Tổng thống Nga ký sắc lệnh yêu cầu thanh toán tiền khí đốt bằng Rúp
Nga sẽ ngừng cung ứng khí đốt cho những người mua đến từ các quốc gia “không thân thiện” nếu họ không thanh toán bằng đồng Rúp từ ngày 01/04, Tổng thống Vladimir Putin cho biết.
“Để mua khí đốt của Nga, họ cần phải mở tài khoản bằng đồng Rúp ở các ngân hàng Nga”, ông Putin cho biết trong ngày 31/03. “Các khoản thanh toán cho khí đốt phải được thực hiện thông qua các tài khoản này từ ngày 01/04. Nếu các khoản thanh toán bằng đồng Rúp không được thực hiện, chúng tôi sẽ xem là khách hàng không thực hiện nghĩa vụ của mình”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
|
Theo sắc lệnh được Tổng thống Putin ký, bên mua phải mở tài khoản đặc biệt tại ngân hàng quốc doanh Gazprombank và đổi ngoại tệ sang đồng rúp để thực hiện các giao dịch mua khí đốt.
Tổng thống Putin đầu tuần này yêu cầu những quốc gia "thiếu thân thiện" thanh toán khí đốt bằng đồng Rúp, trong đó có Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.
Giới chuyên gia nhận định động thái mới nhất của Nga nhằm gây áp lực lên châu Âu để trả đũa các lệnh cấm vận. Với các lệnh trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Nga, phương Tây đóng băng khoảng 300 tỷ USD, gần một nửa dự trữ quốc tế của Nga.
Trước đó, đại diện ngành công nghiệp Đức lo ngại các cơ sở sản xuất phải đóng cửa, làm sụp đổ chuỗi cung ứng ở châu Âu nếu khí đốt từ Nga bị cắt.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 30/03 thông báo nước này kích hoạt giai đoạn đầu trong kế hoạch khẩn cấp ứng phó tình huống cạn kiệt năng lượng do lo ngại Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Theo kế hoạch này, các hộ gia đình và bệnh viện Đức sẽ được ưu tiên phân bổ khí đốt hơn doanh nghiệp trong trường hợp nguồn cung bị hạn chế.
Lãnh đạo các doanh nghiệp và nghiệp đoàn Đức cùng ngày cảnh báo bất cứ gián đoạn nào với nguồn cung khí đốt có thể sẽ tàn phá nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn chưa hồi phục hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hậu Covid-19.
Tình huống xấu nhất trong kịch bản Nga cắt khí đốt tới Đức được cho là liên quan đến công ty hóa chất lớn nhất thế giới BASF. Cơ sở sản xuất hóa chất chính của BASF ở thành phố Ludwigshafen, miền tây Đức, có nguy cơ phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ nếu thiếu khí đốt.
Chủ tịch hiệp hội công nhân hóa chất IG BCE Đức Michael Vassiliadi cảnh báo khoảng 40,000 công nhân sẽ phải giảm giờ làm hoặc bị sa thải.
Christian Kullmann, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất Đức (VCI), cũng cảnh báo cơ chế vận hành của các nhà máy hóa chất rất phức tạp, "không thể tắt đi bật lại như lò vi sóng".
"Một khi các nhà máy hóa chất dừng hoạt động, chúng sẽ không thể sản xuất trong nhiều tháng", Kullmann nói và nói rằng tình trạng gián đoạn này sẽ "gây ra hiệu ứng domino rất lớn với phần lớn ngành công nghiệp".
"Giá năng lượng tăng cao, nhưng trên hết là kịch bản nguồn cung khí đốt bị cắt, sẽ giáng đòn mạnh vào ngành hóa chất, mẹ của nhiều ngành công nghiệp Đức", Vassiliadi nói. "Hậu quả không chỉ là nhiều lao động bị sa thải, mà còn là sự sụp đổ nhanh chóng của chuỗi sản xuất công nghiệp ở châu Âu, gây hậu quả khắp toàn cầu".
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|