Thị trường tiền ảo tuần qua: Bitcoin vượt mốc 44,000 USD
Giá Bitcoin tăng vọt sau khi Nga cho biết đang cân nhắc chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán cho các giao dịch xuất khẩu dầu thô và khí đốt.
Vào sáng ngày 26/03 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin đang giao dịch ở mức 44.363 USD, tăng 6.4% so với 7 ngày trước. Trong khi đó, Ethereum dù đã giảm nhẹ trong ngày 26/03, nhưng vẫn còn tăng 5.37% so với cuối tuần trước.
Nhiều đồng tiền kỹ thuật số trong top 10 cũng khởi sắc, Ripple tăng hơn 4%, Cardano vọt 27% và Solana tiến gần 10%. Vốn hóa của thị trường tiền ảo ở mức 1,990 tỷ USD vào sáng ngày 26/03, tăng hơn 100 tỷ USD so với cuối tuần trước.
Top 10 đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất
Nguồn: CoinMarketCap
|
Thị trường tiền điện tử khởi sắc sau khi giới chức Nga mới đây bỏ ngỏ khả năng thanh toán bằng đồng Bitcoin khi bán năng lượng cho các quốc gia “thân thiện” như Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga cân nhắc thu tiền bán dầu khí bằng Bitcoin
Đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn từ phương Tây, Nga đang cân nhắc sử dụng Bitcoin để thanh toán cho hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của mình.
Trong cuộc họp báo hôm 24/03, Chủ tịch Ủy ban năng lượng tại Hạ viện Nga Pavel Zavalny đề cập đến các quốc gia "thân thiện" như Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, Nga có thể linh hoạt hơn trong các lựa chọn thanh toán.
Theo tập đoàn truyền thông RBC của Nga, ông Zavalny nói rằng đồng nội tệ của bên mua, cũng như Bitcoin, đang được xem là lựa chọn thay thế để thanh toán cho năng lượng xuất khẩu từ Nga.
Ông Zavalny cho hay: "Chúng tôi đã đề xuất với Trung Quốc trong một thời gian dài để chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp và nhân dân tệ. Với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là đồng lira và rúp". Không dừng lại với tiền tệ truyền thống, ông Zavalny cho biết: "Chúng ta cũng có thể giao dịch bằng Bitcoin".
Người Nga đổ tiền mua Bitcoin, tiền ảo
Các lệnh trừng phạt tài chính từ Phương Tây đang khiến Nga gần như bị cô lập với hệ thống tài chính toàn cầu.
Sau khi thực hiện chiến dịch quân sự của mình ở Ukraine, Nga đang phải chịu nhiều lệnh trừng phạt về kinh tế và tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người Nga không thể chuyển tài sản của mình ra khỏi quốc gia này. Nhiều quan điểm cho rằng tiền ảo có thể là cách để người Nga vượt qua các lệnh cấm vận.
Theo Economist, có nhiều bằng chứng cho thấy người Nga đang mua vào tiền ảo nhiều hơn. Lưu lượng giao dịch đồng Rúp – Bitcoin trên Binance, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới theo lưu lượng giao dịch, tăng cao lên tương đương mức gấp 10 lần mức bình thường, từ 50 Bitcoin (20 triệu USD) mỗi ngày lên mức 500 Bitcoin.
Dù vậy, xu hướng này có thể chỉ đơn giản đến từ việc người Nga muốn nắm giữ một tài sản không bị mất giá trị. Trong khi đó đồng rúp đã rớt giá mạnh.
Với những tài phiệt Nga đang muốn né tránh các đòn trừng phạt của Mỹ, chuyển tài sản sang tiền ảo có thể là một cách lý tưởng. Tuy nhiên, việc dùng tiền ảo để mua các vật dụng hàng ngày hay tài sản tài chính trực tiếp là không thể. "Điều cuối cùng họ cần là có thể tiếp cận một loại hình tiền pháp định nào đó và việc này ngày càng khó hơn", Christopher Wray, Giám đốc FBI, chia sẻ.
Vũ Hạo
FILI
|