Thứ Ba, 29/03/2022 16:00

Rủi ro kép có thể làm khó thị trường bất động sản 2022

Các chuyên gia bất động sản (BĐS) cho rằng thị trường bất động sản 2022 sẽ phải chịu nhiều áp lực, khi dịch bệnh chưa qua thì lạm phát đã tới, đặc biệt, rủi ro kép tăng lên trên cả hai phương diện là rủi ro về pháp lý và rủi ro về thị trường BĐS. Do đó, nhà đầu tư cần có sự thay đổi tư duy, thích ứng và chuyển đổi để tồn tại và phát triển.

Thị trường BĐS 2022 sẽ khắc nghiệt

Tham gia tọa đàm “Bất động sản mùa Xuân” mới đây, các chuyên gia BĐS cho rằng rủi ro kép của thị trường BĐS bao gồm rủi ro về pháp lý và rủi ro về thị trường đang tăng lên.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng, trong năm 2021 thị trường BĐS phải đối mặt với không ít khó khăn bên cạnh yếu tố dịch COVID -19. Nguyên nhân là do vướng mắc về pháp lý làm hạn chế nguồn cung ra thị trường, đồng thời, năm 2021 còn xuất hiện rất nhiều sản phẩm BĐS giả, BĐS lậu, sản phẩm đất phân lô, bán nền “chui”. Trong khi đó, các đợt “sốt đất” vào đầu và cuối năm ngoái còn khiến thị trường xuất hiện “bong bóng BĐS”.

Những yếu tố vừa nêu sẽ khiến thị trường BĐS năm 2022 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt việc lạm phát thời điểm hiện tại sẽ khiến giá nhà, đất tăng. Vì vậy, Chủ tịch VARS nhận định; “Thị trường BĐS năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá, thị trường BĐS nước ta nói chung và các doanh nghiệp BĐS nói riêng thời gian qua chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và thế mạnh sẵn có, trong khi nhiều mảng thị trường chưa được khai thác và đầu tư có hiệu quả.

Ông Khôi chỉ ra, hiện nay có nhiều phân khúc thị trường còn gặp những rào cản, vướng mắc lớn. Đồng thời, lực cầu nhà ở cho các tầng lớp trong xã hội rất lớn, đặc biệt là nhà ở bình dân cho người thu nhập trung bình và thấp, tuy nhiên nguồn cầu của thị trường lại khá nhỏ giọt và hạn chế.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng những vấn đề như vướng mắc về pháp lý, "sốt đất", "phân lô, bán nền trái phép" cùng với lạm phát sẽ khiến thị trường BĐS năm 2022 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, khiến giá nhà đất tăng.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, những hạn chế đang tồn tại của thị trường BĐS nước ta xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, những bất cập, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách đối với thị trường BĐS là một trong những nguyên nhân chủ yếu.

Cụ thể, những chính sách, pháp lý chưa rõ ràng đối với các loại hình BĐS du lịch, BĐS văn phòng kết hợp nhà ở, trung tâm thương mại,… Các quy trình, thủ tục pháp lý về tiếp cận đất đai, vận hành dự án, cơ chế đảm bảo phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường còn hạn chế, nên thị trường xuất hiện nhiều nguy cơ rủi ro, tranh chấp, xung đột,…

Đồng quan điểm với ông Đính và ông Khôi, nhiều chuyên gia BĐS cũng cho rằng, những ách tắc trong thủ tục hành chính, các chồng chéo giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đang gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS.

Rủi ro kép

Tham gia sự kiện, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch VCCI, cho rằng ở thời điểm hiện tại, trong khi việc khai thác các nguồn lực đất đai và thúc đẩy quá trình đô thị hoá là nguồn lực, cũng là động lực quan trọng nhất của quá trình công nghiệp hoá thì hệ thống pháp luật về đất đai và BĐS lại đang là điểm nghẽn lớn nhất ở nước ta.

Ông Lộc cho rằng sắp tới, các doanh nghiệp BĐS cần chú trọng vào các vấn đề pháp lý, nhất là pháp lý hợp đồng, phòng ngừa rủi ro, tranh chấp pháp lý. Bởi theo ông, đây là vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều, mà mới thường quan tâm đến các vấn đề thị trường, đối tác...

Chuyên gia BĐS cho rằng sắp tới, các doanh nghiệp BĐS cần chú trọng vào các vấn đề pháp lý, nhất là pháp lý hợp đồng, phòng ngừa rủi ro, tranh chấp pháp lý.

Còn theo chuyên gia Cấn Văn Lực, kinh tế thế giới năm 2022 có nhiều triển vọng, nhưng vẫn phải đối mặt với những rủi ro, thách thức. Theo đó, các rủi ro bên ngoài bao gồm rủi ro chính trị (chiến sự Nga – Ukraine); lạm phát khiến giá cả tăng mạnh; các nước thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất; dịch bệnh còn phức tạp, phòng chống dịch còn thiếu nhất quán; tác động của dịch COVID -19 đối với các ngành kinh tế khác nhau nên phục hồi khác nhau; sức cầu còn yếu, dịch vụ phục hồi chậm; lạm phát tăng.

Đối với Việt Nam, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ công tăng, thâm hụt ngân sách và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng (trong tầm kiểm soát); lợi nhuận biên của doanh nghiệp tiếp tục bị thu hẹp; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn…

Trước những thách thức nêu trên, ông Cấn Văn Lực cho rằng các doanh nghiệp BĐS cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các Chương trình hỗ trợ; phục hồi xanh, tăng trưởng xanh do loại hình BĐS xanh đang là xu thế, bên cạnh đó các doanh nghiệp cần chuyển đổi số để đón đầu xu hướng mới liên quan đến việc thay đổi hành vi khách hàng, do đó việc thay đổi cách quản lý, phòng ngừa rủi ro… là điều tất yếu.

Lập Đông

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Sốt đất tiếp tục lan rộng, nguyên nhân do đâu? (29/03/2022)

>   Nhiều kiến nghị sửa đổi các luật để phát triển thị trường bất động sản (29/03/2022)

>   Chính sách nhà ở bao trùm (28/03/2022)

>   Vì sao các thương vụ M&A bất động sản khó 'giữ chân' vốn ngoại? (27/03/2022)

>   Doanh nghiệp BĐS đẩy mạnh “kích cầu” trước nguy cơ lạm phát (28/03/2022)

>   Giá đất ở Mã Đà tăng từng ngày (26/03/2022)

>   Phân lô bán nền: Nhu cầu thị trường hay bất cập trong quản lý? (25/03/2022)

>   Vì sao bất động sản không ngừng tăng giá? (25/03/2022)

>   Nước nghèo, dân thu nhập thấp mà giá đất 'trên trời' (24/03/2022)

>   Sau dịch đầu tư bất động sản “lên ngôi” (24/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật