Từ vụ Trịnh Văn Quyết bị bắt: Ngăn chặn từ đầu ý đồ thao túng chứng khoán
Nếu cơ quan quản lý sớm vào cuộc đã có thể ngăn chặn hành vi thao túng thị trường và tránh được thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Ngày 30-3, một ngày sau khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán (TTCK), nhóm cổ phiếu liên quan ông Quyết và Tập đoàn FLC đã giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp.
Cú sốc ngắn hạn
Cụ thể, FLC chỉ còn 11.800 đồng/cổ phiếu, ROS còn 7.590 đồng/cổ phiếu, HAI còn 5.470 đồng/cổ phiếu, KLF còn 5.400 đồng/cổ phiếu, ART còn 8.800 đồng/cổ phiếu; AMD còn 5.760 đồng/cổ phiếu. Lượng khớp lệnh mỗi mã chỉ vài triệu cổ phiếu, trong khi lệnh bán giá sàn vẫn còn chất chồng, tới hết phiên còn dư tới gần 220 triệu cổ phiếu.
Với thị trường chung, tâm lý nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn giúp giá nhiều nhóm cổ phiếu tăng trở lại vào buổi sáng, VN-Index có lúc đảo chiều tăng hơn 6 điểm, lên 1.503 điểm. Tuy nhiên, đến buổi chiều, một số thông tin tiêu cực mới xuất hiện, cộng thêm áp lực giải chấp từ nhóm cổ phiếu FLC lan sang nhiều cổ phiếu khác. Kết quả, thị trường tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ, hàng trăm cổ phiếu đảo chiều giảm giá, trong đó nhiều mã giảm kịch sàn.
Điểm tích cực của phiên này là thanh khoản toàn thị trường tiếp tục cải thiện khi đạt 33.432 tỉ đồng, tăng 24%, trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 27,2% lên mức 27.805 tỉ đồng. Khối ngoại mua ròng khoảng 120 tỉ đồng ở sàn HoSE.
Ông Lê Quang Minh - Giám đốc phân tích đầu tư, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam - nhận định trong ngắn hạn thị trường vẫn còn chịu cú sốc nhất định từ vụ án lãnh đạo FLC vì tâm lý lo lắng của nhà đầu tư. Nhưng nếu nhìn dài hạn, TTCK vẫn tăng trưởng trong năm nay và đây có thể là cơ hội để mua những cổ phiếu tốt. "Với nhóm cổ phiếu họ FLC, bài toán đối với nhà đầu tư là rất khó lúc này vì cổ phiếu giảm sàn liên tục. Còn với những mã đầu cơ khác, nhà đầu tư có thể hạ bớt tỉ trọng rồi chờ cơ hội giải ngân vào những cổ phiếu khác có triển vọng tốt hơn" - ông Lê Quang Minh nhìn nhận.
Nhóm cổ phiếu FLC đã có 3 phiên giảm kịch sàn liên tục từ khi xuất hiện thông tin ông Trịnh Văn Quyết rò rỉ đến nay. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nói với những nhà đầu tư đã dám mua cổ phiếu dạng "lướt sóng" thì đã chấp nhận rủi ro và có kịch bản ứng phó. Nhưng thực tế, vẫn có nhiều nhà đầu tư F0, có vốn từ vài chục đến vài trăm triệu đồng được tư vấn mua cổ phiếu FLC với kỳ vọng tập đoàn này sắp quảng bá hãng hàng không Bamboo Airways ở nước ngoài và có thể đưa hãng này lên sàn.
"Họ là những nhà đầu tư khốn khổ nhất vì chưa quen "lướt sóng" kiếm tiền mà mua theo lời tư vấn của nhân viên môi giới. Trong trường hợp này, họ bị mất tiền, lỗ nặng và có thể mất niềm tin, ác cảm với thị trường. Do đó, từ vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt và nhóm cổ phiếu của FLC giảm sàn liên tục, có thể đặt vấn đề vai trò của các công ty chứng khoán, nhân viên môi giới khi tư vấn cho nhà đầu tư F0 nên hướng tới những cổ phiếu có độ an toàn cao, không phải đầu cơ, để họ quen dần với thị trường. Khi đó, thị trường mới bền vững và F0 cũng không bị sốc vì chứng khoán" - TS Đinh Thế Hiển nói.
Về tầm nhìn cho thị trường, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định vụ ông Trịnh Văn Quyết chỉ là tác động ngắn hạn và sẽ sớm tốt lên khi thị trường minh bạch hơn. Bởi với việc khởi tố vụ án hình sự vì hành vi thao túng TTCK là động thái răn đe rất mạnh chứ không chỉ là xử phạt vi phạm hành chính như trước đây. Những ông chủ DN, cổ đông lớn hoặc các "đội lái" có ý định thao túng giá cổ phiếu chắc chắn sẽ dè chừng, thậm chí từ bỏ ý định làm giá hay thổi giá cổ phiếu.
Mạnh tay với "đội lái"
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), đánh giá việc cơ quan cảnh sát điều tra bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết để điều tra về hành vi "thao túng chứng khoán" là rất cần thiết, mang tính răn đe cho các đối tượng khác đang có những ý đồ tương tự. Trước đây VAFI từng nhiều lần đề xuất các biện pháp làm trong sạch TTCK, nếu cơ quan quản lý sớm thực hiện theo có thể đã ngăn chặn được hành vi thao túng thị trường và bán chui cổ phiếu của ông Quyết, cũng như tránh được thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Là một người nhiều năm theo dõi TTCK, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết trên thị trường có rất nhiều cổ phiếu "rác", không đủ tiêu chuẩn niêm yết vẫn tồn tại từ năm này qua năm khác. Những cổ phiếu kém chất lượng này rất dễ bị các đối tượng tung chiêu trò làm giá, thổi giá nhằm lừa gạt nhà đầu tư.
Các "đội lái" chuyên nghiệp thường sử dụng chiêu thức mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ làm giá, rồi lập hàng ngàn tài khoản chứng khoán, giả cả tài khoản nhà đầu tư nước ngoài để tạo cung - cầu ảo. Tinh vi hơn, các đối tượng còn thành lập nhiều công ty "ma" để thực hiện các giao dịch giả nhằm đẩy giá chứng khoán; làm giả báo cáo tài chính, tạo doanh thu, lợi nhuận ảo để dễ "bán giấy lấy tiền". Những doanh nghiệp dạng này có chào bán cổ phiếu với giá 1.000 đồng thì họ vẫn thu lợi rất nhiều nhưng không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ tưởng lầm rằng giá đó là rất hấp dẫn.
Để phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu hành vi thao túng thị trường, ông Hải đề nghị cơ quan quản lý cần thanh tra những cổ phiếu "rác", những cổ phiếu dưới mức mệnh giá trong thời gian dài nhưng vẫn huy động được "nhà đầu tư chiến lược’’ để mua cổ phiếu mới phát hành bằng mệnh giá, giá phát hành cao hơn giá thị trường tới 40%-50%.
"Không khó để xác định "các nhà đầu tư chiến lược’’ từ cơ sở dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Cần làm rõ tại sao họ mua giá cao rồi bán thấp, chẳng lẽ họ chấp nhận chịu lỗ hàng trăm tỉ đồng, hay đó chỉ là thủ tục mua, sau đó toàn bộ tiền được rút ra hoàn trả và doanh nghiệp phát hành từ đó có cơ sở "bán giấy thu tiền" thực? Tại sao cơ quan quản lý dễ dàng chấp thuận những đợt phát hành mới kiểu này" - ông Hải lưu ý.
Đặc biệt, cần thanh tra công ty chứng khoán làm công cụ làm giá chứng khoán cho những ông chủ của mình. Qua đó, xác định có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong DN, người thân thích nhưng giao dịch hằng ngày là do công ty chứng khoán thực hiện. Cần yêu cầu Trung tâm Lưu ký chứng khoán cung cấp dữ liệu để xác định những đối tượng đầu tư giả.
Tại những công ty chứng khoán kiểu này, việc xác định những "nhà đầu tư nước ngoài’’ đang mở tại đó là giả hay thật cũng không khó. Bởi vì, các nhà đầu tư nước ngoài giả thường là các lao động Việt Nam ở nước ngoài và được lợi dụng để đứng tên mở tài khoản giao dịch chứng khoán trong nước.
Xử lý dứt điểm bất cập trong lĩnh vực chứng khoán
Ngày 30-3, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm TTCK hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững.
Trong đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến của TTCK trong nước và quốc tế, các dòng vốn ra và vào thị trường để chủ động có giải pháp điều hành, giám sát phù hợp, kịp thời, sát với tình hình; bảo đảm an toàn, minh bạch, ổn định TTCK, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn.
Chủ động công bố thông tin và thực hiện các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Đẩy mạnh việc rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK để có chế tài xử lý mạnh mẽ, có tác dụng răn đe, bảo đảm minh bạch và lành mạnh của thị trường.
Các cơ quan, đơn vị chức năng cần tiếp tục theo dõi và xử lý sớm, dứt điểm, có hiệu quả các vấn đề bất cập, tồn tại trong lĩnh vực chứng khoán như hệ thống giao dịch, việc công bố thông tin của các công ty đại chúng và doanh nghiệp niêm yết, chất lượng báo cáo kiểm toán...
T.Dũng
|
Cần cải tổ Ủy ban Chứng khoán
Về lâu dài, ông Nguyễn Hoàng Hải đặt vấn đề cần thiết phải có những cải tổ tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để tránh xung đột lợi ích. Bởi mấu chốt của vấn đề nằm ở khâu thanh tra, giám sát thị trường hiện nay của sở giao dịch chứng khoán cũng như UBCKNN còn chưa đạt hiệu quả.
Theo ông Hải, các nước trên thế giới đều có mô hình UBCK, mà nói đến ủy ban tức là mô hình có sự lãnh đạo tập thể. Các lãnh đạo ủy ban là chủ tịch, tổng thư ký hoặc có từ 1-2 ủy viên thường trực, các ủy viên chuyên trách. Những chức danh này có thể đến từ các đơn vị khác nhau trong cơ quan nhà nước. Như vậy, sẽ có sự phối hợp với nhau rất chặt chẽ. Trong khi UBCKNN của Việt Nam hiện nay lại theo mô hình một thủ trưởng, nên các quyết định về nhân sự, thanh tra kiểm tra, giám sát, cấp phép đều do một người quyết định, vì vậy khó khách quan. Việc cấp phép và hậu kiểm phải là 2 người khác nhau.
|
Sơn Nhung - Thái Phương
Người lao động
|