Nhịp đập Thị trường 31/03: VN-Index tưởng "rụng" trong phiên chiều nhưng kịp hồi lúc đóng cửa
Diễn biến đầu phiên chiều lại khiến NĐT nhớ lại chiều qua (30/03), khi VN-Index lại bắt đầu rơi, chọc thủng tham chiếu ngay trước 14h. Tuy nhiên chỉ số lại hồi phục kịp, quay về với sắc xanh và giữ nguyên màu cho đến lúc đóng cửa. Mốc 1,500 điểm có vẻ khó nhằn, dù động lực không hề thiếu.
Chỉ số Nhóm VN30 có diễn biến đồng dạng với VN-Index, nhưng lạc quan hơn, và chưa hề chọc thủng đường tham chiếu, thậm chí đóng cửa còn đạt điểm số khá cao trong cùng ngày. Tương quan tăng giảm giá của nhóm vào lúc đóng cửa là 19 tăng vs 9 giảm giá, trong đó tăng nổi bật nhất là VNM và VRE, còn giảm sâu nhất là STB và GAS.
Chỉ số HNX-Index có lẽ chịu tác động từ sàn HOSE, nhưng khi VN-Index hồi phục, thì chỉ số bên này lại không, hay nói cách khác là rất khó khăn khi muốn quay lại đường tham chiếu, thậm chí lúc đóng cửa vẫn giảm gần 0.4%. Có vẻ như rất nhiều Large Cap lẫn các mã nhỏ hơn trên sàn HNX có diễn biến tiêu cực hơn trong phiên chiều. Bất chấp những điểm sáng như IDC hay NVB, nhiều Large Cap khác đổi màu hoặc giảm giá mạnh hơn so với ban sáng, như CEO, PVS, MBS, VCS, PHP, VNR…
Chỉ số UPCoM-Index cũng chọc sâu xuống bên dưới đường tham chiếu trước 14h, nhưng kịp hồi lại, thậm chí tăng trở lại vào những phút cuối của phiên chiều. Còn đường phục hồi cũng không khó nhằn như HNX-Index. Thậm chí nếu nhìn vào nhóm Large Cap trên sàn UPCoM, sẽ thấy có vẻ như số mã tăng giá còn nhiều hơn số giảm giá, trong đó có những mã tăng nổi trội như VEF, VEA, SIP, hay kịp đổi qua màu xanh như ACV, VGT, VGI.
Với diễn biến tiêu cực trong nửa đầu phiên chiều, cộng với con đường phục hồi khá gian nan ở 2 sàn HNX và UPCoM, số lượng cổ phiếu tăng giá trên cả 3 sàn chiếm chưa đến 35% (trên tổng số cổ phiếu có giao dịch trong ngày), ngược lại có đến hơn 50% số cổ phiếu giảm giá. Xét ở 3 nhóm vốn hóa, Large Cap được xem là khá cân bằng, nhưng ở 2 nhóm nhỏ hơn, số cổ phiếu giảm giá nhiều hơn hẳn số tăng giá.
Dù có nhiều cổ phiếu ngân hàng trên HOSE tăng giá, nhưng nếu tính cả 3 sàn, tương quan tăng giảm giá ở nhóm này khá cân bằng, 11 tăng:9 giảm. Tăng giá tốt nhất nhóm này lại là NVB, 1 trong mấy ngân hàng cho vay cầm cố hệ sinh thái FLC. Nói chung nhóm ngân hàng tuy có nhiều mã tăng giá, nhưng mức tăng bình quân không lớn, và do đó coi như đóng góp cho các chỉ số quan trọng như VN-Index, VN30-Index có lẽ là không nhiều.
Nhóm BĐS khu công nghiệp khởi sắc hơn trong phiên chiều. Nếu như ban sáng nhóm này có nhiều sắc đỏ, thì đến cuối phiên chiều chỉ còn lác đác ở SNZ, SZL… BII là mã giảm sâu nhất, nhưng có lẽ liên quan đến yếu tố đầu cơ nào đó, hơn là giảm theo ngành. Tăng giá tốt nhất là 2 “cha-con” TID-TIP. LHG, SIP cũng là những cái tên đáng chú ý.
Ở các nhóm ngành nhỏ hơn, tích cực vẫn hiện diện ở nhóm chất thải & môi trường, dệt may, thiết bị điện, sản xuất và phân phối bia, săm lốp, dịch vụ viễn thông… Dệt may là nhóm ngành có khá nhiều cổ phiếu, và cũng khởi sắc hơn trong phiên chiều, dù mức tăng bình quân không lớn, tiêu biểu là VGG, EVE, GMC, PPH, LGM…
Cổ phiếu xây dựng đổi màu nhiều trong phiên chiều. Ngược hẳn với phiên sáng, số lượng cổ phiếu giảm giá của nhóm này tăng lên rất rõ rệt, thậm chí số mã giảm từ 6% trở lên cũng nhiều hơn hẳn, trong đó có những cái tên như HUT, CIG, MCG, ROS, PXI, TGG, UDC, KDM, VC3, VC9, CT3, CNN… Ngay cả những tên tuổi lớn, cổ phiếu xanh trong phiên sáng thì qua phiên chiều đã đổi sang màu đỏ, như CTI, CTD, FCN, DPG, HBC…
Cổ phiếu dầu khí giảm sâu hơn trong phiên chiều, bao gồm cả GAS và những tên tuổi khác. Trong số này, những mã giảm khá sâu bao gồm PVC, OIL, DCM.
Ở nhóm sắt thép, không nói đến SMC giảm giá hơn 6% có lẽ do tin ra (kế hoạch lợi nhuận 2022 giảm rất mạnh), trường hợp giảm giá của NKG là câu hỏi khá lớn cho những người hâm mộ ngành tôn mạ. Cổ phiếu này có lúc giảm tới hơn 5%, cuối ngày hồi 1 chút, còn giảm hơn 4%. Khối ngoại mua ròng khá lớn, như vậy giảm giá là do khối nội. Nếu tính cả 2 phiên trước đó, NKG đã giảm giá gần 10%, trong khi đồng nghiệp HSG lại không có giảm nhiều như thế. Ngoài NKG, rất nhiều cổ phiếu khác trong ngành này cũng giảm giá, bao gồm cả HPG, dù mức giảm nhẹ hơn.
Phiên sáng: Dầu khí, sắt thép giảm kéo lùi VN-Index
Chỉ số VN-Index có xu hướng rơi sau thời điểm giữa phiên sáng, diễn biến xấu dần cho đến sau 11h thì hồi nhẹ. Tuy nhiên về tổng thể sàn HOSE, chỉ số có vẻ chịu tác động từ các nhóm dầu khí, sắt thép hay xây dựng. Ngân hàng và BĐS vẫn là 2 nhóm lớn có nhiều sắc xanh trên HOSE, nhưng mức tăng giá nói chung, hay là lực đỡ cho chỉ số là khá yếu.
Trong phiên sáng, xây dựngtrở thành nhóm bắt mắt nhất 3 sàn, với rất nhiều cổ phiều duy trì được đà tăng giá trong cả phiên sáng nay, trong đó nổi bật lên có SJG, CTR, DPG, HUB… Những tên tuổi khác như CTD, CII, HBC, FCN, LCG, HHV… cũng đều tăng giá, nhưng những mã hàng nóng như HUT, L14, LLM… thì vẫn đang giảm khá sâu.
GAS đã giảm dần đều trong phiên sáng nay, hiện giảm 1.2% vào cuối phiên. Diễn biến khá ảm đạm của GAS cũng tương tự như nhiều cổ phiếu dầu khí nhà PVN khác, như BSR, OIL, PVC, PVD, PVS, PVT… Có lẽ thông tin diễn biến giá dầu thế giới sáng nay là yếu tố chính tô màu đỏ cho nhóm này.
Đối với nhóm sắt thép, NKG đang giảm sâu 1 cách khá khó lý giải tới 4.8% cuối phiên sáng nay, dù khối ngoại mua ròng. Tương tự, HSG cũng giảm hơn 2%. HPG may mắn hơn, chỉ giảm nhẹ 0.3%. SMC giảm 4.6% nhưng mã này có tin, cụ thể là kế hoạch lợi nhuận năm nay dự kiến giảm cực kỳ sâu. Nhìn chung nhóm sắt thép đa phần khoác áo đỏ, ngoại trừ số ít như TLH hay SHI.
Chỉ số HNX-Index đã đổi màu sau 11h, nhưng kịp hồi nhẹ, có lẽ chịu ảnh hưởng từ sàn HOSE. Điều khá khó hiểu là Large Cap sàn HNX dù phân hóa khá rõ, nhưng tương quan tăng giảm giá khá cân bằng. cụ thể, nếu bên tăng giá có những cổ phiếu nổi bật kiểu IDC, NVB, thì phía giảm giá cũng có PVS, HUT… Chỉ có thể lý giải là chỉ số sàn này có thể chịu tác động khá lớn từ Mid Cap và Small Cap, vốn có khá nhiều mã mang yếu tố đầu cơ trong thời gian qua, và đa số giảm giá trong nửa cuối phiên sáng nay.
Chỉ số UPCoM-Index lượn 2 vòng bên trên tham chiếu, dù vẫn được đỡ từ SJG, FOX, VEA, VEF, VFT, MCH… trong đó VEA đã nâng đà tăng lên hơn 6%, nhưng chỉ số sàn Upcom vẫn không thể tăng điểm mạnh, bởi vẫn còn khá nhiều largecap khác chìm vào trong sắc đỏ như BSR, KLB, OIL, SIP, SNZ, TVN, VGI hay VTP…
Tương quan tăng - giảm giá ở nhóm BĐS nhà ở và khu công nghiệp nhìn chung vẫn khá cân bằng, tuy nhiên ở những tên tuổi nổi bật trong ngành này, hoặc những mã tăng giá mạnh đầu phiên, thì dường như có điểm chung là mức tăng thị giá đang yếu đi khá rõ, ví dụ như tại AGG, KDH, NLG, NVL, IDC, KBC, PHR, SZC… Chỉ có số ít vẫn giữ đà tăng khá mạnh kề từ giữa cho đến cuối phiên, như D2D, DXG, VRE, ITA… hay VRG.
Cả 3 cổ phiếu săm lốp đều tăng giá khá tích cực sáng nay, nhất là DRC, chỉ trong vài phiên đã tăng giá hơn 10%. Không rõ đợt tăng giá này có phản ánh điều gì trong kết quả SXKD Q1 hay không?
Tương tự, cả 3 cổ phiếu ngành sữa là VNM, MCM và IDP đều tăng giá ít nhất 2% sáng nay, trong đó VNM được khối ngoại mua ròng khá lớn. trên biểu đồ VNM, có thể coi như cổ phiếu này đang tạo đáy 1 năm.
10h45: VN-Index lại tiến gần mốc 1,500
Hôm qua (30/03), VN-Index từng chạm 1,503 điểm, nhưng cuối phiên chiều rơi mất 13 điểm từ đỉnh đó. Giữa phiên sáng nay, chỉ số tăng trở lại, tiệm cận mốc 1,500 điểm 1 lần nữa, và nếu không có chuyển biến gì bất ngờ, có lẽ chỉ số sẽ đạt trong ngày hôm nay. Diễn biến tăng của VN-Index đang cùng chiều với khá nhiều chỉ số sàn châu Á (trừ Trung Quốc).
Giá dầu Brent future sáng nay (giờ VN) đang giảm hơn 4%, và có lẽ đó là yếu tố khiến rất nhiều cổ phiếu dầu khí quay qua giảm giá, dù đầu phiên còn tăng giá nhẹ. GAS hiện đang giảm giá 500 đồng (-0.45%), hàng loạt tên tuổi khác cũng giảm từ 0.5 đến 2%, như BSR, DCM, DPM, OIL, PVC, PVD, PVS, PVT, PXS. POW bất ngờ tăng giá nhẹ 50 đồng/cp, mức tăng thật mong manh.
Diễn biến 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index có vẻ không đồng pha với VN-Index lúc giữa phiên sáng nay. Cụ thể HNX-Index có dấu hiệu rơi, còn UPCoM-Index thì từng rơi về sát tham chiếu, sau đó hồi nhẹ. Trên sàn HNX, dù IDC, THD và mấy Large Cap chứng khoán vẫn đỡ chỉ số, nhưng 1 số mã bên dầu khí và VCS, PHP giảm 1-2% đang kéo tụt chỉ số. Bên sàn UPCoM, sắc đỏ đang loang ra trên Large Cap, trong đó có 1 số cổ phiếu giảm đáng kể như KLB, BSR, TVN, SIP, VGI hay VTP.
Cấp thoát nước và may mặc tiếp tục nổi sóng, dù hơi chậm. Ở 2 nhóm ngành này đang có những cổ phiếu tăng mạnh như PJS, NNT, VCW, VWS… (cấp thoát nước) hay LGM, NTT, TTG, VDM… (may mặc). Ngược lại, nhóm ngành “hot” đầu phiên là than đá, dù hầu hết cổ phiếu vẫn tăng giá vào lúc này, nhưng độ cao đã giảm khá nhiều.
Nhóm ngân hàng tiếp tục duy trì sắc xanh trên diện rộng (16 tăng vs 5 giảm giá), nhưng mức tăng giá hiện rất khiêm tốn. Không có mã nào tăng hơn 2%, thậm chí tăng hơn 1% cũng chỉ có mỗi TPB, nhưng ngược lại KLB thì đang giảm hơn 2%.
Nhóm BĐS nhà ở lẫn khu CN đang có vẻ muốn nâng đà phục hồi giá, dù diễn biến có vẻ thận trọng, Ở các tên tuổi lớn, VRE tăng tới 3%, KBC hay DXG tăng xung quanh 2%. Thậm chí ở bên BĐS khu CN, có nhiều mã tăng mạnh như IDC, LHG, TID, TIP và VRG. Tuy nhiên 1 số mã được cho là có yếu tố đầu cơ ở nhóm này vẫn giảm khá sâu và chưa thấy dấu hiệu chuyển màu, bao gồm HAR, VRC, PVL, TIG… và mấy mã nhà FLC.
Mở cửa: Thị trường cố gắng cắt cơn giảm giá chiều qua
VN-Index mở cửa tăng nhẹ 5 điểm, 2 chỉ số 2 sàn còn lại cũng tăng, cho thấy thị trường không có tình cảnh bán cổ phiếu trên diện rộng như phiên chiều qua. Dù vậy, VN-Index cũng chưa quay lại ngay mốc 1,500 như kỳ vọng. Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đỡ VN-Index, nhưng đầu phiên sáng nay, BĐS, sắt thép, chứng khoán… cũng là các nhóm ngành lớn đóng góp nhiều Large Cap đỡ chỉ số.
Thị trường đang chuẩn bị bước vào mùa công bố BCTC quý 1/2022, thậm chí còn có mùa ĐHCĐ đến sớm trong năm nay. Do đó thông tin liên quan đến cổ phiếu đang ra với mật độ ngày càng dày, và NĐT cần lưu ý trước khi muốn bán cổ phiếu.
Nhóm VN30 đang có 19 mã tăng giá, so với 10 giảm giá sau ATO, nhưng mức tăng chỉ số nhóm này lại nhẹ hơn so với VN-Index. Trong nhóm này, nhìn chung cũng không có mã nào tăng hay giảm nổi bật, hầu hết chỉ dao động giá trong khoảng -1.4% đến 1.5%.
Nhóm khai thác than tiếp tục có nhiều cổ phiếu tăng nóng đầu phiên, sau khi có thông tin từ EVN, rằng nhiều nhà máy điện than đang phải chạy cầm chừng vì thiếu đầu vào. Gần đây đã có thông tin rằng giá than trong nước và xuất khẩu đã tăng lên, nhưng có lẽ NĐT vào cổ phiếu ngành này vẫn kỳ vọng giá bán còn tăng hơn nữa, đem lại kết quả tích cực trong quý 1 năm nay.
DIG mở cửa tăng hơn 2%, nhưng sau đó đang nhanh chóng lùi lại về tham chiếu. Ở nhóm BĐS nhà ở, nhất là những mã từng tăng nóng trong thời gian qua, cũng có vẻ đang có diễn biến tương tự, thậm chí đã chuyển qua giảm giá, như QCG, CEO, NBB, TGG, DRH… Ngược lại, những cổ phiếu của các tên tuổi tầm trung trở lên đa số giữ được sắc xanh ngay sau mở cửa, dù mức tăng không thực sự lớn.
Tương tự BĐS, nhóm cổ phiếu xây dựng cũng tràn ngập sắc xanh, dù mức tăng bình quân cũng không lớn. Ở nhóm ngành này, ấn tượng nhất có lẽ là SJG, ngoài ra cũng có 1 số mã vốn hóa nhỏ hơn mà tăng mạnh như DC2, SVN, E12, CI5…
Nhóm dầu khí nhà PVN đang có sắc xanh chiếm ưu thế, dù ngày mai dự đoán giá xăng dầu trong nước sẽ giảm khá mạnh. GAS mở cửa giảm nhẹ, nhưng sau đó đã tăng trở lại. Các tên tuổi giảm đáng kể cuối ngày hôm qua như PVC, PVD, PVS, PVT… hiện đều đang xanh. 2 đại gia phân bón có vốn dầu khí là DCM và DPM đang tăng nhẹ, sau khi giảm hết cỡ chiều qua. Tuy nhiên lưu ý giá dầu Brent future đang giảm khá mạnh sáng nay.
Chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đều tăng nhẹ ngay trước khi HOSE mở cửa. Thậm chí sau ATO vài phút, khi VN-Index có dấu hiệu chùng sớm, thì HNX-Index vẫn neo trên cao, có lẽ nhờ 1 số Large Cap như IDC, PVI, SHS, MBS… Tương tự, trên UPCoM đang có 1 số Large Cap tăng khá mạnh như FOX, VEA, VEF, VGT…
Cổ phiếu hệ sinh thái FLC tiếp tục đỏ. Hiện trên FLC, vẫn có hơn 90 triệu cổ phiếu chất giá sàn sau ATO. Có vẻ như NĐT không bán không thôi. Tuy nhiên ở những mã khác không hẳn đang giảm sàn, ví dụ như ART hay HAI.
Hoàng Nam
FILI
|