- Nhóm cổ phiếu chế biến thủy sản chịu áp lực chốt lời ngắn hạn, cả nhóm có 7 mã giảm và chỉ 2 mã tăng. Trong đó, KHS giảm kịch sàn 9.9%, CMX giảm 2.9%, FMC giảm 2.8%, AAM giảm 2.6%...
- Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, trong khi nhóm bất động sản dân dụng ghi nhận sự ảm đạm thì nhóm bất động sản công nghiệp lại có sự khởi sắc với nhiều tăng tốt như TID (+7.6%), VGC (+6.9%), IDC (+6.8%), LHG (+4.4%)…
- Tâm lý nhà đầu tư dần ổn định sau những thông tin tiêu cực. Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn còn khi chỉ số tiếp tục giằng co bên dưới vùng kháng cự mạnh. Khối lượng giao dịch sụt giảm cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa giao dịch mạnh trên thị trường.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Phân tích Xu hướng và Dao động giá
VN-Index - Long-Legged Doji xuất hiện
Trong phiên giao dịch ngày 31/03/2022, VN-Index giằng co mạnh và xuất hiện mẫu hình Long-Legged Doji. Điều này cho thấy tâm lý phân vân của nhà đầu tư.
Khối lượng giao dịch xuống mức thấp và chỉ báo Stochastic Oscillator cho tín hiệu bán gần vùng overbought nên rủi ro tăng lên trong ngắn hạn.
HNX-Index - Phân kỳ giá xuống xuất hiện
HNX-Index test vùng 440-450 điểm (tương đương ngưỡng Fibonacci Retracement 23.6%) nhưng không có dấu hiệu hồi phục. Phân kỳ giá xuống của Stochastic Oscillator đang khiến giới đầu tư lo ngại về nguy cơ kết thúc đà tăng.
Chỉ báo MACD và Stochastic Oscillator đồng loạt cho bán nên chỉ số sẽ tiếp tục rung lắc trong thời gian tới.
Phân tích Dòng tiền
Biến động của dòng tiền thông minh: Chỉ báo Negative Volume Index của VN-Index vẫn duy trì trên đường EMA 20 ngày. Nếu trạng thái này tiếp tục trong phiên tới thì rủi ro sụt giảm bất ngờ (thrust down) sẽ được giảm thiểu.
Biến động của dòng tiền từ khối ngoại: Khối ngoại mua ròng trong phiên giao dịch ngày 31/03/2022. Nếu nhà đầu tư nước ngoài duy trì hành động này trong những phiên tới thì tình hình vẫn sẽ lạc quan.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 31/03/2022
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|