Ưu điểm lớn nhất của tiền mã hóa có thể chỉ là ảo tưởng
Nhà nghiên cứu Internet cho rằng tiền mã hóa có thể không phải là loại tài sản đầu tư bình đẳng, phi tập trung mà mọi người vẫn nghĩ.
Theo nhà nghiên cứu Catherine Flick, các công nghệ dựa trên blockchain như tiền số, NFT, GameFi, metaverse và Web3 đều bị thao túng bởi các tổ chức lớn, không phải phi tập trung và bình đẳng như thường được nhắc đến.
“Những công ty lớn và những kẻ có khả năng thâu tóm thị trường đang kiếm tiền trên công sức của người lao động. Những người này thường dễ bị lợi dụng và bị bóc lột bởi họ thiếu kiến thức chuyên sâu", Flick, nhà nghiên cứu tại Trường Khoa học Máy tính và Tin học, thuộc Đại học De Montfort, cho biết.
Người tạo ra sản phẩm không được ghi nhận xứng đáng
Flick cho rằng những người bỏ công sức, ví dụ như một số nghệ sĩ đứng sau các bộ sưu tập NFT, được trả ít hơn số tiền mà họ đáng lẽ được nhận. Nghệ sĩ đứng sau bộ sưu tập Bored Ape Yatch Club (BAYC) nổi tiếng với 10.000 tác phẩm NFT từng tiết lộ với trang tin Wired rằng mức thu nhập cô nhận được "không hề cao".
Theo chuyên gia Catherine Flick, người lao động đang bị các cá voi tiền mã hóa bóc lột. Ảnh: Getty Images.
|
Bà Flick, chuyên gia nghiên cứu về các chủ đề như đạo đức trong ngành công nghiệp game và công nghệ, là một trong số những nhà phê bình đối với trào lưu tiền mã hóa. Bà cũng thường xuyên đưa ra cảnh báo cho các nhà đầu tư.
Flick không phải tiếng nói duy nhất cảnh báo về rủi ro của tiền mã hóa và các trào lưu. Dan Olson, YouTuber nghiên cứu tiền mã hóa đã gọi loại tài sản này là "trò lừa đảo ngu ngốc". Video phân tích về NFT trên kênh YouTube Folding Ideas của anh hiện đã đạt 6,5 triệu lượt xem.
Một trong những đặc điểm được quảng bá nhiều nhất của tài sản kỹ thuật số là tính "phi tập trung", tức là không có cá nhân, công ty hoặc chính phủ nào kiểm soát nó. “Nhưng đây có lẽ chỉ là một lời đường mật”, Flick nhận xét.
Ví dụ như Yuga Labs, công ty đứng sau BAYC, đã mua lại bộ sưu tập NFT CryptoPunks cũng như Meebits từ Larva Labs. Điều này nghĩa là tập đoàn này hiện sở hữu 2 trong số các dự án NFT có giá trị nhất trên thị trường.
"Không có gì thực sự nói 'phi tập trung' bằng một công ty kiểm soát các bộ sưu tập NFT đắt nhất và phổ biến nhất!", Molly White, nhà phê bình tiền mã hóa nhận xét về sự việc trên.
Thị trường đang bị chi phối
Flick cũng chỉ ra rằng các sàn giao dịch NFT, nơi người dùng có thể giao dịch các bộ sưu tập kỹ thuật số, là một ví dụ khác về việc tài sản kỹ thuật số không hề phi tập trung. “Nếu thị trường này thực sự ‘phi tập trung’, mọi người sẽ dễ dàng tự bán NFT. Vấn đề là nó không hoạt động theo cách đó”, cô nói thêm.
"Sự tập trung tài sản diễn ra vì mọi người cần các sàn dễ sử dụng, có thể xem những gì đang bán và giao diện đẹp, dễ hiểu. Nó giống như đi xe vậy, bạn không cần biết chiếc xe của mình hoạt động như thế nào mà vẫn có thể lái xe", bà Flick nhận định.
Cuối tháng 12/2021, nghiên cứu được thực hiện bởi Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) chỉ ra rằng 10.000 ví tiền mã hóa lớn nhất đang nắm giữ 5 triệu Bitcoin, với giá trị khoảng 232 tỷ USD. Con số này tương đương chưa đến 0,01% trong khoảng 114 triệu ví trên toàn cầu đã cất giữ 27% số Bitcoin đang lưu hành.
Nghiên cứu này do các giáo sư tại Trường Quản lý MIT Sloan và Trường Kinh tế London thực hiện. Nhóm tác giả cho rằng BTC là một hệ thống tập trung cao do chúng đang nằm ở một số ít địa chỉ. Điều này vô tình khiến BTC dễ bị rủi ro hệ thống hơn.
Phần lớn số Bitcoin vẫn nằm trong ví của các 'cá voi'. Ảnh: CoinTelegraph.
|
Bên cạnh đó, lợi nhuận thu được từ việc đồng tiền tăng giá cũng chỉ về tay một nhóm nhỏ các nhà đầu tư và tổ chức lớn.
“Mặc dù đã tồn tại được 14 năm và sự phổ biến của nó ngày càng rộng rãi, nhưng đây vẫn là một hệ sinh thái rất tập trung”, giáo sư Schoar tại Trường Quản lý MIT Sloan nhận định về Bitcoin.
Nếu so sánh với mức phân bổ giàu nghèo tại Mỹ, Bitcoin thậm chí còn có mức độ tập trung cao hơn. Theo số liệu của Fed, 1% số hộ gia đình tại Mỹ nắm giữ khoảng 1/3 toàn bộ tài sản của quốc gia này.
Trong những năm gần đây, tiền mã hóa dần trở thành một loại tài sản chính thống. Vốn hóa thị trường Bitcoin và các đồng tiền khác đã đạt mức 3.000 tỷ USD vào năm 2021, trong khi doanh số bán NFT đã vượt mức 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, bà Flick có một cái nhìn ảm đạm về thị trường này.
“Hãy thận trọng với việc đầu tư, thị trường tiền mã hóa sẽ sụp đổ trong thời gian không xa. Những người giành chiến thắng là những người đến sớm, mà có lẽ sẽ không phải là bạn", bà Flick nhận định.
Việt Anh
Zing.vn
|