Thứ Hai, 14/03/2022 08:14

Những lý do đằng sau đà tăng của tỷ giá

Vấn đề cần quan tâm là yếu tố sẽ chi phối tỷ giá trong dài hạn và những tác động của đà tăng tỷ giá lên nền tảng vĩ mô sẽ ra sao.

Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã tăng liên tục từ mức 22.629 cuối tháng 1-2022 lên mức 22.830 vào ngày 4-3-2022, tương ứng mức tăng khoảng gần 0,9%. Kỳ vọng về chính sách “diều hâu” từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chiến sự tại Ukraine có lẽ là những yếu tố hàng đầu tác động lên tỷ giá thời gian qua.

Những yếu tố nào tác động lên đà tăng tỷ giá?

Sự thay đổi về chính sách tiền tệ của Fed đang là tâm điểm của thị trường toàn cầu. Mặc dù cơ quan điều hành tiền tệ này đã thông báo về việc tăng lãi suất và kết thúc chương trình mua trái phiếu trước đó, song những áp lực từ lạm phát đang khiến thị trường kỳ vọng về chính sách “diều hâu” từ Fed (tăng lãi suất mạnh mẽ). Từ việc có thể tăng 3-4 lần lãi suất (tổng cộng khoảng 0,9-1%) thì giờ đây thị trường đang kỳ vọng Fed thậm chí tăng tới tới 9 lần (tương đương mức tăng khoảng 2,25%). Lãi suất đô la Mỹ tăng cao là áp lực lớn cho tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng thời gian qua.

Bên cạnh đó, tình hình chiến sự tại Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu mua các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, đô la Mỹ hay trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ, khiến giá vàng tăng cao, chỉ số DXY tăng mạnh và phần nào khiến lợi suất TPCP Mỹ giảm sau đà tăng mạnh do kỳ vọng Fed tăng lãi suất.

Chỉ số DXY tăng mạnh, ngày 4-3-vừa qua, chỉ số DXY đóng cửa ở mức 98,509; tăng tới 3,3% so với đầu tháng 2 năm nay. Nhu cầu đô la Mỹ tăng mạnh là áp lực rất lớn cho tiền đồng trên thị trường ngoại hối. Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng cũng đã tăng mạnh trong cùng khoảng thời gian DXY tăng kể trên.

Ở thị trường trong nước, cán cân thương mại tháng 2 vừa qua ước thâm hụt lớn, ước nhập siêu tới 2,34 tỉ đô la Mỹ và hai tháng đầu năm ước thâm hụt gần 1 tỉ đô la Mỹ (trong khi cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 1,6 tỉ đô la Mỹ), theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Cán cân thương mại thâm hụt cũng khiến nguồn cung đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng giảm sút trong ngắn hạn, ảnh hưởng nhất định tới tỷ giá. Nhưng nhìn chung, trạng thái ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng vẫn đang khá ổn định nên tác động lên tỷ giá từ thâm hụt cán cân thương mại kể trên có thể chưa nhiều. Song tình trạng thâm hụt kéo dài sẽ càng gia tăng áp lực cho tỷ giá.

Yếu tố nào sẽ chi phối tỷ giá trong dài hạn?

Tỷ giá đã trải qua giai đoạn 2019-2021 ổn định, thậm chí tiền đồng lên giá so với đô la Mỹ trong quãng thời gian này. Đây cũng là giai đoạn gắn liền với chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, đại dịch Covid-19 và chính sách tiền tệ cũng bước vào chu kỳ nới lỏng trên toàn thế giới để hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ ảnh hưởng từ những sự kiện kể trên.

Tỷ giá đang trong giai đoạn biến động với những áp lực từ thị trường tài chính quốc tế.

Fed vốn được coi là ngân hàng trung ương của mọi ngân hàng trung ương, luôn đi đầu và đưa ra những quyết sách mạnh mẽ. Minh chứng rõ ràng nhất là sự kiện “Fed cut emergency” vào tháng 3-2020, khi cơ quan này đã giảm 1,5% lãi suất điều hành, về vùng 0-0,25%, đồng nghĩa với việc sử dụng hết dư địa trong công cụ lãi suất, đi kèm là bơm tiền cực mạnh thông qua nới lỏng định lượng, cửa sổ chiết khấu hay đẩy đô la Mỹ sang các ngân hàng trung ương qua công cụ swap và thực hiện mua TPCP Mỹ từ các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Ba năm chính sách tiền tệ toàn cầu nới lỏng, tỷ giá đô la/tiền đồng tương đối ổn định do nguồn cung đô la Mỹ liên tục được Fed bơm mới và lãi suất đô la Mỹ thấp cận 0%.

Bước sang năm 2022, có thể thấy lạm phát tăng cao đã và đang khiến Fed phải kết thúc chu kỳ nới lỏng và chuyển sang giai đoạn thắt chặt. Nguồn cung đô la Mỹ sẽ hạn chế hơn, đi kèm lãi suất đô la Mỹ sẽ cao hơn và đây là những yếu tố “đè nặng” lên tỷ giá không chỉ trong ngắn hạn.

Việc tỷ giá tăng kéo dài sẽ ảnh hưởng thế nào tới nền tảng vĩ mô?

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 100% quy mô GDP. Việc tỷ giá tăng kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Cụ thể, giá nhập khẩu tăng trong thời gian kéo dài sẽ làm chi phí đẩy cho nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng chính là áp lực cho lạm phát. Cộng hưởng với những áp lực từ giá xăng dầu tăng cao kể từ năm ngoái tới bây giờ thì mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4% sẽ gặp không ít thử thách. Lạm phát ở mức cao lại tác động tới chính sách tiền tệ và mặt bằng lợi suất TPCP trong nước.

Về chính sách tiền tệ, với lịch trình tăng lãi suất khá dày đặc từ Fed thì nếu lạm phát trong nước tăng cao có thể đặt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào tình thế phải tăng lãi suất điều hành. Lạm phát tăng cao và lãi suất điều hành tăng sẽ là áp lực lớn cho kênh huy động vốn qua TPCP của Kho bạc Nhà nước. Nhu cầu TPCP sẽ thấp hơn trong một xu hướng lợi suất tăng cao, đồng nghĩa với việc Kho bạc Nhà nước sẽ khó khăn hơn trong việc phát hành TPCP và phải huy động vốn ở chi phí cao hơn. Qua đó, kế hoạch tài khóa cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng nếu kênh TPCP gặp áp lực huy động.

Trong bối cảnh này, dòng vốn ngoại có lẽ là yếu tố có vai trò cực kỳ quan trọng với tỷ giá. Bởi lẽ, trong giai đoạn tỷ giá tăng cao thì bơm đô la Mỹ là biện pháp hữu hiệu để kiềm chế tỷ giá. Nếu lượng đô la Mỹ được bơm mới ra thị trường đến từ NHNN sẽ đồng nghĩa với việc NHNN hút bớt tiền đồng do bán đô la Mỹ, tác động làm tăng lãi suất tiền đồng và ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường liên ngân hàng.

Trong khi đó, cơ chế bơm tiền đồng của chính sách tiền tệ để bổ sung thanh khoản cho hệ thống ngân hàng chủ yếu thông qua thị trường mở với cơ chế cho vay ở lãi suất thị trường mở chỉ mang tính chất ngắn hạn, chưa kể nếu lãi suất điều hành tăng do những lý do kể trên thì các ngân hàng thương mại sẽ phải vay NHNN với lãi suất thị trường mở cao hơn. Hay nói khác đi, thị trường mở có thể bổ sung thanh khoản ngắn hạn nhưng không giúp kéo lãi suất liên ngân hàng về mức thấp được.

Còn khi lượng đô la Mỹ bổ sung cho thị trường trong nước đến từ thị trường nước ngoài (có thể thông qua hoạt động xuất khẩu, hay nhà đầu tư nước ngoài tăng cường dòng vốn FDI, FPI) thì đây sẽ là dư địa lớn để bình ổn tỷ giá. Hơn thế nữa, đây còn là nguồn ngoại tệ tiềm năng để bổ sung vào dự trữ ngoại hối quốc gia.

Tựu trung lại, tỷ giá đang trong giai đoạn biến động với những áp lực từ thị trường tài chính quốc tế. Điều này đặt ra nhiều thách thức lên vai nhà điều hành tiền tệ trong thời gian tới. Dự trữ ngoại hối thời điểm hiện tại đạt hơn 100 tỉ đô la Mỹ là dư địa lớn để bình ổn tỷ giá trong những giai đoạn khó khăn, song nếu sử dụng cũng có thể phải đánh đổi những mục tiêu khác như ổn định lãi suất liên ngân hàng.

Phạm Long

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Nhà nước dự kiến thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (13/03/2022)

>   Ai đang tạo nên “ma trận phí” thẻ tín dụng ở Việt Nam? (12/03/2022)

>   Thua lỗ chứng khoán, cán bộ ngân hàng chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng (12/03/2022)

>   Giá USD duy trì ở mức cao (11/03/2022)

>   ACB đạt chứng nhận PCI DSS - tiêu chuẩn uy tín quốc tế về bảo mật dữ liệu thẻ thanh toán (11/03/2022)

>   Dragon Capital trở lại ghế cổ đông lớn của Sacombank sau 11 năm (11/03/2022)

>   Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ra sao? (11/03/2022)

>   Các kênh đầu tư ảnh hưởng gì trước lạm phát? (kỳ 1) (11/03/2022)

>   Tăng trưởng tích cực, chuyên gia đề xuất nới room tín dụng (10/03/2022)

>   Khách hàng được hoàn tiền 2 triệu đồng khi chi tiêu bằng thẻ NCB Visa (10/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật